Giáo dục

Xây dựng Luật Nhà giáo: Cán bộ, giáo viên đặt nhiều kỳ vọng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa có dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo. Trước thông tin này, nhiều cán bộ quản lý, giáo viên trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã bày tỏ sự vui mừng, kỳ vọng vào những tác động tích cực mà Luật sẽ mang lại nếu được thông qua.

Tại dự thảo Tờ trình xây dựng Luật Nhà giáo, Bộ GD-ĐT thông tin sẽ Luật hóa các quan điểm của Đảng và Nhà nước về nhà giáo, nhất là quan điểm “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu”, nhà giáo “giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục”. Đây sẽ là văn bản luật điều chỉnh toàn bộ các vấn đề cơ bản liên quan đến việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo.

Nhiều người kỳ vọng vào những tác động tích cực mà Luật Nhà giáo sẽ mang lại. Ảnh: Mộc Trà

Nhiều người kỳ vọng vào những tác động tích cực mà Luật Nhà giáo sẽ mang lại. Ảnh: Mộc Trà

Dự thảo Tờ trình nhấn mạnh mục đích xây dựng Luật Nhà giáo nhằm nâng cao vị thế, vai trò của nhà giáo, tạo hành lang pháp lý vững chắc và toàn diện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo; tạo cơ hội cho nhà giáo yên tâm hoạt động nghề nghiệp và có những đóng góp tốt hơn cho ngành, cho đất nước. Đồng thời, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nhà giáo và đảm bảo định hướng chính trị đúng đắn đối với công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo; nâng cao nhận thức xã hội, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo.

22 năm gắn bó với nghề, cô giáo Trần Thị Hồng Ánh-Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Hoa Mai (xã Ia Rong, huyện Chư Pưh) không giấu được niềm vui khi biết Bộ GD-ĐT đã có dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo. Bởi lẽ, cô cho rằng, khi Luật Nhà giáo được ban hành sẽ cụ thể hóa được quyền lợi, trách nhiệm của nhà giáo cũng như chế độ đặc thù của ngành; vị thế của nhà giáo cũng được nâng cao hơn.

Cô Ánh chia sẻ: Theo tìm hiểu của tôi, tại dự thảo đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo, Bộ GD-ĐT đề xuất 5 nhóm chính sách chủ yếu nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo, giúp giải quyết nhiều vấn đề hiện đang bất cập liên quan đến phân biệt công-tư, tuyển dụng giáo viên, quy định chứng chỉ hành nghề đối với sinh viên ngoài ngành sư phạm, chế độ lương và phụ cấp riêng cho nhà giáo, thay đổi việc bổ nhiệm hiệu trưởng, tinh giản biên chế nhà giáo, xã hội hóa giáo dục... Trong đó, tôi khá kỳ vọng vào việc tuyển dụng giáo viên vì hiện nay, việc tuyển dụng giáo viên theo quy định chung nên thông qua nhiều tầng nấc, tuyển dụng khó khăn, mỗi năm tuyển dụng một lần. Hơn nữa, ngành Giáo dục cũng không thể tự chủ động bổ sung biên chế thiếu và khó luân chuyển giáo viên.

“Khi có Luật Nhà giáo sẽ xác định trách nhiệm tuyển dụng, bổ sung biên chế làm sao để ngành Giáo dục chủ động trong công tác nhân sự, từng bước chấm dứt tình trạng thừa-thiếu cục bộ giáo viên. Ngoài ra, việc luân chuyển giáo viên từ vùng khó khăn, xa nhà về vùng thuận lợi có thể đơn giản hơn. Đây là niềm vui lớn của nhiều người”-cô Ánh bày tỏ.

Trên thực tế, thời gian qua, trên cả nước nói chung, ở Gia Lai nói riêng có khá nhiều giáo viên xin thôi việc hoặc chuyển công tác khác. Theo nhận định của ngành Giáo dục, nguyên nhân chủ yếu là do thu nhập và chính sách đãi ngộ còn thấp. Mặt khác, áp lực công việc quá lớn cũng khiến nhiều người không thể trụ lại với nghề khi phải dạy tăng thay, dạy tại nhiều điểm trường hoặc đảm trách việc chủ nhiệm 2 lớp cùng một lúc vì thiếu giáo viên; đồng thời, phải linh hoạt thích ứng khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nội dung, phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá có nhiều thay đổi.

Cô Trần Thị Kim Hòa-giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Lê Văn Tám (xã Krong, huyện Kbang) hy vọng Luật Nhà giáo được ban hành sẽ có cơ chế, chính sách giúp giáo viên yên tâm gắn bó với nghề. Ảnh: Mộc Trà
Cô Trần Thị Kim Hòa-giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Lê Văn Tám (xã Krong, huyện Kbang) hy vọng Luật Nhà giáo được ban hành sẽ có cơ chế, chính sách giúp giáo viên yên tâm gắn bó với nghề. Ảnh: Mộc Trà

Cô Trần Thị Kim Hòa-giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Lê Văn Tám (xã Krong, huyện Kbang) nêu dẫn chứng: Vừa qua có 2 trường hợp giáo viên ở Trường Mẫu giáo Kon Pne bỏ nghề vì thu nhập ít, công việc vất vả. Vì xã từ vùng III chuyển thành vùng I nên ngoài mức lương 5 triệu đồng/tháng, các cô không có khoản hỗ trợ nào khác; trong khi trường cách trung tâm gần 100 cây số, đường sá đi lại khó khăn. Mới đây, 1 đồng nghiệp ở trường tôi cũng xin thôi dạy học vì trình độ chuyên môn trung cấp, không đạt chuẩn trong độ tuổi. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn không đủ điều kiện để học liên thông lên đại học nên chọn rẽ hướng làm công việc khác.

“Đây quả thật là điều đáng buồn. Bởi vậy, gốc rễ phải giải quyết cho giáo viên là vấn đề thu nhập. Họ phải bảo đảm được đời sống tối thiểu mới an tâm làm nghề. Mong rằng, Luật Nhà giáo nếu được Quốc hội thông qua với những điều chỉnh về lương, chính sách ưu đãi sẽ giải quyết căn cơ được vấn đề trên và quan trọng hơn là thu hút và giữ chân được những giáo viên giỏi, tâm huyết với sự nghiệp trồng người”-cô Hòa kỳ vọng.

Qua nghiên cứu dự thảo, nhiều người cũng cho rằng, Luật Nhà giáo được ban hành sẽ khắc phục sự bất bình đẳng công tư trong chính sách, chế độ đối với nhà giáo làm việc ở khu vực tư; đồng thời, khắc phục quan điểm áp dụng các chính sách chung của viên chức đối với nhà giáo ở khu vực công.

Luật Nhà giáo nếu được Quốc hội thông qua sẽ khắc phục được quan điểm áp dụng các chính sách chung của viên chức đối với nhà giáo ở khu vực công. Ảnh: Mộc Trà

Luật Nhà giáo nếu được Quốc hội thông qua sẽ khắc phục được quan điểm áp dụng các chính sách chung của viên chức đối với nhà giáo ở khu vực công. Ảnh: Mộc Trà

Ông Nguyễn Đình Thức-Trưởng phòng GD-ĐT TP. Pleiku-cho rằng: Luật Nhà giáo nếu được Quốc hội thông qua sẽ là cơ sở pháp lý thể hiện rõ sự ràng buộc về quyền lợi đi đôi với trách nhiệm của nhà giáo. Bấy lâu nay, chế độ, chính sách cho nhà giáo vẫn được đánh đồng chung với viên chức chứ chưa tính đến đặc thù nghề nghiệp. Thêm vào đó, giáo viên trường công và trường tư vẫn có sự phân biệt nhất định, ảnh hưởng ít nhiều đến chế độ của nhà giáo sau này. Nếu Luật Nhà giáo có thể gỡ bỏ được những bất cập này thì đội ngũ nhà giáo sẽ vô cùng phấn khởi.

“Luật Nhà giáo cũng nên có quy định về cơ chế luân chuyển công tác cho nhà giáo giữa vùng khó và vùng thuận lợi theo thời hạn nhằm tạo sự nhịp nhàng và công bằng trong đội ngũ. Hơn nữa, cấp nào được giao thẩm quyền tuyển dụng thì trao quyền điều động, luân chuyển đội ngũ cho cấp đó sẽ phù hợp và dễ dàng quản lý hơn”-ông Thức nêu quan điểm.

Có thể bạn quan tâm