Kinh tế

Nông nghiệp

Xa rồi ... "hốc" Pờ Tó

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Tôi nhớ trong vở cải lương “Chuyện tình Lan và Điệp” của soạn giả Loan Thảo có chi tiết nếu ai tiết lộ con gái ông Phủ Trần là cô Thúy Liễu có bầu trước khi lấy bác sĩ Điệp thì sẽ bị đày đi biệt xứ tận hốc Bà Tó (hay Pờ Tó). Hẳn là vô tình nhưng ngày xưa, xã Pờ Tó (huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) cũng “đáng sợ” như địa danh trong nghệ thuật, đối lập với bây giờ là vùng kinh tế nhiều tiềm năng.

Đột phá từ huyết mạch giao thông

Là người có 6 nhiệm kỳ làm Bí thư Đảng bộ xã, ông Lê Trọng Phương quả quyết Pờ Tó chuyển mình rồi đi lên chính là nhờ quyết sách có tính đột phá hướng đến hạ tầng giao thông. Từ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, quan trọng nhất là hạ tầng giao thông rồi mới đến xóa đói giảm nghèo để có được sự phát triển như ngày hôm nay.

Nằm ở phía Bắc huyện Ia Pa, xã Pờ Tó có diện tích tự nhiên hơn 13,3 ngàn ha. Xã có 12 thôn, làng với hơn 7.900 khẩu, 2/3 trong số đó là người dân tộc thiểu số. Sau năm 1975, đặc biệt là sau đổi mới đất nước, Pờ Tó đón nhận thêm nhiều cư dân tới sinh sống lập nghiệp, trong đó có bà con kinh tế mới tỉnh Hà Nam. Cư dân lâu đời là Bahnar, Jrai vốn giàu bản sắc truyền thống, trong chiến tranh luôn son sắt niềm tin theo Đảng, Bác Hồ. Bà con các làng Bơ Ya, Yông Tơ Neng, Kliêk... khi xưa vô tư ủng hộ cách mạng từng gùi thóc, chiếc khố. Hai trung đội du kích cùng các lực lượng hoạt động Nam khu 7 (Gia Lai), Bắc huyện H2, H3 (Đak Lak) chống càn, phá ấp chiến lược, đánh đồn bốt của quân thù cho đến ngày đất nước toàn thắng. Với những thành tích xuất sắc, năm 2002, nhân dân và cán bộ xã Pờ Tó vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Hòa bình lập lại, xã vùng sâu này đối diện với vô vàn khó khăn, bất lợi. Cách trung tâm huyện Ia Pa hơn 14 km về phía Bắc theo đường Trường Sơn Đông và nằm ở vị trí tiếp giáp với 4 huyện (Kông Chro, Mang Yang, Phú Thiện, Chư Sê) nhưng trước khi có đường Trường Sơn Đông, giao thông Pờ Tó cực kỳ khó khăn. Ở phía Bắc, đoạn đường từ thị trấn Kông Chro vào Pờ Tó quá hiểm trở, không mấy người qua lại. Chỉ một con đường vào xã dài 30 km ở phía Nam nối từ quốc lộ 25 tại thị xã Ayun Pa nhưng hư hỏng nặng. Biệt lập, nghèo đói và lạc hậu, có lẽ vì thế địa danh Pờ Tó trở thành “hốc Pờ Tó”, là nỗi ái ngại mỗi khi nhắc tới.  

 Chiều về trên làng Bi Giông (xã Pờ Tó). Ảnh: Trần Đức
Chiều về trên làng Bi Giông (xã Pờ Tó). Ảnh: Trần Đức


Nỗi ái ngại đó chỉ được giải tỏa khi tuyến đường Trường Sơn Đông đoạn qua Ia Pa được đầu tư xây dựng. Cùng với đó, 87 tuyến đường từ các chương trình, dự án khác (1 đường trục xã, 36 tuyến đường thôn, 33 tuyến đường ngõ xóm và 17 tuyến đường nội đồng) tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao thương. Giao thông bớt khó khăn tạo điều kiện để xã đẩy mạnh phát triển sản xuất, thực hiện xóa đói giảm nghèo, chăm lo an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa, mới đây là quy hoạch bố trí dân cư, rút ngắn khoảng cách làng Bi Giông, Bi Gia.

“Bi Giông là làng căn cứ cách mạng cách trung tâm xã 7 km được chọn làm mô hình thí điểm bố trí sắp xếp dân cư theo hướng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số. Dưới sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Huyện ủy Ia Pa đã huy động hệ thống chính trị huyện, xã vào cuộc thực hiện đồ án xây dựng mô hình”-Chủ tịch UBND xã Trần Đức Việt cho biết.

Làng được quy hoạch lại trên diện tích 3,8 ha với kinh phí hơn 10 tỷ đồng. Trong 131 căn nhà thì có 71 căn phải di dời, sửa chữa và sắp xếp lại, bên cạnh xây dựng một số tuyến đường, hệ thống nước sinh hoạt... Triển khai năm 2016 thì đến 2018 việc sắp xếp khu dân cư của làng hoàn thành và đến năm 2019 thì hoàn thành tiếp làng Bi Gia.

Phó Trưởng thôn Bi Giông Đinh U Chuyên phấn khởi nói: “Trước đây, dân làng ở phân tán, nhà cửa chắp vá tạm bợ, thiếu điện, nước, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Nay được chính quyền, bộ đội giúp sắp xếp lại; nhà cửa, đường đi, nước sạch, nhà rông, điện thắp sáng... cái gì cũng có. Bà con bảo nhau ra sức lao động, thực hiện nếp sống mới, xây dựng cuộc sống ấm no, làng buôn đoàn kết, an toàn, phát triển”.

Vùng kinh tế tiềm năng

Giao thông phát triển thúc đẩy thương mại, dịch vụ tăng trưởng nhanh, chợ trung tâm, nhiều cửa hàng buôn bán, hoạt động giải trí vui chơi, vận tải mở rộng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và đi lại của nhân dân Pờ Tó. Giờ đây, khu vực trung tâm xã hay men theo đường Trường Sơn Đông nhà cửa san sát, khang trang, hàng hóa, dịch vụ không thiếu một thứ gì. Nhờ tiềm năng đất đai được khai thác, ruộng vườn dọc các con suối Pờ Tó, Pi Hiao, PYâu tưới mát, tốt tươi, mỡ màu những lúa, mía, bắp, mì, đậu đỗ.

Cùng với đó, các chương trình, dự án của Chính phủ như: 134, 135, 167, dự án thí điểm giảm nghèo, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng của trung ương, tỉnh, huyện được Đảng ủy, chính quyền và nhân dân trong xã triển khai đồng bộ. Xã hiện có 3.600 ha mía cung cấp nguyên liệu cho Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai. Nhiều hộ dân liên kết tạo thành mô hình cánh đồng mía lớn rộng hàng trăm héc ta.

Gần đây, diện tích cây trồng kém hiệu quả được chuyển sang trồng điều cao sản, cây ăn quả, cây dược liệu cho giá trị cao. Rồi sự có mặt của Công ty cổ phần Nông sản thực phẩm Việt Nam mở ra cơ hội cho người trồng mì. Công ty cổ phần chăn nuôi xanh đầu tư kinh doanh mua bán heo giống theo phương pháp công nghiệp hiện đại, khép kín quy mô 2.400 con, năng lực xuất chuồng 60 ngàn con heo giống/năm cũng xuất hiện. Năm 2017, Công ty cổ phần Nông nghiệp Navifarm liên kết với người dân địa phương thực hiện dự án chăn nuôi công nghệ cao, quy mô 20 ngàn con heo thịt/năm.

Hợp tác xã Tân Tiến cũng hình thành hoạt động liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất, mở hướng đi mới cho ngành nông nghiệp Pờ Tó; phối hợp thực hiện mô hình trồng cây đinh lăng, dứa Cayen áp dụng công nghệ cao, bao tiêu đầu ra sản phẩm cho nông dân. Xã Pờ Tó còn có 5 trang trại bò quy mô 200 con trở lên và 13 trang trại heo, trong đó 3 trang trại quy mô hơn 1 ngàn con/năm...

Đến Pờ Tó bây giờ, không ai là không biết tên tuổi của những triệu phú, tỷ phú nổi tiếng một vùng. Đó là ông RÔ Khen (thôn 1) với 20 ha mía (sau chuyển đổi sang trồng mì), hơn 1 ha điều, tạo việc làm ổn định cho 7-10 lao động địa phương, giúp nhiều bà con vốn làm ăn, con giống, vật tư. Đó là chàng trai trẻ Bùi Đức Trung (thôn 4) với trang trại 9 ha xoài chuyên canh định hướng xuất khẩu, thu nhập gần cả tỷ đồng/năm. Đó là anh Trần Trung Tú (thôn 5) với mô hình sản xuất tổng hợp 1,5 ha dừa xiêm, 1 ha cây mủ trôm, 1 ha xoài, nuôi gà, đà điểu, dê... thu nhập 500 triệu đồng/năm. Đó còn là các ông: Trần Trọng Phương, Trần Trọng Nam nổi tiếng vì vừa giỏi làm cán bộ vừa giỏi làm kinh tế, thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

Giai đoạn 2020-2025, Pờ Tó phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế 13,9%; thu nhập bình quân đầu người đạt 40 triệu đồng/năm; đến năm 2025 xây dựng thành công 5 làng nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm từ 5,5% trở lên. Đây là mục tiêu đòi hỏi sự nỗ lực và quyết tâm cao trong khi xã mới chỉ đạt 12/19 tiêu chí nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người 37 triệu đồng/năm và tỷ lệ hộ nghèo còn cao.

“Vì vậy, Pờ Tó xác định huy động tất cả nguồn lực, khai thác tốt tiềm năng để đẩy mạnh phát triển kinh tế, tạo điều kiện để Pờ Tó xây dựng thành công xã nông thôn mới, làng nông thôn mới trong dân tộc thiểu số, giảm nghèo bền vững theo Chỉ thị số 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy”-Chủ tịch UBND xã Trần Đức Việt nêu quyết tâm.

THẤT SƠN

Có thể bạn quan tâm