Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Xa quê vẫn gìn giữ nghệ thuật truyền thống

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Tuy vào lập nghiệp ở làng Kdâu (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) đã gần 30 năm nhưng cộng đồng người Tày, Nùng nơi đây luôn gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Nỗ lực gìn giữ, truyền dạy
Bà Cam Thị Ngọc-Trưởng thôn Kdâu-cho hay: Làng có 62 hộ dân với 212 khẩu, trong đó 99% là người Tày, Nùng. “Năm 1990, nhiều hộ dân tộc Tày, Nùng ở tỉnh Lạng Sơn vào Kbang lập nghiệp. Nhờ cần cù, chịu khó, đoàn kết, bảo ban nhau làm ăn mà đời sống của người dân ngày càng ấm no. Bên cạnh việc chăm lo phát triển kinh tế, bà con còn quan tâm bảo tồn, phát huy nghệ thuật hát then, đàn tính”-bà Ngọc kể.
Theo bà Ngọc, người Tày, Nùng thường hát then vào những dịp trọng đại như: các nghi lễ cầu mùa, cấp sắc, cầu yên, Tết… Đàn tính là nhạc cụ mang hồn cốt dân tộc để người Tày, Nùng bày tỏ nỗi niềm, sẻ chia, thay lời muốn nói. Bà Ngọc cho biết thêm: “Nhờ tiếng đàn tính, điệu hát then mà chi hội Phụ nữ làng Kdâu đã giành giải nhất trong hội thi “Chi hội trưởng phụ nữ giỏi” cấp tỉnh năm 2014. Năm 2017, hội viên, phụ nữ làng Kdâu cũng đạt giải ba tại cuộc thi “Tiếng hát các dân tộc thiểu số huyện Kbang”.
 Phụ nữ làng Kdâu (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) luyện tập hát then, đánh đàn tính. Ảnh: N.M
Phụ nữ làng Kdâu (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, Gia Lai) luyện tập hát then, đánh đàn tính. Ảnh: N.M
Để tiếp tục giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của ông cha, người làng Kdâu thường xuyên luyện tập, học hỏi nên nhiều thanh niên trong làng đã biết đánh đàn tính và hát then. Một trong số đó là chị Hà Thị Đạm. “Hầu hết các bà, các mẹ trong làng đều biết hát then nên từ bé những giai điệu mượt mà, sâu lắng đã thấm vào mình lúc nào không hay. Qua sự chỉ dạy của các nghệ nhân và niềm đam mê tiếng đàn tính, chỉ trong thời gian ngắn, tôi đã biết đánh đàn. Giờ tôi có thể tự tin truyền dạy cho các em thiếu niên trong làng”-chị Đạm vui vẻ nói.
Gặp người chế tác đàn tính
Sinh ra và lớn lên ở xã Tràng Sơn (huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn), năm 1990, ông Hà Văn Thân đưa vợ con vào làng Kdâu định cư, đồng thời cũng mang theo nghề chế tác đàn tính truyền thống. Ông Thân chia sẻ: “Nơi tôi sinh ra và lớn lên có rất nhiều nghệ nhân vừa chế tác đàn đẹp lại đánh đàn tính rất hay. Từ bé, tôi và những đứa trẻ trong làng thường lân la xem họ chế tác đàn. Được chỉ bảo tận tình, năm 15 tuổi, tôi đã nằm lòng các công đoạn từ chuẩn bị nguyên liệu đến chế tác”.  
Ông Thân cho biết, để làm ra một cây đàn có mẫu mã đẹp, âm thanh chuẩn, đầu tiên phải lựa chọn những quả bầu (loại bầu hồ lô) to đẹp, tròn đều mang về phơi khô, để trên gác bếp một thời gian cho khô hẳn. Sau đó, cắt ngang quả bầu khô lấy phần đáy làm bầu đàn. Trên mặt đàn lấy một miếng gỗ mỏng hoặc ván ép dán kín lại. Có 1 chi tiết nhỏ nhưng khá quan trọng, đó là trước khi dán bầu đàn phải đục những chùm lỗ nhỏ như hoa thị xung quanh nhằm thoát âm thanh khi đánh đàn. Đến phần cần đàn nên chọn những loại gỗ nhẹ để khi cầm sẽ tạo cảm giác nhẹ nhàng, thoải mái. Dây đàn là các loại dây cước hoặc sợi tơ se lại. “Sau khi làm xong, phải điều chỉnh một lần nữa để cho ra âm thanh hay nhất. Ngoài tôi ra, trong làng còn có 2 người nữa biết chế tác đàn tính”-ông Thân bộc bạch.
Trao đổi với P.V, bà Trần Thị Bích Ngọc-cán bộ văn hóa xã Kông Lơng Khơng-cho biết: “Thời gian qua, người dân tộc Nùng, Tày tại làng Kdâu đã tích cực bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng của dân tộc mình. Họ cũng thường xuyên tham gia các hoạt động văn hóa-văn nghệ của xã, huyện; tổ chức hát then, đánh đàn tính vào các dịp lễ, Tết... Những hoạt động này đã góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa của các dân tộc anh em đang sinh sống trên địa bàn xã nói riêng và của huyện Kbang nói chung”.
 NGỌC MINH

Có thể bạn quan tâm