Kinh tế

Nông nghiệp

Xây dựng vùng chuyên canh cây ăn quả theo chuỗi giá trị

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhiều nông dân trong tỉnh Gia Lai đang chuyển đổi diện tích canh tác kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả để nâng cao thu nhập. Nắm bắt tiềm năng phát triển, một số địa phương đã hướng dẫn người dân chuyển từ hình thức sản xuất tự phát sang chuyên canh tập trung theo chuỗi giá trị nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, phù hợp nhu cầu thị trường.

Thu nhập cao từ cây ăn quả

Gia đình ông Đặng Văn Kích là một trong những hộ tiên phong trồng cây ăn quả ở thôn Đại An 2 (xã Ia Khươl, huyện Chư Păh) khi quyết định chuyển đổi 8 ha cà phê kém hiệu quả sang trồng sầu riêng, mít Thái, bơ, chôm chôm. Ông Kích cho biết: “Trước đây, gia đình tôi trồng cà phê nhưng năng suất không cao, chi phí đầu tư quá nhiều. Năm 2014, tôi quyết định chặt bỏ bớt cà phê để trồng cây ăn quả. Hàng năm, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu về trên 400 triệu đồng từ 800 cây sầu riêng. Còn các loại cây trồng khác như: mít Thái, bơ, chôm chôm cũng cho thu hoạch khoảng 200 triệu đồng/năm. Tính ra, mỗi héc ta cây ăn quả cho thu nhập cao gấp 3 lần so với cây cà phê. Cuộc sống của gia đình tôi cũng theo đó được nâng lên rõ rệt”.

Nông dân Krông Pa chăm sóc vườn na. Ảnh: Hà Phương
Nông dân Krông Pa chăm sóc vườn na. Ảnh: Hà Phương


Cũng là hộ trồng cây ăn quả theo hướng xen canh, sau 10 năm xây dựng mô hình, gia đình chị Phạm Thị Phương (thôn 9, xã Yang Trung, huyện Kông Chro) đã có một cơ ngơi khiến nhiều người mơ ước. Với 3,7 ha nhãn và 2,5 ha na, ổi, dừa xiêm lùn, mỗi năm, gia đình chị thu về trên 500 triệu đồng. Nhờ đó, chị đã xây được nhà cửa khang trang, mua xe ô tô để đi lại và xe tải dùng vận chuyển nông sản. Ngoài ra, gia đình chị còn tạo việc làm cho 4 lao động địa phương vào vụ thu hoạch trái cây. Chị Phương chia sẻ: “Thổ nhưỡng, khí hậu chỉ quyết định 50% chất lượng trái cây, còn lại phụ thuộc vào kinh nghiệm trồng, chăm sóc. Mặc dù nhãn ở đây quả to, cơm dày, ngọt thanh, được thương lái thu mua tận vườn nhưng tôi vẫn trăn trở làm sao xây dựng được thương hiệu để nâng cao giá trị sản phẩm”.

Những năm qua, các địa phương trong tỉnh chú trọng xây dựng hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác để liên kết người dân tạo thành vùng chuyên canh cây ăn quả, cho ra thị trường những sản phẩm đảm bảo chất lượng. Điển hình như HTX Nông nghiệp hữu cơ Đại Ngàn (xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh) thu hút 62 thành viên tham gia sản xuất các loại cây ăn quả như: sầu riêng, mít Thái, na dai. Trong đó, sầu riêng là cây mũi nhọn được HTX đẩy mạnh mở rộng diện tích. Ông Nguyễn Viết Bình-Giám đốc HTX-cho hay: “Hợp tác xã chủ động liên kết với các hộ dân canh tác hơn 250 ha sầu riêng theo hướng VietGAP. Nhờ đó, sản phẩm sầu riêng của HTX đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP, nâng cao về giá trị. Hiện người dân thu nhập khoảng 400 triệu đồng/ha sầu riêng/năm. Mới đây, HTX đã làm hồ sơ, thủ tục đề nghị cơ quan chức năng cấp 6 mã số vùng trồng cho 177 ha sầu riêng. Ngoài ra, HTX cũng ký hợp đồng liên kết với Công ty cổ phần Nafoods Group để bao tiêu sản phẩm sầu riêng xuất khẩu”.

Quy hoạch vùng nguyên liệu theo chuỗi giá trị

Những năm qua, tại Gia Lai, một số cây ăn quả có giá trị hàng hóa lớn như: chuối, chanh dây, sầu riêng, bơ, mít... phát triển mạnh về quy mô diện tích, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 6.285 ha chuối (tăng 4.259 ha so với năm 2018), 4.263 ha chanh dây (tăng 2.246 ha), khoảng 4.192 ha sầu riêng (tăng 3.023 ha)... Theo đánh giá, bình quân 1 ha cây ăn quả cho thu nhập 200-300 triệu đồng/năm. Không ít nhà nông đã xây dựng những mô hình trồng cây ăn quả cho thu nhập lên đến cả tỷ đồng/ha/năm. Cùng với việc mở rộng diện tích trồng cây ăn quả, kim ngạch xuất khẩu trái cây của tỉnh tăng dần qua từng năm. Nếu như năm 2019, xuất khẩu trái cây đạt 3.507 tấn với kim ngạch hơn 4,7 triệu USD thì 9 tháng năm 2022, xuất khẩu trái cây đạt trên 52.250 tấn với kim ngạch hơn 78,8 triệu USD.

Mô hình trồng nhãn của nông dân huyện Kông Chro đem lại thu nhập cao. Ảnh: Ngọc Sang
Mô hình trồng nhãn của nông dân huyện Kông Chro đem lại thu nhập cao. Ảnh: Ngọc Sang

Toàn tỉnh hiện có hơn 29.016 ha cây ăn quả với sản lượng 417 tấn/năm. Hơn 19.565 ha cây ăn quả sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP), trong đó, gần 9.186 ha được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP (hơn 8.527 ha của doanh nghiệp, hơn 617 ha của các HTX và trên 40 ha của người dân).

Xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế là một trong những định hướng của ngành nông nghiệp tỉnh. Vì vậy, thời gian qua, tỉnh tích cực hỗ trợ các địa phương rà soát, đẩy mạnh chuyển đổi diện tích canh tác kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Trên cơ sở đó, các địa phương định hướng doanh nghiệp, người dân tổ chức sản xuất theo hướng chuyên canh, quy mô lớn liên kết chuỗi giá trị bền vững. Đặc biệt, các địa phương chú trọng phân tích các yếu tố thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn nước, nhu cầu thị trường, khả năng thực hiện của người dân trong đầu tư trồng cây ăn quả.

Huyện Chư Pưh là một trong những địa phương quan tâm định hướng người dân chuyển đổi và ổn định vùng chuyên canh cây ăn quả trên diện tích hồ tiêu bị chết. Ông Nguyễn Long Khánh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: Thời gian qua, địa phương đã triển khai điều tra, đánh giá đất đai để làm cơ sở xây dựng vùng chuyên canh tập trung, hướng dẫn người dân chuyển đổi hơn 600 ha hồ tiêu chết sang trồng cây ăn quả. Đồng thời, huyện xác định rõ từng vùng đất phù hợp với nhóm cây trồng nào để định hướng người dân sản xuất tập trung theo hướng liên kết, đảm bảo chuỗi tiêu chuẩn, chất lượng. Nhờ đó, trên địa bàn huyện đã có 2 sản phẩm trái cây là sầu riêng và na Thái đạt tiêu chuẩn OCOP.

Trao đổi với P.V, ông Trần Xuân Khải-Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật-cho biết: “Thời gian tới, tỉnh đẩy mạnh thu hút các nguồn lực để phục vụ sản xuất, bảo quản, chế biến sản phẩm trái cây để nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường. Đồng thời, phối hợp, hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển sản xuất cây ăn quả theo hướng tập trung, bền vững. Cùng với đó, từng bước thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất cây ăn quả dựa trên nền tảng cơ sở dữ liệu về đất đai, cây trồng, môi trường. Đây là công cụ mấu chốt để phát triển bền vững và toàn diện cây ăn quả của tỉnh theo chuỗi giá trị”.

 

NGỌC SANG - HÀ PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm