Sức khỏe

WHO cảnh báo đại dịch tiếp theo chắc chắn sẽ xảy ra

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết đại dịch tiếp theo sẽ xảy ra và vấn đề là khi nào chứ không phải có xảy ra hay không.
Ông Tedros phát biểu tại cuộc họp họp Đại hội đồng Y tế thế giới ở Geneva (Thụy Sĩ)
Ông Tedros phát biểu tại cuộc họp họp Đại hội đồng Y tế thế giới ở Geneva (Thụy Sĩ)

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus vừa cảnh báo rằng đại dịch tiếp theo chắc chắn sẽ xảy ra, trong bối cảnh các nước thành viên vẫn chưa đạt được một thỏa thuận toàn cầu về vấn đề này.

Vào ngày cuối cùng của kỳ họp Đại hội đồng Y tế thế giới (WHA) hôm 1.6, cuộc họp thường niên quyết định các chính sách của 194 nước thành viên, WHA đồng ý gia hạn việc đạt thỏa thuận đến cuộc họp năm sau.

Trước đó, quá trình đàm phán 2 năm kết thúc hôm 24.5 mà không đạt được thỏa thuận cuối cùng nào, chủ yếu do sự bất đồng giữa các nước và những nước cảm thấy bị lạc lõng trong đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, theo Reuters, ông Tedros cho rằng việc gia hạn đàm phán là một "quyết định lịch sử", thể hiện mong muốn chung của các nước về việc bảo vệ người dân, bảo vệ thế giới khỏi nguy cơ các đại dịch tương lai, cũng như những tình trạng y tế khẩn cấp.

"Quyết định gút lại thỏa thuận về đại dịch trong năm tới cho thấy các quốc gia mong muốn điều đó mạnh mẽ và khẩn cấp như thế nào, bởi vì đại dịch tiếp theo là vấn đề khi nào chứ không phải là có hay không", ông phát biểu.

Theo Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ Xavier Becerra, quyết định trên là một bước giúp các nước có trách nhiệm và tăng cường các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh đe dọa người dân cũng như an ninh quốc gia.

Nỗ lực đạt thỏa thuận toàn cầu nhằm tăng cường khả năng phòng vệ của thế giới trước những mầm bệnh mới, sau khi Covid-19 khiến hơn 700 triệu người mắc bệnh và hơn 7 triệu người thiệt mạng.

Bất đồng giữa các nước trong đàm phán thời gian qua chủ yếu xoay quanh khả năng tiếp cận, bao gồm việc tiếp cận đối với mầm bệnh được phát hiện và đối với các sản phẩm phòng chống dịch như vắc xin sản xuất dựa trên hiểu biết đó.

Ngoài ra, các bên chưa thống nhất về việc phân phối công bằng không chỉ với các biện pháp xét nghiệm, điều trị và tiêm phòng mà còn với các phương tiện sản xuất ra chúng.

Có thể bạn quan tâm