Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Xây dựng đường Vành đai 3: Hoàn tất thủ tục đầu tư trước tháng 2-2022

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngày 29-12, tại TPHCM, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cùng lãnh đạo các bộ ngành đã có buổi làm việc với lãnh đạo các địa phương: TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An… về công tác chuẩn bị đầu tư đường Vành đai 3, 4. Tham dự buổi làm việc phía TPHCM có đồng chí Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM.

 
Hạ tầng kết nối hạn chế
Báo cáo công tác thực hiện dự án đường Vành đai 3, đồng chí Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM, cho biết, Vành đai 3 dài khoảng 89,3km, trong đó, đoạn qua TPHCM hơn 47km, qua tỉnh Bình Dương 26km, qua Đồng Nai hơn 11km và qua Long An 6,8km. Hiện tỉnh Bình Dương đã đầu tư 15,3km với 6 làn xe. Đoạn dài 8,7km thuộc dự án thành phần 1A nối huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai với TP Thủ Đức, TPHCM do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, sử dụng vốn ODA, dự kiến khởi công vào quý 1-2022. 
Thời gian qua, các địa phương tập trung chống dịch nên tiến độ dự án bị ảnh hưởng. Nút thắt lớn nhất của dự án là hạ tầng giao thông kết nối hạn chế. Hầu hết các tuyến đường huyết mạnh đều quá tải. Các tỉnh, thành nơi tuyến đường này đi qua đồng kiến nghị trung ương hỗ trợ ngân sách đầu tư dự án với kinh phí khoảng 83.000 tỷ đồng. Trong đó, có chi phí giải phóng mặt bằng một lần (theo quy mô hoàn chỉnh) và đầu tư đường song hành hai bên, dự kiến hơn 52.468 tỷ đồng, số còn lại để xây dựng tuyến chính - đường cao tốc 4 làn xe hạn chế bao gồm cả các nút giao trên tuyến. 
Trường hợp vốn ngân sách trung ương không cân đối đủ toàn bộ kinh phí, đề xuất trung ương hỗ trợ toàn bộ chi phí giải phóng mặt bằng (theo quy mô hoàn chỉnh) khoảng 47.000 tỷ đồng. Về phần xây lắp, các địa phương sẽ chủ động nghiên cứu đầu tư phù hợp với thực tế từng nơi. Thời gian thực hiện từ nay đến năm 2026.
Cùng đó, UBND TPHCM kiến nghị Chính phủ giao UBND TPHCM làm cơ quan chuẩn bị đầu tư dự án Vành đai 3. TPHCM sẽ chủ trì lập, báo cáo Thủ tướng trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án một cách tổng thể.
Phân đoạn của dự án đường Vành đai 3
* Đoạn Nhơn Trạch - Tân Vạn (từ nút giao đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, Đồng Nai đến nút giao Tân Vạn, tỉnh Bình Dương) dài khoảng 28,38km. Quy mô 4 làn xe cao tốc hạn chế, tốc độ thiết kế 80km/giờ. Tổng mức đầu tư khoảng 55.000 tỷ đồng.
* Đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn (tỉnh Bình Dương) dài khoảng 15,3km. Đoạn này đã được đầu tư, đang khai thác với quy mô 6 làn xe đường đô thị. Tổng mức đầu tư khoảng 42.000 tỷ đồng. 
* Đoạn Bình Chuẩn - Quốc lộ 22 (TPHCM) dài khoảng 19,1km. Quy mô 4 làn xe cao tốc hạn chế, tốc độ thiết kế 80km/giờ. Tổng mức đầu tư khoảng 30.000 tỷ đồng. 
* Đoạn Quốc lộ 22 - Bến Lức (điểm cuối tại nút giao cao tốc Bến Lức - Long Thành và cao tốc TPHCM - Trung Lương, Long An) dài khoảng 28,86km. Quy mô 4 làn xe cao tốc hạn chế, tốc độ thiết kế 80km/giờ. Tổng mức đầu tư khoảng 41.000 tỷ đồng.
-----------------------------
* Đối với dự án Vành đai 4, tuyến đường được quy hoạch dài gần 200km, đi qua TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu. Hiện trên tuyến có một số đoạn ngắn đã được địa phương đầu tư nhưng không liên tục. Cụ thể, tỉnh Bình Dương đã đầu tư khoảng 21km trong tổng 48km đi qua địa bàn tỉnh.
Rà soát kỹ toàn bộ dự án
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định, đường Vành đai 3 có ý nghĩa rất quan trọng cho sự phát triển không chỉ với TPHCM mà còn với các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả khu vực Nam bộ. Theo Phó Thủ tướng, những tháng gần đây, Thủ tướng và Phó Thủ tướng đã họp nhiều lần bàn về dự án này. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện đến nay vẫn “chưa đâu vào đâu”, như vậy rất khó thực hiện. Chủ trương của Chính phủ là phân cấp cho các địa phương chủ động triển khai nhằm huy động mọi nguồn lực để thực hiện. “Hiện khâu tổ chức thực hiện vẫn chưa xác định rõ trách nhiệm thuộc đơn vị nào, chưa rõ đầu việc, chưa có phương án đầu tư cụ thể, hợp đồng tư vấn vẫn chưa ký kết. Lỗi này thuộc Bộ GTVT”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phân tích nguyên nhân dự án chậm triển khai và yêu cầu Bộ GTVT phân cấp cho các địa phương thực hiện.
Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương mời và làm việc ngay với đơn vị tư vấn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Khẩn trương rà soát kỹ các phương án, phương thức đầu tư, đoạn nào thực hiện được hình thức PPP, đoạn nào thực hiện bằng 100% vốn ngân sách. Đặc biệt, xem xét lại tổng mức đầu tư, tổng chi phí hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tổng chi phí xây dựng... Các chi phí này phải tính toán chi tiết, kỹ lưỡng trước khi hoàn chỉnh hồ sơ trình Chính phủ. Về nguồn vốn đầu tư, Phó Thủ tướng cho rằng, có thể tính đến phương án địa phương 70%, trung ương hỗ trợ 30%, sẽ dễ thực hiện hơn phương án đầu tư bằng 100% ngân sách trung ương. Mục tiêu là đến tháng 2-2022 trình Chính phủ để hoàn tất thủ tục đầu tư và đến tháng 4 hoặc tháng 5-2022 trình Quốc hội xem xét. 
Theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, UBND TPHCM được Chính phủ giao chủ trì chuẩn bị trình dự án và làm việc trực tiếp với đơn vị tư vấn để rà soát lại toàn bộ dự án, bao gồm cả chi phí giải phóng mặt bằng, xây dựng.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho rằng, để triển khai các công việc được giao của dự án đảm bảo tiến độ, TPHCM kiến nghị Phó Thủ tướng và các bộ ngành liên quan hỗ trợ TPHCM và các địa phương hoàn chỉnh hồ sơ. TPHCM sẽ cố gắng phối hợp với các địa phương và làm việc ngay với tư vấn để chuẩn bị hồ sơ. Về phương thức đầu tư, đoạn thuận lợi sẽ thực hiện theo hình thức PPP. TPHCM sẽ làm việc lại với các địa phương để tính toán, trình phương án phân kỳ đầu tư phù hợp.
QUỐC HÙNG (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm