Kinh tế

Giá cả thị trường

Xăng dầu leo đỉnh, hàng hóa leo thang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Từ vận tải, chế biến thực phẩm cho tới vật liệu xây dựng…, cơn “bão giá” đã chính thức bùng nổ sau lần lập đỉnh thứ 7 của giá xăng dầu hôm qua 11.3.
 

Xăng tăng “sốc”, doanh nghiệp rục rịch chỉnh bảng giá

Chiều qua (11.3), Liên bộ Công thương - Tài chính có quyết định điều hành giá xăng dầu, đánh dấu lần lập đỉnh liên tiếp thứ 7 kể từ kỳ điều hành hồi tháng 12.2021. Mặc dù quỹ bình ổn được chi rất mạnh (750 đồng/lít với xăng E5RON92, 1.000 đồng/lít với xăng RON95 và 1.500 đồng/lít với dầu diesel, dầu hỏa chi ở mức 300 đồng/lít), nhưng giá xăng dầu vẫn tăng sốc gần 3.000 đồng/lít. Hiện giá bán lẻ xăng đã sát mốc 30.000 đồng/lít. Đặc biệt, mức tăng giá xăng dầu ở kỳ điều hành chiều qua là mức tăng mạnh nhất của giá mặt hàng này từ trước đến nay.

Khó khăn dồn dập, doanh nghiệp giờ phải lo đủ thứ. Chỉ mong cơ quan nhà nước sớm có những biện pháp ổn định thị trường, ngăn chặn đà tăng giá để không dẫn tới lạm phát.

 Ông Lê Duy Toàn, Tổng giám đốc Duy Anh Foods

 
Thở dài thườn thượt nhìn giá xăng dầu lập đỉnh mới, anh Nguyễn Văn Hải, giám đốc một công ty sản xuất vật liệu xây dựng ở miền Trung, kể rằng may là cách đây vài ngày, anh đã bỏ ra 60 triệu đồng mua một bình chứa dầu DO dung tích 25.000 lít để trữ hàng, dù công ty đã kiêm luôn đại lý xăng dầu cấp 1 - tức đã có bể chứa ở cửa hàng. “Trước đây, đội xe máy của công ty mỗi tháng lấy hàng 4 lần, mỗi lần cỡ chục nghìn lít. Nhưng hai tháng nay hàng lấy rất khó, mỗi lần đăng ký 10 thì đối tác chỉ bán cho 3, 4. Đó là chưa kể trước mình được hoa hồng 800 đồng/lít dầu DO mà nay chẳng còn đồng nào. Nên thôi thì trữ được gì phải trữ, chứ không có dầu, đứng máy đứng xe thì chết”, anh Hải than.

 Xăng dầu liên tục tăng giá kéo theo giá cả các hàng hóa khác đều tăng. Ảnh: Ngọc Thắng
Xăng dầu liên tục tăng giá kéo theo giá cả các hàng hóa khác đều tăng. Ảnh: Ngọc Thắng


Không chỉ khó về nguyên liệu đầu vào, theo anh Hải, giá xăng dầu đang “ăn” hết lợi nhuận của doanh nghiệp (DN). “Trước đây nếu giá dầu tăng 1.000 đồng thì mình tăng giá gạch 100 đồng/viên, gồm cả chi phí vận chuyển tận công trường. Nhưng nay giá xăng cứ tháng tăng 3 lần mà đầu năm đến nay giá gạch tăng 2 lần (tổng cộng 200 đồng mỗi viên) là người dân đã kêu rồi. Không phải cứ giá đầu vào tăng là mình tăng tương ứng được”, anh nói.
 

 Xăng dầu liên tục tăng giá kéo theo giá cả các hàng hóa, dịch vụ khác đều tăng. Ảnh: Ngọc Thắng
Xăng dầu liên tục tăng giá kéo theo giá cả các hàng hóa, dịch vụ khác đều tăng. Ảnh: Ngọc Thắng


Anh Nguyễn Đức Thuận, kỹ sư tư vấn xây dựng tại TP.HCM, thừa nhận việc tăng giá xây dựng phần thô như vừa qua là điều “chưa có tiền lệ”, khi có tháng điều chỉnh đến 2 lần. “Như Công ty Thiết Thạch vừa tăng giá gói xây thô lên 4,2 triệu đồng/m2 từ 1.3 mà hiện nay vào website thì lại thấy công ty thông báo “Dự kiến thay đổi đơn giá xây dựng” từ ngày 15.3. Dù họ chưa nói giá nhưng tôi đoán cũng sẽ lên chừng 4,5 triệu/m2. Trong khi giá hồi tháng 8, tháng 9 năm ngoái khoảng 3,8 triệu/m2. Nếu sang tuần mà lên 4,5 triệu/m2 thì đúng bằng giá của gói hoàn thiện năm 2020 rồi”, anh Thuận dẫn chứng và cảm thán: “Ai xây nhà giai đoạn này thì nhìn giá vật liệu nhảy múa thôi đã tăng xông rồi”.

Trên website chính thức, Công ty CP đầu tư kiến trúc xây dựng Thiết Thạch lý giải kế hoạch dự kiến thay đổi đơn giá xây dựng từ ngày 15.3 là do biến động xã hội kéo theo sự leo thang vật giá đã ảnh hưởng trực tiếp đến giá xây dựng. Đại diện Thiết Thạch cho biết cùng với đà phá đỉnh của giá xăng, giá các nguyên vật liệu ngành xây dựng cũng đang “lên đồng”. Cụ thể, giá thép tăng 40 - 45%; cát, đá, xi măng... và hầu hết các loại vật tư khác đều tăng 10 - 15%. Các loại vật tư hoàn thiện như sơn nước, gạch lát sàn… tăng khoảng 5 - 10%. Kèm theo tình trạng thiếu nhân công xây dựng và chi phí nhân công cũng tăng theo, khiến DN gặp sức ép rất lớn.


Không tăng không được

“Không tăng không được, tất cả các khoản công tác phí, vận tải, nguyên vật liệu đầu vào từ các nhà cung cấp cũng đã có sự điều chỉnh. Chi phí đã tăng quá cao và DN đang phải chịu lỗ chồng lỗ với hầu hết các hợp đồng đã ký trước đây nhưng bị hoãn do đại dịch”, đại diện Công ty CP cửa Gia Hân Windows phân trần khi chia sẻ về việc điều chỉnh tăng 3 - 5% giá thành phẩm ngoài biên độ rủi ro mà DN đã thiết lập.

Theo vị này, giá xăng dầu liên tục lập đỉnh cũng đẩy giá cước vận tải quốc tế tăng đến ngưỡng “kinh khủng”. Trước đây, cước tàu nhập hàng vào khoảng 200 - 300 USD/container, hiện nằm ở mức 2.400 - 2.600 USD/container, có thời điểm DN phải trả tới 3.200 USD/container, tăng 300%. Đáng nói, giá cước liên tục biến đổi theo tuần, không cố định theo từng tháng hay quý như trước nên DN rất khó để chủ động xây dựng đơn giá. Cùng với đó, tất cả chi phí vận chuyển trong nước và các mặt hàng về nguyên vật liệu đều tăng theo. Từ vỏ lốp xe để thay tăng từ 5 - 7%; mặt hàng kính cũng thông báo tăng 20 - 30%... cho tới mặt bằng lương cho nhân viên cũng đang chuẩn bị điều chỉnh tăng bắt đầu từ tháng 4. Trước đây, Gia Hân Windows có thể tuyển người mới với mức lương thử việc khoảng 6,5 triệu đồng/tháng nhưng bây giờ phải đẩy lên trên 7 triệu đồng, sau thử việc là trên 9 triệu đồng. Những người cũ cũng phải lên lương từ 10 - 15% tùy vị trí công việc.

“Phòng nhân sự kêu trời vì với mức trả lương cũ sẽ không tuyển được người. Tiền ăn, tiền nhà, tiền ở của người lao động tăng lên rất nhiều. Áp lực cho người lao động cũng đồng nghĩa áp lực tới DN. Câu chuyện chi phí giờ không chỉ dừng ở xăng dầu hay giá nguyên vật liệu mà đã lan rộng sang tất cả các yếu tố khác. DN khó khăn vô cùng”, vị này cám cảnh.

Đồng cảnh ngộ, Công ty XNK Duy Anh Foods cũng đang chờ các đối tác xét hợp đồng với mức tăng giá thành phẩm thêm 7 - 8%. Ông Lê Duy Toàn, Tổng giám đốc Duy Anh Foods, cho biết trong bối cảnh tất cả mọi thứ đều tăng giá, người dân tiết giảm chi tiêu thì việc tăng giá sản phẩm đồng nghĩa với việc DN phải đối mặt bài toán sức mua của thị trường giảm. Tuy vậy, áp lực chi phí đầu vào quá lớn, liên tục tạo sức ép khiến các DN không thể cố gồng mình bù lỗ tiếp như đối với các hợp đồng đã ký trước đó. Theo ông, từ sau tết, các nguyên liệu như gạo, bột liên tục điều chỉnh giá theo biến động giá xăng dầu, đến nay đã tăng 20 - 30%. Chi phí vận tải, cụ thể là giá cước xe kéo container về kho đóng hàng lúc trước khoảng 8 - 9 triệu đồng/container, giờ tăng lên 11 - 12 triệu đồng… Xăng xe, điện, nước… tất cả đều tăng liên tục, ảnh hưởng rất lớn tới kế hoạch mở rộng sản xuất hay tăng năng suất, sản lượng của các nhà sản xuất thực phẩm như Duy Anh Foods.

“Giai đoạn dịch bệnh, chúng tôi không làm “3 tại chỗ” được do chi phí quá cao. Sau khi bình thường mới, công ty tính toán tháng 12 sẽ chạy bù lại cho 3 tháng nghỉ dịch nhưng công nhân viên lại lần lượt nhiễm Covid-19. Ra tết, sẵn sàng làm lại thì mọi chi phí bắt đầu tăng vọt, cộng với ảnh hưởng cuộc xung đột Nga - Ukraine nên tàu không chạy, các lô hàng công ty xuất đi Nga buộc phải hoãn lại, lưu kho... Khó khăn dồn dập, DN giờ phải lo đủ thứ. Chỉ mong cơ quan nhà nước sớm có những biện pháp ổn định thị trường, ngăn chặn đà tăng giá để không dẫn tới lạm phát”, ông Toàn chia sẻ.
Khó tránh lạm phát

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định xu hướng lạm phát sắp tới là khó tránh khỏi, bởi đây là vấn đề của các nước hiện nay. Sau sự bùng nổ của cuộc xung đột Nga - Ukraine, Mỹ và các đồng minh phương Tây mới đây tuyên bố cấm vận dầu mỏ với Nga, khiến cho nguồn cung trên thị trường thế giới vốn đã thiếu lại càng trầm trọng hơn. Do đó sắp tới, giá dầu sẽ có xu hướng tăng cao hơn nữa và một trong những tác động đầu tiên là dẫn đến lạm phát của các nước sử dụng nhiều dầu. “VN có xuất khẩu dầu thô nhưng ít, nhập khẩu lại rất lớn nên giá dầu lên sẽ làm tăng lạm phát. Cùng với đó, biện pháp của nhà nước kéo giảm mức tăng của thị trường xăng dầu trong nước thông qua giảm thuế trên xăng dầu là cần thiết. Tuy nhiên hệ quả đối với lạm phát là khó tránh khỏi”, bà Lan nói.

Là một trong những người từ rất sớm đã đề xuất Chính phủ cần nhanh chóng tính toán giảm thuế, phí trong xăng dầu để ổn định thị trường trong nước, bà Phạm Chi Lan đánh giá động thái của khu vực nhà nước quá chậm. Chuyện thuế, phí bàn từ trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine nhưng đã qua mấy đà xăng tăng giá, cơ quan quản lý vẫn chưa can thiệp được.

 


Ngay cả khi đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường 2.000 đồng/lít của Bộ Công thương được thông qua và có thể áp dụng từ 1.4, theo bà Phạm Chi Lan, cũng không quá kỳ vọng vào một sự chuyển biến tích cực của thị trường xăng dầu trong nước. Bởi hỗ trợ dư địa giảm thuế cho xăng dầu không nhiều. Nếu bây giờ ngân sách nhà nước bung ra hết sức thì sẽ khó còn dư địa để kiểm soát thị trường trong giai đoạn tới.
 

“Giá thế giới tăng, chi phí nhập khẩu xăng dầu vào VN tăng, cộng thêm áp lực từ DN, xã hội cần giảm thuế, phí nữa để hỗ trợ người dân và các ngành kinh tế… Rất khó cho ngân sách nhà nước sau khi đã phải chi rất lớn hỗ trợ vượt Covid-19. Chúng ta cần phải chuẩn bị sẵn sàng tinh thần để đón nhận những khó khăn còn lớn hơn trong thời gian tới”.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan
 

Theo  Hà Mai-Chí Hiếu (TNO)

Có thể bạn quan tâm