Kinh tế

Giá cả thị trường

Xây dựng thương hiệu: Yếu tố "sống còn" của nông sản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thương hiệu được coi là yếu tố "sống còn" của nông sản Việt Nam trong nền kinh tế hội nhập sâu rộng, bởi đó là nền tảng để xác định rõ nguồn gốc và duy trì, mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo dấu ấn trong tâm trí người tiêu dùng. 
Nông sản Việt khoác "áo ngoại"
Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), những năm qua, một số mặt hàng nông - lâm - thủy sản của Việt Nam có tỷ trọng về giá trị xuất khẩu và vị trí rất cao trên thế giới như: Hạt tiêu, điều, tôm, cá tra, cà phê, đồ gỗ nội thất, lúa gạo. Tuy nhiên, thứ hạng về giá xuất khẩu của các mặt hàng này lại rất thấp. Cụ thể, hạt tiêu xuất khẩu xếp thứ 1 thế giới nhưng giá xuất khẩu chỉ đứng thứ 8; hạt điều đứng thứ 1 thế giới, giá xuất khẩu đứng thứ 6; gạo, cà phê đứng trong nhóm thứ 2 và thứ 3 thế giới nhưng giá xuất khẩu chỉ đứng thứ 10...
 
Để tạo dựng thương hiệu, cần tổ chức liên kết sản xuất, bám sát các tiêu chuẩn, yêu cầu chất lượng
Sở dĩ có tình trạng này do nông sản đang được xuất khẩu chủ yếu dưới dạng sản phẩm thô, tỷ lệ sản phẩm có thương hiệu còn ít. Ước tính, hơn 80% lượng nông sản của nước ta chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác... Điều này là bất lợi lớn, làm giảm sức cạnh tranh của các loại nông sản trên thị trường, gây thiệt hại lớn cho ngành nông nghiệp.
Thậm chí, theo số liệu thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, trong hơn 90.000 thương hiệu hàng hóa được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam, mới có khoảng 15% là của các doanh nghiệp trong nước và hơn 80% hàng nông sản của nước ta được bán ra thị trường thế giới thông qua các thương hiệu nước ngoài. Do chưa có thương hiệu nên khi xuất khẩu ra các thị trường lớn, sức cạnh tranh của nhiều loại nông sản rất kém.
Cần chế biến sâu sản phẩm
Trước vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc nhận định, để tăng giá trị cho các sản phẩm nông sản Việt Nam và có chỗ đứng trên thị trường thế giới, việc xây dựng thương hiệu, nhất là chỉ dẫn địa lý ngày càng trở thành một vấn đề đặc biệt quan trọng. "Cục Sở hữu trí tuệ đang phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tìm cách đăng ký sở hữu trí tuệ ở một số thị trường cho một số sản phẩm quan trọng của bản địa. Đây là một việc vô cùng khó khăn, đặc biệt là những thị trường khó tính như Bắc Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản…" - Thứ trưởng Phạm Công Tạc nhấn mạnh.
Thực tế, Chính phủ, các bộ, ngành đang có những bước đi cụ thể trong việc xây dựng thương hiệu cho hàng hóa Việt Nam nói chung và nông sản nói riêng. Chẳng hạn, các chương trình phát triển thương hiệu của Chính phủ; hỗ trợ phát triển đặc sản địa phương của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016 - 2020.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang tập trung vào 5 mặt hàng có thế mạnh để đầu tư xây dựng thương hiệu trong giai đoạn từ nay tới năm 2020, gồm: Xoài, thanh long, chè, cà phê, cá tra. Đặc biệt, gần đây, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương đã ký kết Quy chế phối hợp về xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý.
Tuy nhiên, để triển khai xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản, nỗ lực các bộ, ngành, địa phương là chưa đủ, cần sự chung tay của các doanh nghiệp. Theo các chuyên gia kinh tế, muốn tạo dựng thương hiệu, doanh nghiệp cần chế biến sâu các sản phẩm. Bên cạnh đó, cần tổ chức liên kết sản xuất, bám sát các tiêu chuẩn, yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm của các thị trường xuất khẩu. Ngoài ra, cần giúp khách hàng nhận biết, phân biệt được sản phẩm của Việt Nam so với các nước khác; tăng cường công tác xúc tiến thương mại nhằm quảng bá hình ảnh nông sản Việt Nam ra trường quốc tế.

Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, để thúc đẩy xuất khẩu bền vững, nâng cao giá trị, uy tín của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới, cần tập trung đẩy mạnh xây dựng thương hiệu các sản phẩm nông sản xuất khẩu, trước mắt đối với các mặt hàng nông sản chủ lực.

Nga Nguyễn (Công Thương)

Có thể bạn quan tâm