Kinh tế

Giá cả thị trường

WB: Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Theo khuyến nghị từ các nghiên cứu do Cục Năng lượng Đan Mạch và Ngân hàng Thế giới thực hiện, từ nay đến năm 2030, Việt Nam có thể đưa vào vận hành 10 GW điện gió ngoài khơi.

 Nhà máy điện gió ở Bạc Liêu. (Ảnh: TTXVN)
Nhà máy điện gió ở Bạc Liêu. (Ảnh: TTXVN)


Chiều 22/9, tại Hà Nội, Cục Năng lượng Đan Mạch và Ngân hàng Thế giới (WB) đã tổ chức hội thảo “Lộ trình Phát triển điện gió ngoài khơi Việt Nam và khuyến nghị chính sách cho Việt Nam.”

Hội thảo đã trình bày các nghiên cứu và đề xuất các khuyến nghị về lộ trình phát triển ngành điện gió ngoài khơi với Chính phủ Việt Nam. Các nghiên cứu và khuyến nghị này được đưa ra tại hội nghị khi Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia 8 phác họa lộ trình phát triển ngành điện Việt Nam 10 năm tới và định hướng đến năm 2045 đang ở giai đoạn hoàn thiện.

Theo báo cáo tại hội nghị, với tiềm năng to lớn, ước tính khoảng 160 GW trong vòng 5-100 km tính từ bờ, Việt Nam có điều kiện thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi.

Bờ biển dài, các nguồn gió dồi dào là những yếu tố then chốt để ngành công nghiệp xanh này phát triển và sản xuất ra nguồn điện xanh với giá hấp dẫn, đồng thời tạo thêm nhiều việc làm và thu hút đầu tư.

Các nghiên cứu do Cục Năng lượng Đan Mạch và Ngân hàng Thế giới thực hiện cũng khuyến nghị rằng từ nay đến năm 2030, Việt Nam có thể đưa vào vận hành 10 GW điện gió ngoài khơi.

Tại hội nghị này, những nghiên cứu trong nhiều khía cạnh khác nhau như đánh giá tiềm năng, đánh giá về khả năng truyền tải, năng lực chuỗi cung ứng nội địa, những cơ hội, thách thức trong việc phát triển điện gió ngoài khơi, những kinh nghiệm về chính sách, hệ thống quản lý ngành từ các nước có ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi phát triển..., cũng như khuyến nghị liên quan đến lộ trình phát triển lĩnh vực điện gió ngoài khơi sẽ được các chuyên gia trình bày, thảo luận để tiếp tục hoàn thiện báo cáo và đệ trình lên Chính phủ Việt Nam trong thời gian tới.

Kết quả của hội nghị sẽ là thông tin đầu vào quan trọng cho việc hình thành các mục tiêu chính sách trong Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia 8 của Việt Nam, cơ sở chính sách quan trọng nhất để phát triển ngành năng lượng của Việt Nam cho giai đoạn 10 năm tới với tầm nhìn đến năm 2045.

Theo ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương, Chính phủ Việt Nam luôn cam kết phát triển ngành năng lượng bền vững và thời điểm này có ý nghĩa quan trọng với Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia 8 đang được Bộ Công Thương xây dựng.

Do đó, Việt Nam đánh giá cao những ý kiến tư vấn và khuyến nghị của Đan Mạch và Ngân hàng Thế giới - những đối tác truyền thống của Việt Nam và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Tại hội thảo, Cục Năng lượng Đan Mạch và Ngân hàng Thế giới đã trình bày những khuyến nghị trong báo cáo “Các nghiên cứu đầu vào cho Lộ trình phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam,” liên quan đến việc lập bản đồ xác định tiềm năng và lựa chọn địa điểm, tính toán giá điện quy dẫn (LCOE) và phân tích lưới truyền tải điện, cùng với những thông tin bổ sung liên quan đến quy định pháp luật, cấp phép, các cơ chế khuyến khích và những thành phần của chuỗi cung ứng từ đó đề xuất khuyến nghị cho phát triển ngành.

 

Nhà điện gió đầu tiên của Đồng bằng sông Cửu Long tại xã ven biển Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu. (Ảnh: Cao Thăng/TTXVN)
Nhà điện gió đầu tiên của Đồng bằng sông Cửu Long tại xã ven biển Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu. (Ảnh: Cao Thăng/TTXVN)



Ông Kim Hojlund Christensen, Đạisứ Đan Mạch tại Việt Nam cho hay, khi Việt Nam đã xác định sẽ chuyển đổi ngành năng lượng theo hướng xanh, điện gió ngoài khơi chắc chắn là một trong những lựa chọn hiệu quả nhất và điều này đã được chứng minh ở nhiều nước trên thế giới, bao gồm cả Đan Mạch.

Ngành công nghiệp điện gió phát triển sẽ không chỉ là nguồn cung cấp năng lượng sạch và góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu mà còn tạo ra một số lượng lớn việc làm cho người dân địa phương đồng thời tạo ra nền kinh tế biển mới và thu hút nguồn đầu tư lớn.

“Tất nhiên chính phủ Việt Nam là người đưa ra các quyết định cuối cùng cho tiến trình này nhưng Đan Mạch, với tư cách là đối tác lâu dài và gần gũi với Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng, luôn muốn chia sẻ với Việt Nam những kiến thức, kinh nghiệm và bài học thành công thu được từ quá trình 30 năm phát triển điện gió ngoài khơi”, ông Kim Hojlund Christensen nói.

Giám đốc Hợp tác toàn cầu, Cục Năng lượng Đan Mạch, Anton Beck cho biết thêm, tuabin điện gió ngoài khơi là loại hình công nghệ năng lượng tái tạo mạnh nhất khi chỉ cần một tuabin 8 MW có thể đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện hàng năm cho 43.000 hộ gia đình của Việt Nam.

Ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi ở Việt Nam đã khởi động được một thời gian và các đối tác Việt Nam luôn khao khát thúc đẩy ngành công nghiệp này không những phát triển nhanh mà còn phải đi đúng hướng.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, đơn vị này đã thực hiện nhiều nghiên cứu chứng minh lợi ích kinh tế của điện gió ngoài khơi. Ông Rahul Kitchlu, Trưởng nhóm Hạ tầng và Điều phối viên Năng lượng, Ngân hàng Thế giới cho hay, nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy những lợi ích kinh tế quan trọng của việc triển khai điện gió ngoài khơi ở quy mô công suất lên đến 10 GW vào năm 2030. Vì vậy, điều quan trọng cần làm là tính toán và cân nhắc đưa các yêu tố này vào trong quá trình xây dựng Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia 8.

Hội thảo cũng đề cập đến một loạt các vấn đề được quan tâm trong phát triển điện gió ngoài khơi, từ góc nhìn của các nhà phát triển dự án đến chuỗi cung ứng và mối quan tâm của các nhà đầu tư. Các trao đổi thảo luận trong hội thảo đã cung cấp một bức tranh toàn cảnh về tương lai của điện gió ngoài khơi Việt Nam.

Theo Đức Dũng (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm