Chính trị

Tin tức

Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức HCM

Xây dựng một gia đình hòa thuận, đó cũng là làm chính trị

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Ảnh: TL
Ảnh: TL
Gia đình là tế bào của xã hội, là nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nho giáo cho rằng, nếu xây dựng được một gia đình hòa thuận, con cái biết hiếu đễ thì đó cũng là làm chính trị rồi. Bởi nước cũng chỉ là một cái nhà to. Các căn nhà nhỏ - gia đình mà hòa thuận thì căn nhà to cũng sẽ hòa thuận. Vì thế, làm chính trị không cứ là phải ra làm quan. Khổng giáo quan niệm: “Tu thân - Tề gia - Trị quốc - Bình thiên hạ”. Chúng ta phải bắt đầu từ việc nhỏ nhất, hay cũng có thể hiểu là từ “nền tảng”, từ cái gốc - thì mới có thể tiến dần lên cái lớn - cái lớn nhất, một cách vững chắc và tốt đẹp được. Chúng ta có thể ví “gia đình” là cái nền, cái móng, cho “căn nhà xã hội” rộng lớn phát triển. Cái móng nền có tốt, có vững chắc - kiên cố - thì căn nhà mới bền vững, không lo sợ bị sụp đổ, gây nhiều tác hại cho mọi người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”. Xây dựng và triển khai Chiến lược xây dựng gia đình Việt Nam là một yêu cầu khách quan và cấp bách nhằm tăng cường năng lực và phát huy mọi khả năng của gia đình tham gia vào sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Vì thế, “các chính sách của Nhà nước phải chú ý tới xây dựng gia đình no ấm, hòa thuận, tiến bộ. Nâng cao ý thức về nghĩa vụ gia đình đối với mọi lớp người”.

Cuộc sống đang ngày một phát triển - phát triển một cách toàn diện. Mức sống và mức thu nhập của nhiều gia đình ngày càng được nâng cao. Các bậc cha mẹ có điều kiện quan tâm, chăm sóc con em nhiều hơn. Ở nước ta, những giá trị truyền thống của gia đình như: Đức tính cần cù, chịu khó, kính trọng người già, thương yêu con trẻ, biết ơn tổ tiên, nguồn cội, tình nghĩa thủy chung, đùm bọc thương yêu lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ... vẫn tiếp tục được khuyến khích hun đúc, bảo tồn. Cùng với sự giao lưu các nền văn hóa, quá trình vận động, phát triển, gia đình Việt Nam đã lược bỏ những quan niệm lạc hậu, tiếp nhận thêm nhiều giá trị có tính phổ quát của nhân loại trong xã hội hiện đại, từ đó quan hệ giữa các thành viên trong gia đình bình đẳng hơn, vai trò của người phụ nữ được coi trọng, tạo điều kiện để họ tham gia công tác xã hội.
Trong xu thế hội nhập theo kinh nghiệm ở nhiều nước trên thế giới cho thấy, sự tăng trưởng nhanh về kinh tế nhưng không chú ý phát triển hài hòa các mối quan hệ xã hội sẽ dẫn đến những khủng hoảng và đổ vỡ các quan hệ gia đình. Thực tế nước ta cho thấy tình trạng ly hôn tăng, vấn nạn bạo lực gia đình, sự xuống cấp đạo đức, đề cao quá mức đồng tiền, thái độ sống vô cảm, không quan tâm đến cộng đồng… Thách thức lớn nhất đối với gia đình Việt Nam là cùng với việc tiếp thu những giá trị nhân văn mới trong xu thế hội nhập với cộng đồng quốc tế, đồng thời vẫn phải giữ được bản sắc văn hóa dân tộc và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, tạo điều kiện cho sự ổn định và phát triển lâu dài của đất nước.
Năm 2009, Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch phối hợp với nhiều đơn vị tổ chức hướng đến chào mừng Ngày Gia đình Việt Nam 28-6 với thông điệp “Giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa gia đình”. Đây là một hoạt động văn hóa lớn nhằm giao lưu của các tỉnh thành trong cả nước sẽ tham gia giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về công tác xây dựng gia đình, làng xã, phố phường văn hóa, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại; bảo tồn và giữ gìn các giá trị văn hóa của dòng họ, cộng đồng.
Thiên Ân

Có thể bạn quan tâm