(GLO)- Sau hơn 1 năm triển khai xây dựng, đề án “Xây dựng thành phố Pleiku theo hướng đô thị thông minh giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2030” đã hoàn thiện và đang được UBND tỉnh Gia Lai xem xét phê duyệt. Phóng viên Báo Gia Lai Điện tử đã có cuộc trao đổi với ông ĐẶNG QUANG KHANH-Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông xung quanh vấn đề này.
* P.V: Xin ông cho biết khái quát về quá trình xây dựng đề án đô thị thông minh (ĐTTM)?
- Ông ĐẶNG QUANG KHANH: Năm 2018, được sự đồng ý của UBND tỉnh về xây dựng đề án “Xây dựng thành phố Pleiku theo hướng ĐTTM”, Sở Thông tin và Truyền thông đã làm việc với 3 đơn vị: Tập đoàn Bưu chính-Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel), Liên danh SPR-IQCT giữa Công ty cổ phần SPR Việt Nam và Công ty TNHH Quốc tế IQCT (Hà Nội) nhận tư vấn miễn phí xây dựng đề án. Các đơn vị này đều đã có kinh nghiệm tư vấn lập dự án cho các tỉnh, thành phố khác.
Sau khi các đơn vị tư vấn hoàn thiện đề cương đề án, Sở đã phối hợp với UBND TP. Pleiku làm việc với các sở, ngành, đơn vị liên quan để lấy ý kiến đối với các đề cương đề án do các đơn vị tư vấn đã lập. Sau đó, chúng tôi thống nhất thành lập tổ tư vấn để tổng hợp, rà soát, hoàn thiện một số nội dung của đề án theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án phát triển ĐTTM bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030.
Các đại biểu tham quan mô hình ứng dụng công nghệ thông tin tại Hội thảo “Giải pháp về xây dựng đô thị thông minh” được tổ chức năm 2018. Ảnh: Ngọc Sang |
Trong quá trình xây dựng, tổ tư vấn đã nhiều lần lấy ý kiến góp ý của các sở, ngành, đơn vị có liên quan và liên tục hoàn thiện các nội dung đề án. Tổ tư vấn cũng đã tham khảo nhiều đề án về xây dựng ĐTTM của các tỉnh, thành phố như: Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, Quảng Ninh, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh... để lựa chọn, học tập kinh nghiệm và triển khai phù hợp với hiện trạng và yêu cầu phát triển của TP. Pleiku. Dự thảo đề án cũng được gửi lấy ý kiến của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Xây dựng để đảm bảo đề án được xây dựng đúng các định hướng, mục tiêu phát triển ĐTTM bền vững.
Ngoài ra, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức hội thảo “Giải pháp về xây dựng ĐTTM” để các chuyên gia tư vấn, giới thiệu các mô hình, giải pháp ĐTTM. Điểm thuận lợi cho việc triển khai xây dựng đề án là Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã ban hành khung tham chiếu ICT phát triển ĐTTM (phiên bản 1.0) tại Quyết định số 892/QĐ-BTTTT ngày 31-5-2019 và công bố bộ chỉ số ĐTTM Việt Nam giai đoạn đến năm 2025 (phiên bản 1.0) theo Công văn số 3098/BTTTT-KHCN ngày 13-9-2019. Khung tham chiếu và bộ chỉ số này sẽ giúp các đô thị đảm bảo theo đúng định hướng, các nguyên tắc trong xây dựng ĐTTM; xác định được điểm xuất phát, nhiệm vụ cần triển khai và đích đến trong từng giai đoạn. Sở Thông tin và Truyền thông cũng đã tổ chức rà soát các nhiệm vụ của đề án theo bộ chỉ số này, tất cả các nhiệm vụ đều đúng theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông. Hiện nay, đề án đã hoàn thiện, được thông qua tại Hội đồng thẩm định đề án do UBND tỉnh thành lập và đang trình cấp thẩm quyền xem xét phê duyệt.
* P.V: Với vai trò chủ đạo trong xây dựng đề án, theo ông, nền tảng xây dựng ĐTTM cần tập trung vào những yếu tố nào?
- Ông ĐẶNG QUANG KHANH: Hiện nay, trên thế giới có rất nhiều cách hiểu khác nhau về ĐTTM. Qua nhiều hội thảo quốc tế trong và ngoài nước, các chuyên gia chỉ ra rằng: một thành phố chỉ thực sự thông minh khi hội tụ 3 yếu tố: hạ tầng hiệu quả, phát triển bền vững, môi trường sống thân thiện và dựa trên 6 lĩnh vực cốt lõi: nền kinh tế thông minh, di chuyển thông minh, công dân thông minh, môi trường thông minh, quản lý điều hành thông minh và cuộc sống thông minh. Nói chung, ĐTTM là nơi mà công nghệ thông tin truyền thông và các giải pháp đồng bộ được ứng dụng vào mọi hoạt động của đô thị, đem lại hiệu quả trong quản lý nhà nước, phát triển kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục, y tế, giao thông, bảo vệ môi trường… nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống dân cư đô thị.
Xây dựng TP. Pleiku trở thành ĐTTM là nhằm mang lại sự tiện ích, an toàn, môi trường sống thân thiện cho người dân... Trong đó, hệ thống chính quyền là yếu tố tác động mạnh mẽ tới mọi mặt đời sống của xã hội, đóng vai trò quan trọng việc chuyển dịch từ mô hình đô thị truyền thống sang ĐTTM. Với cách tiếp cận này, xây dựng TP. Pleiku theo hướng ĐTTM có thể bắt đầu với mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử làm nền tảng. Nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng phục vụ của chính quyền trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp khi giao tiếp với cơ quan chính quyền, đồng thời có thể tham gia hỗ trợ, giám sát hoạt động quản lý điều hành của chính quyền thành phố.
Một góc TP. Pleiku. Ảnh: ĐỨC THỤY |
Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông cũng thực hiện theo lộ trình cụ thể, phù hợp với khung tham chiếu ICT trong ĐTTM và khung kiến trúc chính quyền điện tử của tỉnh đã được xây dựng. Trong đó, các ứng dụng công nghệ cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, như dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI), internet kết nối vạn vật (IoT)... sẽ là những công nghệ nền tảng được ứng dụng trong xây dựng TP. Pleiku theo hướng ĐTTM.
* P.V: Ông có thể cho biết về kỳ vọng của đề án này?
- Ông ĐẶNG QUANG KHANH: Qua đánh giá trên nhiều phương diện, từ xu hướng chung trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; hiện trạng và các yêu cầu xây dựng và phát triển của thành phố, có thể nói xây dựng TP. Pleiku theo hướng ĐTTM là một xu thế tất yếu, trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia đã và đang hình thành. Tuy nhiên, xây dựng ĐTTM là một quá trình phức tạp, dài hạn đòi hỏi sự tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều thành phần xã hội, sử dụng nhiều nguồn lực và đòi hỏi sự đồng lòng, quyết tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân thành phố.
Ở mỗi giai đoạn lại có những yêu cầu, nhiệm vụ khác nhau. Trong giai đoạn hiện nay, sau khi xác định định hướng tổng thể, đề án đã đề xuất lộ trình giai đoạn 2019-2025, định hướng 2030. Trong đó đề xuất ưu tiên triển khai các nhiệm vụ phát triển chính quyền điện tử, quản lý đô thị, an ninh trật tự, du lịch, môi trường, y tế, giáo dục… với các giải pháp công nghệ và phi công nghệ được đề xuất để bổ trợ cho nhau, đảm bảo cho quá trình triển khai thực hiện. Các giải pháp về công nghệ và phi công nghệ này sẽ hỗ trợ cho tỉnh tập trung sử dụng tốt hơn các nguồn lực, cho phép triển khai các giải pháp mang tính tổng thể-liên ngành, tiến xa hơn là các khả năng dự báo, phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo... giúp giải quyết hiệu quả các vấn đề vướng mắc, tồn tại của quá trình phát triển đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, hình thành nên một mô hình đô thị phát triển bền vững, hiện đại trong tương lai.
* P.V: Xin cảm ơn ông!
NGỌC SANG (thực hiện)