Kinh tế

Nông nghiệp

WEF-ASEAN tại Việt Nam: Mở rộng hợp tác PPP nông nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với WEF củng cố và mở rộng thêm các nhóm công tác PPP ngành hàng ra các mặt hàng khác; thu hút thêm sự tham gia của các tổ chức, đặc biệt là các doanh nghiệp trong nước.

Nhân dịp Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 (WEF - ASEAN 2018) tổ chức tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh đã có bài viết về triển vọng hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và WEF. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
 

 Nhóm công tác PPP về rau quả được tập trung triển khai ở Lâm Đồng. - Ảnh minh họa
Nhóm công tác PPP về rau quả được tập trung triển khai ở Lâm Đồng. - Ảnh minh họa



Từ nhiều năm nay, Việt Nam là đối tác quan trọng, hợp tác chặt chẽ với Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) trên nhiều lĩnh vực, trong đó phải kể đến Sáng kiến “Tầm nhìn mới trong nông nghiệp”.

Bắt đầu tham gia sáng kiến này từ năm 2010, Việt Nam đã thúc đẩy quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa nhà nước và khối tư nhân thông qua các Nhóm công tác đối tác công tư (PPP) ngành hàng trong đối tác phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam (PSAV), hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững ngành nông nghiệp Việt Nam.

Mục tiêu chính của PSAV là nâng cao các tiêu chuẩn phát triển nông nghiệp bền vững; hỗ trợ chính sách và xây dựng các quy trình canh tác và thực hành nông nghiệp tốt (GAP) tại Việt Nam; thúc đẩy quan hệ đối tác giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT và các đối tác liên quan, bao gồm các cơ quan Nhà nước, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp.

Những kết quả nổi bật

Đến nay, PSAV đang triển khai thành công 7 nhóm công tác PPP ngành hàng: Cà phê, chè, rau quả, thủy sản, hồ tiêu và gia vị, lúa gạo, hóa chất nông nghiệp.

Các nhóm công tác PPP ngành hàng đã gắn bó, phối hợp với các đối tác trong chuỗi giá trị để xử lý các vấn đề mà nông nghiệp Việt Nam cần giải quyết như: Xây dựng các chuỗi giá trị liên kết bền vững (như chuỗi sản xuất và chế biến khoai tây của PepsiCo, chuỗi gạo của Bayer và Vinafood 2, chuỗi cà phê của Néstle, chuỗi chè của Unilever, v.v…); kết nối nông dân với các tổ chức chứng nhận quốc tế (như 4C, UTZ, Rainforest Alliance) nâng cao sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập, qua đó tăng xuất khẩu ra thị trường thế giới, đặc biệt là các thị trường có yêu cầu cao; xây dựng các bộ tài liệu hướng dẫn sản xuất bền vững quốc gia (cho cà phê, chè, hồ tiêu) đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường thế giới…

Cùng với các hoạt động trên, các nhóm công tác PPP ngành hàng còn triển khai nhiều mô hình thực địa thí điểm và nhân rộng giống mới và các biện pháp kỹ thuật bền vững, thân thiện với môi trường (như mô hình sản xuất cà phê của Nestlé, sản xuất chè của Unilever), lập phương án tăng năng suất và thu nhập cho người nông dân. Đến nay, gần 220.000 nông dân đã được hỗ trợ tham gia các mô hình trình diễn kỹ thuật, được tập huấn và áp dụng các phương pháp canh tác tiên tiến, đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững. Các mô hình này đảm bảo các tiêu chí kinh tế-xã hội, môi trường nằm trong 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Các nhóm công tác PPP ngành hàng của Việt Nam được WEF thừa nhận đã và đang mang lại nhiều kết quả tốt và được đánh giá là một trong những mô hình thành công nhất trong Sáng kiến Tầm nhìn mới trong nông nghiệp của WEF tại châu Á.

Cụ thể, với nhóm công tác PPP về chè, các doanh nghiệp tham gia đã đầu tư 440.000 euro để đào tạo và liên kết mô hình sản xuất với hơn 23.000 nông dân ở 6 tỉnh; đào tạo doanh nghiệp về chứng chỉ Rainforest Alliance (RA), trong đó có 18 doanh nghiệp đã đạt chứng chỉ RA; cung cấp hơn 32.000 tấn chè sản xuất bền vững cho thị trường xuất khẩu; tăng sản lượng chè tươi thu hoạch lên 20% so với trước khi tham gia tập huấn; tăng thu nhập lên 113% cho nông dân trồng chè…

Nhóm công tác PPP về cà phê đã triển khai được tổng cộng 256 mô hình vườn mẫu và 3 hợp tác xã PPP tại 4 tỉnh (Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và Gia Lai); đem lại tác động tích cực đến 130 nghìn ha (20% tổng diện tích gieo trồng cà phê cả nước); năng suất cà phê vườn mẫu tăng thêm 17% (trong giai đoạn 2015 - 2016); thu nhập trung bình của người nông dân trồng cà phê tăng lên khoảng 14%; mô hình giúp giảm 55% lượng phát thải nhà kính nhờ sử dụng phân bón hợp lý.

Nhóm công tác PPP về hồ tiêu và gia vị đã triển khai tập huấn cho hơn 120.000 nông dân về sản xuất hồ tiêu bền vững và hoàn thiện Bộ tài liệu Hướng dẫn sản xuất hồ tiêu bền vững…

Nhóm công tác PPP về thủy sản đã hỗ trợ xây dựng 25 liên kết tiêu thụ đầu ra sản phẩm, 74 liên kết đầu vào và chuyển giao công nghệ. Ngoài ra, trong năm 2018 cũng có thêm 2 chương trình mới bắt đầu đi vào hoạt động, hỗ trợ giải quyết các vấn đề IUU (đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo, không được quản lý), truy xuất nguồn gốc, quan trắc môi trường và giám sát dịch bệnh trong nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản.

Nhóm công tác PPP về rau quả được tập trung triển khai ở Lâm Đồng, từ năm 2010 đã hỗ trợ nông dân về kỹ thuật canh tác; sử dụng 2 loại giống khoai tây kháng bệnh.

Đến nay, 2 giống khoai tây FL2215 và FL2007 của Công ty PepsiCo đã được Bộ NN&PTNT công nhận là giống khoai tây mới và được phổ biến trong sản xuất.

Nhóm công tác PPP về lúa gạo, đã có một số dự án thí điểm được triển khai tại địa phương như dự án của Công ty Bayer phối hợp cùng Vinafood2 và dự án canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính do SNV hỗ trợ.

Nhóm công tác PPP về hóa chất nông nghiệp giải quyết các vấn đề quản lý sử dụng hóa chất trong các ngành hàng, trong đó có việc xây dựng và hoàn thiện các bộ tài liệu quốc gia về sản xuất bền vững chè, hồ tiêu, cà phê, lồng ghép nội dung về hóa chất nông nghiệp; biên soạn bộ tài liệu “Hướng dẫn thành lập tổ đội bảo vệ thực vật tập trung” để nhân rộng mô hình này lên toàn ngành chè; xây dựng ứng dụng “Phần mềm tra cứu thuốc BVTV”. Phần mềm này được kì vọng sẽ cung cấp thông tin giúp cho người nông dân, các đại lý kinh doanh thuốc BVTV và các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc quản lý và sử dụng thuốc BVTV hiệu quả và hợp lý.

Triển vọng hợp tác

Bộ NN&PTNT đang tích cực triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Bộ tập trung phát triển các chuỗi giá trị phân theo 3 trục sản phẩm: Chủ lực cấp quốc gia với 10 sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD; chủ lực cấp tỉnh; đặc sản lợi thế vùng/miền.

Việc phát triển các chuỗi giá trị này hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh; phát triển bao trùm; và đảm bảo xanh, sạch. Vì vậy, rất cần thiết tăng cường phát triển các mô hình sản xuất và đầu tư theo hình thức PPP.  Bộ NN&PTNT mong muốn WEF, thông qua Sáng kiến Tăng trưởng châu Á, tiếp tục đồng hành với ngành nông nghiệp Việt Nam thúc đẩy việc đạt được các mục tiêu của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhất là việc xây dựng các chuỗi giá trị cho các ngành hàng nông sản Việt.

Để đạt được các mục tiêu trên, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với WEF củng cố và mở rộng thêm các nhóm công tác PPP ngành hàng ra các mặt hàng khác; thu hút thêm sự tham gia của các tổ chức, đặc biệt là các doanh nghiệp trong nước.

Mục tiêu của Việt Nam là nhân rộng mô hình hợp tác PPP ra 10 mặt hàng chủ lực quốc gia, tiến tới nhân rộng ra các nhóm mặt hàng cấp tỉnh và nhóm các mặt hàng địa phương…

 

Theo chinhphu.vn (nguồn: BNG)

Có thể bạn quan tâm