Thời sự - Bình luận

Xây dựng niềm tin thị trường để phát triển kinh tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt 328,9 nghìn tỉ đồng, giảm 25,2% so với cùng kỳ năm 2021 và có xu hướng giảm dần qua các quý.

Cụ thể, quý I phát hành trái phiếu đạt 134,8 nghìn tỉ đồng, quý II là 122,4 nghìn tỉ đồng, quý III là 65,9 nghìn tỉ đồng và tháng 10.2022 là 5.800 tỉ đồng. Đó là thông tin tại báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Bộ Tài chính ngày 15.11.

Không phát hành trái phiếu như trước, thậm chí còn mua lại trước hạn hơn 152.000 tỉ trái phiếu.

Doanh nghiệp cần vốn để sản xuất kinh doanh, nhưng sau vụ Tân Hoàng Minh, FLC, Vạn Thịnh Phát, việc phát hành trái phiếu khó khăn vì kênh đầu tư này bị mất niềm tin. Chưa kể, nhiều người bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông, bất an về thị trường này, nên tìm cách thu hồi, gây áp lực lên doanh nghiệp phát hành trái phiếu.

Việc xử lý các doanh nghiệp làm sai, lập lại trật tự, kiểm soát rủi ro cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp và nhà đầu tư là cần thiết. Càng minh bạch thì nền kinh tế càng phát triển lành mạnh và ổn định.

Có điều, các nhà đầu tư cần bình tĩnh lại để đánh giá thị trường khách quan và đúng đắn.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hiệu quả, đang cần vốn để phát triển, nhưng lại đột ngột bị cạn kiệt nguồn vốn, tăng thêm khủng hoảng xã hội. Thiệt hại đó không riêng doanh nghiệp gánh chịu, mà cả nhà đầu tư cũng bị vạ lây.

Cộng đồng doanh nghiệp còn bị tổn thất không nhỏ vì những tin đồn vô căn cứ. Hôm nay đồn bắt người này, hôm sau đồn đóng cửa doanh nghiệp kia, tạo cho xã hội sự hoang mang, bất an, hạn chế những hoạt động đầu tư, làm ăn của người dân, doanh nghiệp.

Hãy thử tưởng tượng, mọi thứ đều trì trệ, các kênh đầu tư đều đóng băng, ngân hàng tăng lãi suất, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, thì nền kinh tế sẽ đi về đâu.

Chưa kể, tình hình kinh tế thế giới cũng có dấu hiệu khá ảm đạm, lạm phát, thất nghiệp. Tập đoàn công nghệ Amazon cắt giảm 10.000 nhân viên, Facebook cũng cắt 11.000 người và làn sóng thất nghiệp sẽ còn lan rộng.

Việt Nam cũng đã có những dấu hiệu đó, cho nên cần phải ngăn chặn, để người lao động có được việc làm, ổn định xã hội.

Muốn vậy thì phải xây dựng niềm tin, để cộng đồng doanh nghiệp có đủ nguồn lực sản xuất kinh doanh, người dân yên tâm tham gia các kênh đầu tư trên thị trường.

Bất động sản đóng băng, vốn liếng chôn hết vào ngân hàng hay vàng, doanh nghiệp không phát triển được vì thiếu nguồn tài chính, thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế đất nước.



https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/xay-dung-niem-tin-thi-truong-de-phat-trien-kinh-te-1116989.ldo

Theo LÊ THANH PHONG (LĐO)

Có thể bạn quan tâm