Kinh tế

Giá cả thị trường

Xóa dần độc quyền ngành điện

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Một phương án mang tính đột phá đối với ngành điện là bán toàn bộ nhà máy sau khi đi vào hoạt động cho nhà đầu tư bên ngoài
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang gửi các bộ, ngành lấy ý kiến dự thảo Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, dự thảo đặc biệt lưu tâm đến việc bảo đảm tình hình tài chính của EVN lành mạnh, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư tại EVN và vốn đầu tư của EVN tại các doanh nghiệp (DN) khác.
Rộng cửa cho tư nhân
Nhấn mạnh định hướng phát triển phải bảo đảm cho EVN đủ khả năng thu xếp vốn cho nhu cầu đầu tư nguồn và lưới điện theo kế hoạch, bản dự thảo do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN trình đã nêu một "lối ra" là cần giữ tỉ lệ sở hữu phù hợp của công ty mẹ tại các khối phát điện, kinh doanh bán lẻ điện để có cơ sở tái cấu trúc khoản đầu tư tài chính, bổ sung vốn tự có đầu tư nhà máy mới.
Để làm được, đề án nêu giải pháp từng bước thoái vốn tại những công ty cổ phần phát điện đã hoạt động ổn định, không bắt buộc phải nắm cổ phần chi phối để huy động vốn trả nợ vay hoặc cho các dự án đầu tư mới. Đặc biệt, nghiên cứu phương án bán các nhà máy điện sau khi đã đi vào hoạt động cho các nhà đầu tư bên ngoài để huy động vốn cho dự án mới, bảo đảm phù hợp với kế hoạch giảm nợ công của Chính phủ...
 
Chuyên gia cho rằng trước mắt khâu truyền tải điện vẫn phải giữ độc quyền nhà nước .Ảnh: TẤN THẠNH
Ngoài ra, ngành điện cần tiếp tục cổ phần hóa các DN trực thuộc trong danh mục nhà nước không cần giữ 100% vốn. Tập trung vốn đầu tư vào các công ty sản xuất, truyền tải, phân phối điện và dịch vụ phụ trợ có hiệu quả kinh tế cao; thoái vốn tại các DN yếu kém, thua lỗ.
Theo chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long, Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị ban hành hồi đầu năm đã nêu nhiều đột phá trong phát triển năng lượng quốc gia. Trong đó, điểm nhấn đáng lưu ý là khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng. Chiến lược phát triển EVN được xây dựng trên cơ sở Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị là rất phù hợp với định hướng xóa bỏ độc quyền, từng bước tư nhân hóa ngành năng lượng quan trọng này.
Bản dự thảo tuy mới chỉ nêu định hướng ban đầu và chưa có lộ trình thực hiện cụ thể nhưng theo các chuyên gia trong ngành, định hướng này là đúng đắn trong bối cảnh nhà nước đang gánh áp lực nợ công lớn, chi tiêu cần thắt chặt. Mặt khác, chiến lược này cũng phù hợp với điều hành chung của nhà nước với ngành điện từ nhiều năm nay, như không bảo lãnh tín dụng tràn lan mà chỉ bảo lãnh cho EVN đầu tư vào dự án truyền tải điện, tư nhân hóa ngành điện thông qua triển khai các giai đoạn của thị trường phát điện cạnh tranh…
Từ lý thuyết đến thực hiện...
Dù tư nhân đã tham gia ngành điện với tư cách là nhà đầu tư của không ít dự án điện nhưng đây là lần đầu tiên đề xuất bán "đứt" một số dự án điện của nhà nước cho nhà đầu tư nước ngoài được nêu ra. Bởi vậy, dù rất hào hứng khi tiếp cận bản dự thảo nhưng không ít chuyên gia vẫn lo ngại và đề nghị có lộ trình, bước đi thật chắc chắn, bảo đảm quy định pháp luật.
PGS-TS Ngô Trí Long cho rằng câu chuyện bán cổ phần hoặc bán toàn bộ dự án của nhà nước đã đầu tư hoàn thiện sẽ rất phức tạp trong việc định giá. "Định giá ra sao để nhà nước không mất vốn, nhà đầu tư chấp nhận được là vấn đề lớn. Cần có đơn vị chuyên nghiệp hỗ trợ nhà nước trong việc định giá để bảo đảm đúng nguyên tắc thị trường. Bên cạnh đó, bán dự án nhưng không tư nhân hóa đồng bộ các khâu vận hành cũng sẽ khiến nhà đầu tư chưa mặn mà" - ông Ngô Trí Long góp ý.
Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam Trần Đình Long lưu ý về những bài học lớn xung quanh việc bán dự án, bán DN của nhà nước. Dẫn chứng các vụ vi phạm trong bán cổ phần nhà nước như cảng cá Quy Nhơn, đại án MobiFone, ông Long cho rằng hiện vẫn còn kẽ hở cho việc đấu giá tài sản nhà nước. "Một phần do quan niệm "tiền chùa" nên một bộ phận cán bộ thiếu trách nhiệm, có những cách cư xử không đúng trong làm việc, thẩm định dự án; một phần do lợi ích nhóm hoặc các lý do khác dẫn đến tài sản nhà nước bị định giá không đúng, gây thất thoát. Nhà nước mở đường cho tư nhân thâm nhập sâu hơn vào ngành điện là xu thế không thể tránh bởi bài toán nợ công cần có giải pháp tháo gỡ và ngành điện đang cần nguồn lực đầu tư lớn. Tuy nhiên, khi thực hiện cần đưa ra lộ trình phù hợp, kiểm soát nghiêm ngặt và đấu thầu công khai để tránh hậu quả đáng tiếc" - ông Long nói.
Một chuyên gia trong ngành điện đề nghị việc cổ phần hóa cần được xem xét cụ thể ở từng dự án, thay vì thực hiện ồ ạt theo chiến lược chung. Bởi một dự án do nhà nước đã đầu tư hoàn thiện thường được đưa vào chiến lược, quy hoạch trước đó. Nếu bán đứt dự án sẽ mâu thuẫn với chiến lược hoặc mục tiêu xây dựng có thể dẫn tới vi phạm pháp luật. Ngoài ra, việc lựa chọn nhà đầu tư cũng cần hết sức cẩn trọng vì dự án điện rất quan trọng với nền kinh tế đất nước, cần chủ đầu tư đủ năng lực vận hành và duy trì. Nếu ngược lại, sẽ ảnh hưởng đến an ninh năng lượng nói riêng và nền kinh tế nói chung.

GS-TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển thuộc Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, đánh giá chủ trương nâng cao hiệu quả của DN nhà nước là cần thiết trong bối cảnh cần cải tổ các đơn vị làm ăn không hiệu quả hoặc rút vốn nhà nước ở những khu vực không cần thiết. Tuy vậy, ngành điện với đặc thù độc quyền tự nhiên và vai trò bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia nên khó có thể tư nhân hóa toàn bộ. “Với truyền tải điện, trước mắt có thể giữ độc quyền nhà nước. Lộ trình tư nhân hóa nên bắt đầu từ bán, thoái vốn các nhà máy phát điện hoặc những nhà máy không trọng yếu” - ông Đào nêu quan điểm.

Phương Nhung (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm