TN - Đất & Người

Xà xẻo đất rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hơn 1,7 nghìn ha đất lâm nghiệp thu hồi từ Công ty Lâm nghiệp Cư M’lan được UBND huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk) giao cho một số hộ dân ở xã Ea Bung. Nhưng rồi toàn bộ diện tích rừng này bị phá trắng, đất rừng bị xà xẻo mua bán trái phép.
 
Người dân tại xã Ea Bung dựng nhà, trồng cây trên đất lâm nghiệp
Cuối tháng 10/2018, PV Tiền Phong có dịp trở lại xã biên giới Ea Bung, nơi từng xảy ra những vụ án mạng đẫm máu để giành đất. Một người địa phương dẫn đường cho biết trước đây nơi này rừng còn nhiều, nước tưới lấy từ các dòng suối ít khi khô cạn. Nay rừng mất sạch nên nguồn nước phụ thuộc rất lớn vào việc bơm tưới từ Hồ Ea Súp thượng, thường bị trơ đáy vào cao điểm mùa khô.
Tại vùng đất rừng khoảnh 5, tiểu khu 246 hiện có khá nhiều hộ dân đã dựng nhà, đất đã cày xới trồng nhiều loại cây như cam, quýt, quất, xoài, lúa…. Tiếp xúc với chúng tôi, vợ chồng anh A. đến từ tỉnh Vĩnh Long kể: Gia đình khăn gói lên Tây Nguyên hơn 2 năm nay, mua được 4 ha đất để trồng cây ăn quả với giá 30 triệu đồng/ha.
“Đất ở đây chẳng có lô nào được cấp sổ đỏ, chúng tôi toàn mua bán trao tay. Nhiều trường hợp chỉ ra thực địa nhận đất, trao tiền là xong. Năm tới, bắt đầu có thu hoạch từ việc bán hoa quả, vợ chồng tôi sẽ đầu tư mở rộng diện tích”, anh A. cho biết.
Nhiều người dân đang sinh sống tại đây nói rằng họ không biết nơi họ đang canh tác, trên hồ sơ của các cơ quan chức năng vẫn đang là những cánh rừng nghèo. 
Ông Nguyễn Ngọc Luật - Phó chủ tịch UBND xã Ea Bung, cho biết: Năm 2007, UBND huyện Ea Súp quyết định, giao cho “Nhóm Nông Trường Sơn” (gồm một số hộ dân) 103 ha, trong đó gần 78 ha diện tích rừng nghèo, phần còn lại là đất không có rừng. Tuy nhiên, kiểm tra thực địa năm 2018 cho thấy, rừng không còn, đất đai bị chuyển mục đích sử dụng trái phép đủ các kiểu như: diện tích trồng lúa hơn 23ha, đất trồng cây lâu năm hơn 32ha, trồng mía gần 18h, đất mới bị cày xới hơn 26ha... 
Trong đợt huyện Ea Súp giao rừng nói trên, nhóm Nguyễn Văn Dương (nguyên cán bộ địa chính xã Ea Bung) được giao hơn 373 ha rừng nghèo. Nhóm của ông Dương được UBND huyện Ea Súp ban hành quyết định giao gần 373 ha cùng với 35 thành viên. Thời điểm nhận rừng, ông Dương đang là cán bộ địa chính xã Ea Bung. Theo quyết định, nhóm 35 hộ được giao đất tại các khoảnh 5,7,8,9 thuộc tiểu khu 252.
“Rừng tại khu vực này không còn nữa, tại thời điểm kiểm tra chỉ còn thấy người dân trồng cây ăn trái. Nhiều hộ dân kể toàn bộ diện tích đất nông nghiệp bị các đối tượng vào lấn chiếm, số khác thì sang nhượng qua lại...” - ông Luật cho biết thêm.
Vũ Long (TP)

Có thể bạn quan tâm