(GLO)- Tình trạng xe tải, xe công nông chở người khi tham gia giao thông diễn ra khá phổ biến trên các tuyến đường nông thôn trong tỉnh. Hành vi này không chỉ vi phạm Luật Giao thông đường bộ mà còn tiềm ẩn những hiểm họa khôn lường.
Vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng khiến 6 người chết, 3 người bị thương xảy ra trên tuyến đường liên xã Hà Đông-Đak Sơ Mei (huyện Đak Đoa) ngày 9-2 vừa qua một lần nữa cảnh báo nguy cơ mất an toàn từ hành vi chở người trên phương tiện không chuyên dùng. Theo thiết kế và kiểm định an toàn kỹ thuật phương tiện, cơ quan đăng kiểm chỉ cho phép xe ô tô tải BKS 81C-111.25 chở tối đa 2 người. Tuy nhiên, chiếc xe đã chở đến 9 người (kể cả tài xế) cùng ngồi trên buồng lái. Đây cũng là yếu tố khiến hậu quả của vụ tai nạn giao thông thêm thảm khốc.
Lâu nay, tình trạng xe tải, xe công nông chở nhiều người trên buồng lái, trên thùng xe vốn được thiết kế chuyên dùng để chứa hàng hóa lưu thông trên các tuyến đường của tỉnh diễn ra khá phổ biến. Khoảng 11 giờ 30 phút ngày 12-2, P.V bắt gặp 3 chiếc xe công nông di chuyển nối đuôi nhau trên quốc lộ 14. Đây là tuyến đường mà loại phương tiện này không được phép lưu thông. Đáng chú ý, 1 trong số 3 chiếc xe này có chở trên thùng xe 5 người. Chiếc xe xuất phát từ một con hẻm thuộc làng Hăng Ring (thị trấn Chư Sê) và di chuyển nhanh. Sau đó, phát hiện có người ghi hình, người điều khiển xe công nông đã rẽ vào một con hẻm khác gần đó để tránh. Hoặc nhiều lúc, dọc các tuyến đường, P.V vẫn bắt gặp những chiếc xe công nông chất đầy bao cà phê, lúa, mì… trên thùng và người ngồi chênh vênh trên các bao nông sản này.
Xe công nông lưu thông trên quốc lộ 14-đoạn qua thị trấn Chư Sê (ảnh chụp lúc 11 giờ 30 phút ngày 12-2). Ảnh: Hải Lê |
Ông Phan Hữu Hiếu-Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh-thông tin: Hành vi chở người trên thùng ô tô tải, chở người trên buồng lái quá con số quy định hay sử dụng xe công nông chở người là vi phạm quy định của pháp luật. Xe ô tô tải được thiết kế nhằm vận tải hàng hóa, bởi vậy, yếu tố an toàn kỹ thuật không đảm bảo cho việc vận chuyển con người. Khi xảy ra tình huống bất ngờ, sức khỏe và tính mạng người ngồi trên xe tải sẽ có nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Riêng với xe máy kéo nhỏ và xe máy kéo phục vụ sản xuất nông-lâm nghiệp, UBND tỉnh đã quy định loại phương tiện này chỉ được lưu thông trên các tuyến đường nông thôn; không được lưu thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường nội thị để đảm bảo An toàn giao thông. Đặc biệt, các loại xe này không được phép chở người ngồi trên thùng.
Thực tế những năm qua, trên địa bàn tỉnh đã từng xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến hành vi chở người sai quy định của xe tải, xe công nông. Điển hình như vụ tai nạn giao thông xảy ra vào tháng 7-2018 giữa xe tải và xe máy cày kéo theo rơ moóc trên đường Trường Sơn Đông (đoạn qua xã An Trung, huyện Kông Chro) làm 22 người ngồi rơ moóc thương vong. Trước đó, cuối tháng 11-2015, một vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng khác xảy ra khi xe tải chở gỗ tông vào xe công nông trên quốc lộ 14 (đoạn qua xã Ia Khươl, huyện Chư Păh) làm 14 người ngồi trên xe công nông thương vong.
Cũng theo Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có quy định: Hành vi chở người trên buồng lái quá số lượng quy định sẽ bị phạt vi phạm hành chính từ 400 ngàn đồng đến 600 ngàn đồng đối với người điều khiển phương tiện. Người điều khiển xe ô tô tải, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô chở người trên thùng xe trái quy định; để người nằm, ngồi trên mui xe, đu bám bên ngoài xe khi xe đang chạy sẽ bị phạt tiền từ 800 ngàn đồng đến 1 triệu đồng. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng.
HẢI LÊ