Du lịch

Hành trang lữ hành

Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh sẵn sàng chào đón du khách

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm gần đây, khách du lịch đến tham quan, nghiên cứu, học tập tại Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh ngày một tăng. Đề cập đến chiến lược thu hút khách qua việc mở rộng và phát triển các tour du lịch sinh thái, ông Nguyễn Văn Hoan-Giám đốc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh-cho biết:
Đến nay, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh đã bước đầu hình thành một số tuyến du lịch sinh thái như: tham quan quần thể cây đa cổ thụ; chinh phục đỉnh Kon Ka Kinh cao 1.748 m-nóc nhà của cao nguyên Pleiku; đỉnh Đá trắng-địa điểm lý tưởng quan sát voọc chà vá chân xám và hệ thống thác 3 tầng, thác 95, Nàng Tiên, Kon Lốc hay tham quan Trung tâm Cứu hộ-Bảo tồn và Phát triển sinh vật.
 Thác Kon Lốc. Ảnh: P.N
Thác Kon Lốc. Ảnh: P.N
Ngoài hệ sinh thái đa dạng với nhiều loài động-thực vật quý hiếm, đặc hữu thuộc danh mục Sách Đỏ Việt Nam và Danh lục Đỏ thế giới, Vườn còn có hệ thống sông suối và đặc biệt là một số thác nước rất hùng vĩ, cảnh quan đẹp mắt. Đặc biệt, tại khu vực vùng đệm hiện có 23 làng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với những nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc. Với những lợi thế về thiên nhiên, các giá trị về văn hóa-lịch sử, cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, tôi cho rằng việc mở tuyến, điểm tham quan tại đây là một trong những giải pháp nhằm phát triển du lịch sinh thái một cách bền vững, đáp ứng nhu cầu tham quan, nghiên cứu của du khách.
Thêm một thuận lợi nữa là Chủ tịch UBND tỉnh đã ký Quyết định số 637/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” nhằm đưa ra những định hướng, các giải pháp khai thác tiềm năng du lịch sinh thái to lớn, sẵn có này. Đặc biệt, việc tổ chức thu phí tham quan được thông qua, sẽ giúp Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh kịp thời tiếp nhận nguồn kinh phí bền vững để tái đầu tư cho công tác phát triển du lịch sinh thái cũng như bảo tồn và phát triển rừng, đồng thời cũng là cơ sở để quảng bá rộng rãi hình ảnh, tầm quan trọng của Vườn Di sản ASEAN đến người dân trong nước và cộng đồng quốc tế.
Trung tâm cứu hộ, bảo tồn, phát triển sinh vật. Ảnh: Ngọc Sang
Trung tâm cứu hộ, bảo tồn, phát triển sinh vật. Ảnh: Ngọc Sang
Việc từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật; thiết lập các tuyến du lịch, tạo dựng các điểm đến hấp dẫn sẽ làm cơ sở giúp nơi đây trở thành một trong những điểm đến tiêu biểu cho du lịch sinh thái của Việt Nam; đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, vui chơi giải trí ngày càng tăng của du khách. Bên cạnh đó, thông qua hoạt động du lịch sinh thái, giáo dục cho mọi người ý thức bảo vệ môi trường; thực hiện chính sách chia sẻ lợi ích đối với người dân bản địa, gắn với phát triển du lịch sinh thái; tạo việc làm, chuyển đổi ngành nghề cho người dân vùng đệm thông qua các dự án phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn; nâng cao hiệu quả quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Với tiềm năng sẵn có và sự đầu tư một cách bài bản, chiến lược, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh sẵn sàng chào đón du khách đến tham quan, nghiên cứu.
 PHẠM NGỌC (ghi)

Có thể bạn quan tâm