Điểm đến Gia Lai

"Xóm bánh tráng"ở Phố núi Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, tại khu vực tổ 3 (phường Phù Đổng, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) đã hình thành một “Xóm bánh tráng” với chừng 30 hộ. Họ đến từ làng bánh tráng Trường Cửu (thôn Trường Cửu, xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định).
Đất lành
Bà Nguyễn Thị Cúc (SN 1943, ở 90/79 Trường Chinh, phường Phù Đổng) cho biết: “Năm 1978, cùng với gia đình tôi còn có gia đình ông Bùi Xuân An, Nguyễn Văn Dật… là người cùng xóm, có quan hệ họ hàng, rời quê tìm đất mới lập nghiệp. Ban đầu, chúng tôi xác định, nghề nông làm ruộng rẫy là chính. Nhưng thấy điều kiện tự nhiên nơi đây nhiều nắng gió, đất rộng tiện việc phơi bánh, người Bình Định sinh sống ở Pleiku lại đông đúc nên chúng tôi rủ nhau đắp lò, gắn bó với nghề tráng bánh”.
Anh Bùi Văn Tám (81 Ngô Gia Khảm, phường Phù Đổng) chuyên tâm giữ nghề làm bánh tráng. Ảnh: Nguyễn Đình
Anh Bùi Văn Tám (81 Ngô Gia Khảm, phường Phù Đổng) chuyên tâm giữ nghề làm bánh tráng. Ảnh: Nguyễn Đình
Tiếng lành đồn xa, người trong họ tộc, hàng xóm ở thôn Trường Cửu rủ nhau lên vùng đất mới mưu sinh bằng nghề cũ. Sản phẩm không chỉ có bánh tráng gạo nguyên chất, bánh tráng gạo pha mè; còn có bánh tráng hủ tiếu nguyên liệu bột mì nhứt, bánh tráng nước dừa…
Ngày nắng, xóm dậy hương bánh tráng thơm nồng; trắng lốp vỉ phơi bánh nơi bãi trống; nhộn nhịp khách hàng vào ra mua bán. Định danh “Xóm bánh tráng” ra đời từ đấy.
Hiu quạnh xóm nghề
Tôi tìm đến “Xóm bánh tráng” theo lời chỉ dẫn của người bạn vốn là cư dân nơi này. Tranh thủ bắt chuyện với anh Bùi Văn Tám (SN 1972, ở 81 Ngô Gia Khảm, phường Phù Đổng) thì biết: Dù đem lại thu nhập ổn định, nhưng suốt ngày phải lui cui trong bếp hầm hập hơi nóng, ngoài trời nắng nên ít người còn gắn bó với nghề, nhất là lớp trẻ.
Những gia đình có điều kiện thì chuyển sang mua bán, kinh doanh. Như ông chủ cửa hàng vật liệu xây dựng Tồn Mân (249 Lê Duẩn) chẳng hạn, vốn là người của xóm, ổn định cuộc sống gia đình từ nghề tráng bánh nhưng đã chuyển sang kinh doanh ngành vật liệu xây dựng, mở rộng thêm nhiều cơ sở cho con cái.
Thêm nữa, hơn 5 năm trở lại đây, chỉ cần đầu tư 50 triệu đồng mua máy tráng bánh thì có thể nâng công suất gấp 10 lần. Riêng làng bánh tráng Trường Cửu, mỗi ngày làm ra số lượng bánh tráng “khủng” cung cấp cho thị trường. Hàng hóa lưu thông thuận tiện, đại lý phân phối bánh tráng ở Pleiku khá nhiều đã bóp nghẹt sản phẩm làm bằng thủ công.
Chị Nguyễn Thị Hồng Nhi-con gái bà Cúc-tâm sự: “Việc đầu tư máy tráng bánh không phải quá tầm của chúng tôi, mà nguồn nhân lực chuyển từ con số 2-3 người nếu tráng thủ công, sang 5-6 người nếu vận hành máy tráng thì lấy đâu ra”.
Giải pháp an toàn cho 3 hộ còn giữ nghề là tráng bánh gạo mè dày, dùng để nướng. Giữ chữ tín với nghề, khách hàng truyền thống, ngay cả ngày nắng, xóm chỉ tráng chừng hơn 1 tạ gạo.
Chia tay chị Nhi, tôi cứ vấn vương suy nghĩ: Với tâm lý an phận, truyền nhân cũng đã luống tuổi, liệu rằng mai này, định danh “Xóm bánh tráng” ở Phố núi có thuộc về quá vãng!
NGUYỄN ĐÌNH

Có thể bạn quan tâm