Sau khi các trường công bố danh sách trúng tuyển, nhiều thí sinh ngỡ ngàng khi không thấy tên mình dù đã nhận được thông báo trúng tuyển sớm của các trường đại học.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+) |
Ngay sau khi các trường công bố điểm chuẩn, nhiều thí sinh ngỡ ngàng khi đủ điều kiện đỗ nhưng không có tên trong danh sách trúng tuyển do sai sót trong quá trình đăng ký xét tuyển lên hệ thống phần mềm tuyển sinh chung.
Đỗ thành trượt
Năm 2022 là năm đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai hệ thống lọc ảo, áp dụng cho tất cả các nguyện vọng xét tuyển theo các phương thức khác nhau của tất cả các trường thay vì chỉ áp dụng cho phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông như mọi năm.
Theo đó, các thí sinh dù đã trúng tuyển sớm vào các trường theo các phương thức khác nhau vẫn phải thực hiện đăng ký đầy đủ trường, ngành học, phương thức xét tuyển được quy định bằng các mã riêng lên hệ thống. Mỗi trường có nhiều ngành, mỗi ngành có nhiều phương thức xét tuyển, mỗi phương thức lại có các tổ hợp môn và được quy định thành các mã khác nhau nên không ít trường hợp thí sinh sai sót nhầm mã khi đăng ký.
Dù đã trúng tuyển nguyện vọng hai bằng phương thức xét tuyển sớm vào trường đại học Sư phạm Hà Nội nhưng em Nguyễn Thị Minh Hòa (Bắc Ninh) lại không có tên trong trong danh sách trúng tuyển của trường. Lo lắng nên Hòa đã phải lên tận trường để nhờ trợ giúp. Hòa cho hay em đăng ký sai mã tổ hợp và mã ngành nên không được báo đỗ trúng tuyển. Hòa đã được nhà trường hướng dẫn làm đơn chỉnh sửa.
Cũng đến trường Đại học Sư phạm Hà Nội để nhờ hỗ trợ vì tưởng đỗ nhưng lại trượt, thí sinh Nguyễn Minh Phượng (Bắc Ninh) cũng bị nhầm lẫn trong quá trình đăng ký nguyện vọng. Phượng cho biết em và gia đình đã rất vui sướng khi nhận được thông báo trúng tuyển sớm của trường. Tuy nhiên, khi trường công bố danh sách trúng tuyển lên hệ thống thì Phượng lại phát hiện không có tên mình.
“Em đã rất lo lắng nên đến trường, vào phòng đào tạo gặp các thầy cô trong ban tuyển sinh và được hướng dẫn làm đơn để xét bổ sung. Vì thế, em đã yên tâm hơn,” Phượng chia sẻ.
Nhiều thí sinh đã nhận được thông báo trúng tuyển sớm nhưng lại không có tên trong danh sách đỗ. (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+) |
Trên trang Facebook của Bộ Giáo dục và Đào tạo, rất nhiều thí sinh cũng phản ánh sự bối rối, lo lắng về kết quả tuyển sinh khi có thí sinh không hiển thị kết quả xét tuyển, có thí sinh dư điểm đỗ nhưng vẫn trượt.
Trường căng mình hỗ trợ thí sinh
Lo lắng với kết quả bất thường của mình, các thí sinh đã “cầu cứu” Bộ Giáo dục và Đào tạo và các nhà trường. Vì thế, hệ thống hỗ trợ tuyển sinh của các trường cũng phải căng mình làm việc.
Cô Bùi Thị Hoàng Giang, Phòng Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết trường nhận được rất nhiều ý kiến của thí sinh về xét tuyển, đủ điểm đỗ nhưng không trúng tuyển do có sai sót như đăng ký sai phương thức xét tuyển nên không trúng tuyển. Các trường hợp này, trường đều nhận đơn và hướng dẫn để giải quyết thỏa đáng.
Tương tự, tại trường Đại học Giao thông Vận tải, đường dây nóng với 4 số hotline hỗ trợ thí sinh 24/7 trong suốt quá trình xét tuyển luôn trong tình trạng quá tải. Hàng trăm trường hợp có sai sót nhầm lẫn về mã ngành, mã tổ hợp của thí sinh đang được trường hỗ trợ chỉnh sửa để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.
Bà Nguyễn Thị Hòa, Trưởng phòng Khảo thí đảm bảo chất lượng, Trường Đại học Giao thông Vận tải cho hay từ khi có kết quả trúng tuyển, trường tập trung giải quyết các nhầm lẫn của thí sinh trong việc đăng ký trên hệ thống của Bộ về tổ hợp và phương thức xét tuyển. Trường hỗ trợ thí sinh trong phạm vi quy định để trả lại đúng nguyện vọng và mong muốn của thí sinh.
Để đảm bảo tối đa quyền lợi của thí sinh nên vẫn cho các em có sai sót được tham gia xét tuyển là giải pháp tình thế mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra hiện nay. Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, bộ đề nghị các trường chủ động xem xét hỗ trợ các trường hợp thí sinh có lý do chính đáng, không để em nào vì lý do nào đó rất đơn giản mà lại mất cơ hội. Các trường hợp không thể giải quyết được thì thí sinh cũng phải có trách nhiệm với những sai sót của mình. Ông Sơn cũng cho rằng thí sinh vẫn còn nhiều cơ hội vì hiện đã có nhiều trường công bố xét tuyển bổ sung.
Theo Hà An (Vietnam+)