Thay vì hái xô hạt cà phê đang vào vụ thu hoạch một lượt thì người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã thu hái có chọn lọc những quả chín đỏ. Việc này nhằm nâng cao chất lượng, giá trị, xây dựng thương hiệu bền vững cho ngành cà phê Đắk Nông.
Người nông dân và doanh nghiệp ở Đắk Nông đã chú trọng đến việc sản xuất cà phê chất lượng cao để xây dựng thương hiệu. Ảnh: Phan Tuấn |
Cà phê là một trong những cây trồng chủ lực của Đắk Nông và đang bước vào giai đoạn thu hoạch. Thời gian thu hoạch cà phê chủ yếu tập trung vào tháng 11-12, một số vùng có thể kéo dài đến tháng 1.2023.
Thu hoạch là một trong những khâu rất quan trọng để cải thiện chất lượng của ly cà phê mà người tiêu dùng đang thưởng thức mỗi ngày. Do đó, để có được chất lượng tốt thì người trồng phải thu hái những quả có đủ độ chín.
Theo ông Lê Văn Hoàng - Giám đốc Công ty cà phê Bazan ở thành phố Gia Nghĩa, cà phê cũng như bất kỳ loại trái cây nào, khi chúng ta ăn chín thì thường có cảm giác thơm, ngon, ngọt.
Quả cà phê chín thì lượng đường trong vỏ thịt của cà phê sẽ cao hơn. Điều này cũng tạo tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình sơ chế lên men, chế biến ly cà phê có vị trái cây.
Từ khi bén duyên với nghề, ông Lê Văn Hoàng đã liên kết hơn 50 hộ dân với diện tích khoảng 300ha để sản xuất cà phê chất lượng cao. "Việc này nhằm tìm hướng nâng tầm, từng bước khẳng định vi thế chất lượng cà phê Đắk Nông với bạn bè thế giới" - ông Hoàng khẳng định.
Hiện nay, người nông dân đã thay đổi tập quán sản xuất, thu hoạch. Đơn cử như ông Nguyễn Văn Mạnh (ở xã Trường Xuân, huyện Đắk Song) đang thu hoạch 2ha cà phê. Theo đó, ông Mạnh chú trọng việc thu hái đúng cách nhằm tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Cụ thể, ông Mạnh không thu hái cà phê xanh, non hoặc để chín quá làm khô rụng dẫn đến giảm chất lượng sản phẩm. Cà phê được gia đình ông Mạnh thu hoạch đúng độ, quả trên cành chín trên 90% trở lên.
Ngoài ra, ông Mạnh thu hái theo từng hàng, từng lô, dùng bạt sạch trải dưới tán cây để quả không bị dính đất, hái từ trên cao xuống thấp. Trong đó, ông thu hoạch cà phê theo hai đợt. Đợt 1, ông Mạnh hái những cây chín trước, đợt 2 khi trái cà phê chín hết sẽ thu hái toàn bộ vườn một đợt.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, tính đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 135.572ha cà phê, năng suất trung bình đạt 2,73 tấn/ha, sản lượng 332.620 tấn/năm. Năm 2021, sản lượng cà phê xuất khẩu đạt 102.000 tấn, trị giá 148,3 triệu USD.
Sản phẩm cà phê của Đắk Nông đã xuất khẩu đến 20 quốc gia trên thế giới. Các thị trường xuất khẩu chính gồm: Singapore, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Úc, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Italia… Trong đó, Singapore là thị trường nhập khẩu cà phê lớn nhất của Đắk Nông, chiếm trên 60% giá trị xuất khẩu cà phê của tỉnh.
Năm 2022, việc xuất khẩu cà phê của tỉnh Đắk Nông vẫn đang trên đà phát triển. Với ngành hàng này, ngành nông nghiệp thường xuyên tuyên truyền người dân, doanh nghiệp tập trung sản xuất cà phê theo chất lượng, bảo đảm các tiêu chuẩn khắt khe, thu hái quả chín... tạo ra các sản phẩm cà phê chất lượng cao.
"Hiện nay, người nông dân và doanh nghiệp đang chú trọng vào khâu sản xuất, chế biến nhằm mang lại giá trị lâu dài, nâng cao uy tín, vị thế, giá cả cho hạt cà phê Đắk Nông. Những việc này sẽ góp phần xây dựng thương hiệu, đưa hương vị cà phê Đắk Nông không ngừng vươn xa trên thị trường trong nước và quốc tế" - một lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định.
Theo Phan Tuấn (LĐO)