Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Xã hội hóa làm đường hẻm ở Pleiku: Còn nhiều "lấn cấn"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Thực hiện chủ trương huy động nguồn lực xã hội xây dựng cơ sở hạ tầng, Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 11-8-2011 về “Đầu tư, chỉnh trang hệ thống công trình hạ tầng đô thị đến năm 2020”. 
Thông tin từ Phòng Quản lý đô thị TP. Pleiku cho biết: Địa phương đã hoàn thành việc lập Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP. Pleiku đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trên cơ sở đó, thành phố đã đầu tư nâng cấp và mở rộng 108 tuyến đường giao thông với tổng chiều dài hơn 55 km; xây dựng hơn 253 tuyến đường hẻm và đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài 64 km.
Hiện 100% tuyến đường trên địa bàn thành phố có tên và hơn 60% đường hẻm đã được nhựa hóa, bê tông hóa. Kết quả này cho thấy Nghị quyết đã đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả; phản ánh nỗ lực và quyết tâm rất lớn của cán bộ và người dân thành phố. Tuy nhiên trên thực tế, chủ trương này cũng gặp phải một số vướng mắc cần được nghiên cứu tháo gỡ như: chưa làm rõ quyền lợi người dân nơi đường có tên và đường hẻm; tỷ lệ giữa ngân sách và đóng góp của dân; việc huy động nguồn lực; lựa chọn nhà thầu thi công…
Từ việc triển khai thực hiện một số đường hẻm tại phường Hội Phú, người viết nhận thấy có mấy vấn đề nổi lên. Trước hết là tỷ lệ hỗ trợ của Nhà nước (ngân sách UBND TP. Pleiku cấp cho phường) khi triển khai làm đường. Theo chủ trương chung, với quy mô xây dựng lòng đường 3 m, mỗi mét chiều dài đường hẻm bê tông xi măng dày 12 cm được thành phố hỗ trợ 200 ngàn đồng, phần còn lại do người dân đóng góp.
Về điều này, nhiều người dân cho rằng, phần hỗ trợ của Nhà nước là quá ít. Lấy ví dụ, đoạn đường hẻm số 9 Mạc Đăng Dung vừa thi công với chiều rộng 4,5 m, dày 15 cm, dài chưa tới 150 m, phần hỗ trợ của Nhà nước chỉ chiếm 20% trong tổng kinh phí gần 150 triệu đồng. Mức đóng góp của bà con hẻm này cao hơn 50 ngàn đồng/m chiều dài so với hẻm 89 Lương Định Của.
Trên thực tế, để đảm bảo nhu cầu sử dụng, lòng đường, cống rãnh đều được bà con thống nhất mở rộng, đầu tư xây dựng đồng bộ, phần đóng góp của họ vì vậy cũng đội lên rất nhiều. Đấy là chưa kể phải lắp thêm hệ thống nước sạch 2 bên đường. Và đây là lý do vì sao năm ngoái, hẻm 18 Mạc Đăng Dung với quy cách xây dựng lòng đường 4 m, 1 m chia đôi cho 2 cống thoát nước 2 bên là 1 triệu đồng cho mỗi mét chiều dài; còn hẻm 502 Nguyễn Viết Xuân với bề ngang gần 8 m (cả cống thoát nước 2 bên), phần đóng góp của mỗi hộ dân là 1,35 triệu đồng.
Từ đây, một số ý kiến cho rằng, cư trú trong đường hẻm điều kiện kinh tế hạn hẹp, phần lớn lao động có thu nhập thấp, việc làm không ổn định, chịu nhiều thiệt thòi so với cư dân ngoài đường lớn, nhưng đóng góp thì nhiều, trách nhiệm cũng nhiều. Cho nên chủ trương xã hội hóa này cần được xem lại. 
Thi công cống thoát nước ở hẻm 09 Mạc Đăng Dung (TP. Pleiku). Ảnh: Thất Sơn
Thi công cống thoát nước ở hẻm 09 Mạc Đăng Dung (TP. Pleiku). Ảnh: Thất Sơn
Đi vào thực tế mới thấy, việc triển khai làm đường hẻm gian nan hơn nhiều, nhất là việc huy động kinh phí. Không thể phủ nhận sự quan tâm của các cấp chính quyền nhưng như thế vẫn chưa đủ. Bởi người ủng hộ, tự giác thì chẳng nói làm gì, nhưng người không đồng thuận, không đóng góp, chây ì, viện ra vô số lý do và lý do trên hết là… kẹt tiền thì chỉ có chào thua. Ngoài ra, còn vì lý do bị tác động mạnh do suy giảm kinh tế, dịch Covid -19…
Chính vì quá trình vận động đóng góp kinh phí làm đường hẻm nhiều nhiêu khê, phức tạp mà đã xảy ra không ít trường hợp xích mích làm mất lòng nhau, giữa những người đi vận động với người dân, giữa bà con trong xóm phố. Đây là điều rất đáng tiếc, kể cả khi đường hẻm đã hoàn thành, xây dựng khang trang, rộng rãi, đi lại thuận tiện.
Nguồn lực trong dân rất lớn, đó là điều không phải bàn cãi. Có thể phương pháp vận động chưa thật tối ưu. Có thể sự thông cảm, san sẻ của bà con lối phố dành cho nhau chưa nhiều. Nhưng thực trạng đời sống người dân ở mỗi nơi mỗi khác…
“Việc xã hội hóa làm đường hẻm phải căn cứ vào tình hình, điều kiện thực tế mỗi nơi để có chính sách hỗ trợ thiết thực, phù hợp. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng của thành phố cũng phải đồng bộ; đơn cử như không chỉ có lòng đường hẻm mà còn cống rãnh thoát nước, hệ thống nước sạch, điện chiếu sáng…”-ông Lâm Văn Dương-Tổ trưởng tổ dân phố 4 (phường Hội Phú) nói.
THẤT SƠN

Có thể bạn quan tâm