Có tới 50% xăng A95, thậm chí là 100% xăng E5 tại một số địa phương được kiểm tra, kiểm nghiệm không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Công an Đắk Nông triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán xăng giả với quy mô lớn - Ảnh: B.A.
Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh đã đưa ra thông tin như vậy trong cuộc họp "Xăng dầu giả, thiệt hại thật" vừa được Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức. Trong khi đó, xăng dầu có ít nhất năm bộ ngành cùng quản lý.
Nhiều quy định vẫn lọt
Sau cuộc họp, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Linh cho biết kết quả kiểm tra trên là tại 20 tỉnh, thành trên cả nước, được tiến hành sau khi đường dây pha chế xăng giả quy mô lên tới hàng triệu lít xăng của doanh nghiệp Trịnh Sướng được triệt phá ở Đắk Nông.
Đã có hơn 5.000 vụ việc liên quan đến xăng dầu được lực lượng quản lý thị trường phát hiện từ đầu năm 2018 đến nay, xủ lý vi phạm hơn 1.000 vụ việc. Tuy nhiên, cơ quan này chỉ có thể tước quyền sử dụng 37 giấy phép kinh doanh, trong khi gian lận thương mại xăng dầu được ông Linh đánh giá tương đối phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Nghị định 83/2014 của Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp, thương nhân kinh doanh, nhập khẩu, phân phối xăng dầu phải đáp ứng nhiều điều kiện, tiêu chuẩn mới được tham gia thị trường.
Ngoài ra, còn có nghị định 67/2014 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xăng dầu khí; thông tư số 15/2015 yêu cầu sản phẩm xăng dầu phải được chứng nhận hợp quy, đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn mới được phép lưu thông...
Ông Trần Quốc Tuấn - cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và công nghệ) - cho hay cơ quan này đã thường xuyên kiểm tra, kiểm soát đo lường chất lượng bằng nhiều hình thức. Theo đó, ngoài những đường dây pha chế xăng giả được phát hiện, vi phạm chủ yếu tập trung ở những doanh nghiệp "lấy ở nhiều nguồn".
Theo quy định của nghị định 83/2014, các tổng đại lý chỉ được ký hợp đồng phân phối xăng dầu cho một doanh nghiệp xăng dầu đầu mối; đại lý bán lẻ xăng dầu cũng chỉ được ký hợp đồng làm đại lý bán lẻ xăng dầu cho một tổng đại lý hoặc một thương nhân phân phối... Quy định này nhằm kiểm soát chặt chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường, gắn với trách nhiệm của nhà cung cấp.
Tuy nhiên, nghị định 83/2014 lại cho một đối tượng là "thương nhân phân phối" được mua xăng dầu từ nhiều thương nhân xăng dầu đầu mối. Và theo ông Trần Quốc Tuấn, qua kiểm tra, "nguy cơ xảy ra vi phạm tập trung chủ yếu ở những ông thương nhân phân phối này nên cần tăng cường kiểm tra kiểm soát". Thực tế, nhiều thương nhân phân phối thậm chí không có hệ thống mà toàn đi thuê mướn lại.
Phải siết để an toàn cho dân
Không ít ông lớn trên thị trường xăng dầu dù đã chiếm thị phần lớn vẫn phải thừa nhận cuộc cạnh tranh giành giật đại lý bán lẻ xăng dầu ngày càng khốc liệt. Nhiều đại lý sẵn sàng thay đổi nhà cung cấp nếu được tăng chiết khấu, thậm chí mua từ nhiều nguồn để hưởng lợi nhuận lớn.
Chưa thể khẳng định nhiều vụ cháy xe gần đây do chất lượng xăng dầu. Tuy nhiên, xăng dầu kém chất lượng phổ biến như ông tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường nói là đáng báo động. Vì vậy, nếu không sớm bịt lỗ hổng đầu ra xăng dầu, chấn chỉnh lại hệ thống kinh doanh xăng dầu... thì rất khó bịt được lỗ hổng xăng dầu.
Điều này không chỉ gây thất thu ngân sách, thị trường cạnh tranh không lành mạnh, mà còn có thể sinh ra nhiều hiểm họa cho người dân như cháy nổ, thậm chí nguy hiểm tính mạng, ảnh hưởng đến chất lượng không khí vốn đã khá căng thẳng tại nhiều đô thị...
Ngọc An (TTO)