Tàn nhưng không phế
Vào ngày mùng 1 hoặc 14 âm lịch hàng tháng, chị Lâm Thị Kim Cúc (SN 1982, thôn 2, xã Thăng Hưng, huyện Chư Prông) lại tất bật cùng các thành viên nhóm thiện nguyện tình thương Thăng Hưng chuẩn bị các suất cơm chay để trao cho bệnh nhân tại Trung tâm Y tế huyện Chư Prông. Đôi chân tật nguyền, đi lại phải cần đôi nạng gỗ hỗ trợ, nhưng sự ân cần của chị Cúc khiến nhiều người xúc động.
Kể về hoàn cảnh của bản thân, chị Cúc chia sẻ: “Tôi không may bị dị tật 2 chân bẩm sinh. Gia đình làm nông, kinh tế không dư giả song bố mẹ đã cố gắng chạy chữa khắp nơi nhưng tôi vẫn không thể tự đi lại trên chính đôi chân của mình, sức khỏe cũng giảm sút rất nhiều”.
Để không trở thành gánh nặng cho gia đình, từ khi còn nhỏ, chị Cúc đã tự lập trong mọi sinh hoạt. Hoàn cảnh khó khăn, học hết lớp 6, chị Cúc xin nghỉ để phụ giúp bố mẹ việc nhà. Sau đó, chị bán bánh chiên nướng trước cổng Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (xã Thăng Hưng) để có thể tự nuôi sống bản thân và phụ giúp gia đình. Dù nguồn thu mỗi tháng chỉ khoảng 2-3 triệu đồng nhưng bù lại công việc này đã mang lại niềm vui trong cuộc sống cho chị.
Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh tặng giấy khen cho các tấm gương người khuyết tật tiêu biểu. Ảnh: Phan Lài |
Đi lại khó khăn nhưng chị Cúc luôn tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện ở địa phương. Trong 2 năm (2022-2023), chị Cúc cùng nhóm thiện nguyện tình thương Thăng Hưng kêu gọi quyên góp hơn 20.000 bộ quần áo đã qua sử dụng để trao tặng người dân có hoàn cảnh khó khăn ở các xã: Thăng Hưng, Bình Giáo, Bàu Cạn.
Hàng tháng, vào ngày mùng 1 và ngày 14 âm lịch, chị Cúc cùng nhóm thiện nguyện nấu và phát khoảng 210 suất cơm chay tặng những người dân khó khăn trên địa bàn xã Thăng Hưng. “Khi làm việc thiện, tôi thấy mình sống có ích. Tôi mong muốn góp một chút sức lực nhỏ bé của mình để giúp mọi người có thêm niềm tin và hy vọng vào cuộc sống”-chị Cúc tâm sự.
Ông Lê Nhật Trường-Trưởng nhóm thiện nguyện tình thương Thăng Hưng-cho hay: “Dù bị khuyết tật nhưng chị Cúc rất nhiệt tình, có tấm lòng vì cộng đồng. Tất cả hoạt động do nhóm triển khai, chị Cúc đều tham gia tích cực và có nhiều đề xuất để nhóm phát triển hơn”.
Vụ tai nạn lao động vào năm 2018 đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời của anh Nguyễn Thanh Phê (SN 1997, thôn Mỹ Phú, xã Ia Blang, huyện Chư Sê). “Tôi từng có thu nhập ổn định tại một công ty cao su, nhưng trong một lần làm việc do sơ suất nên đôi chân của tôi bị nghiền nát. Từng là trụ cột của gia đình nhưng không may bị khuyết tật, tôi vô cùng chán nản, sống khép kín trong gần 2 năm. Tuy nhiên, khi thấy vợ con vất vả, tôi đã vực dậy tinh thần, cố gắng luyện tập để thích nghi với việc không có đôi chân, bắt đầu lại cuộc sống”-anh Phê kể.
Năm 2021, anh Phê vay mượn gia đình, bạn bè hơn 50 triệu đồng để khởi nghiệp bằng nghề trồng nấm. Lúc đầu, anh Phê mua 100 phôi nấm về trồng thử nghiệm. Khi nắm vững kỹ thuật, anh mua hơn 2.000 phôi nấm sò trắng về trồng. Đến năm 2023, anh mở rộng quy mô với 20.000 phôi nấm, mỗi lứa phôi khoảng 3-4 tháng cho thu hoạch, nấm sò trắng bán với giá 28-30 ngàn đồng/kg. Trang trại trồng nấm của anh Phê mang lại lợi nhuận trên 60 triệu đồng/năm. Ngoài trồng nấm, anh còn tranh thủ thời gian đi bán vé số để kiếm thêm thu nhập.
“Cứ mãi buồn chán, thất vọng vì khiếm khuyết cơ thể chỉ khiến cuộc sống của mình thêm bế tắc. Tôi cảm thấy mình còn may mắn khi vợ con luôn ủng hộ, tiếp thêm sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn”-anh Phê bày tỏ.
Nỗ lực vươn lên
Anh Nguyễn Thanh Phê (hàng sau) chia sẻ mô hình trồng nấm với người cùng cảnh ngộ. Ảnh: Phan Lài |
Khi đứng trước nghịch cảnh, mỗi người sẽ có cách đối diện khác nhau. Có người luôn bi quan, buông xuôi, mặc cho số phận. Nhưng có người nỗ lực vượt qua để tiếp tục sống tốt và có thể giúp đỡ những người khác cùng vươn lên. Điển hình là anh Nay Djruêng (SN 1994, ở huyện Krông Pa). Mặc dù khuyết tật cả chân tay nhưng anh vẫn nỗ lực học tập để tốt nghiệp đại học, xin được việc làm tại một công ty ở TP. Hồ Chí Minh; khi cuộc sống ổn định đã thành lập nhóm tình nguyện Đi qua mùa rẫy để giúp đỡ học sinh khó khăn.
Hay như anh Rơ Châm Theh-Bí thư Chi Đoàn làng Kênh (xã Ia Phí, huyện Chư Păh) bị mù mắt trái nhưng luôn tích cực trong hoạt động Đoàn-Hội, vận động nguồn lực xây dựng sân bóng chuyền cho thanh niên; đồng thời tích cực tham gia hoạt động hiến máu cứu người.
Những tấm gương tiêu biểu này vừa được Tỉnh Đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh, Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh tuyên dương tại chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” được tổ chức vào giữa tháng 10-2023. Đây là chương trình tôn vinh nghị lực phi thường của người khuyết tật, biết vượt qua những khiếm khuyết của bản thân, nghịch cảnh trong cuộc sống để sống đẹp, sống có ích và lan tỏa những giá trị tích cực đến cộng đồng.
Anh Đỗ Đức Thanh-Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh-cho biết: “Thông qua những tấm gương người khuyết tật điển hình, vượt qua nghịch cảnh để vươn lên sống có ích, chúng tôi muốn lan tỏa những suy nghĩ tích cực, nhiều điều tốt đẹp, ý thức sống trách nhiệm của các bạn trẻ đối với bản thân, gia đình và cộng đồng”.