Điểm đến Gia Lai

Xóm Mười Hai Bếp

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Đó là tên gọi của cụm dân cư Bahnar nằm tách biệt trên một triền đồi thuộc thôn 5 (xã An Thành, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai). Trải qua hơn 30 năm tồn tại, xóm dân cư này chỉ hiện hữu 16 nóc nhà với vỏn vẹn 13 hộ. Và đằng sau cái tên ấy là câu chuyện vui buồn về hành trình rời làng đến định cư nơi vùng đất mới.

Rời làng tìm kế sinh nhai

Những ngày cuối năm, tiết trời trở lạnh và gió thông thốc thổi. Mặt trời cũng chơi trò trốn tìm sau những đám mây xám, thỉnh thoảng mới chiếu rọi vài tia nắng vàng vọt yếu ớt. Trên rẫy bắp bên triền đồi, ông Đinh Byin đang bẻ bắp thuê cho gia đình người em họ. Những cây bắp khô vàng, trụi lá, lởm chởm sau mấy trận mưa lớn khiến cho công việc của ông mất khá nhiều thời gian.

Xóm Mười Hai Bếp nằm tách biệt trên một triền đồi thuộc thôn 5 (xã An Thành, huyện Đak Pơ). Ảnh: Hồng Thi
Xóm Mười Hai Bếp nằm tách biệt trên một triền đồi thuộc thôn 5 (xã An Thành, huyện Đak Pơ). Ảnh: Hồng Thi


Anh Linh-công chức Văn hóa-Xã hội xã An Thành-cho biết: Gia đình ông Byin là 1 trong 6 hộ đầu tiên từ làng Kuk Kôn (xã An Thành) chuyển đến đây định cư vào những năm cuối của thế kỷ XX. Ngày đó vì làng thiếu đất sản xuất nên ông Byin mới nảy ra ý định chuyển về gần mảnh đất mà ông bà để lại cho mình tại vị trí bây giờ để phát triển sản xuất, tìm kế sinh nhai. Một cuộc họp bàn giữa các thành viên trong họ diễn ra ngay sau đó và ý tưởng của ông Byin nhanh chóng được tán thành. Vậy là 6 gia đình cùng nhau chuyển về nơi mới, dựng tạm lán trại để ở và làm ăn. Ban đầu, họ cũng chỉ gieo lúa rẫy, trỉa bắp nếp, sau này trồng thêm bắp lai, mía, mì và đậu đỗ các loại. Đến khoảng năm 2000, vùng đất này lại có thêm 6 gia đình khác tìm đến, đa phần di cư từ làng Kuk Kôn, một vài hộ từ làng Kuk (xã Tơ Tung, huyện Kbang). Cũng từ thời điểm đó, cái tên xóm “Mười Hai Bếp” đã ra đời và tồn tại dẫu số nóc nhà đã tăng lên.

Ông Byin nhắc nhớ: “Lúc bấy giờ, xóm đã đông người ở nên chúng tôi mới nghĩ đến việc cần có một tên gọi chung. Thành viên lớn tuổi, uy tín của các gia đình đã tham gia họp và cuối cùng thống nhất lấy tên “Mười Hai Bếp”. Cái tên này tuy đơn giản nhưng lại bao hàm cả 12 hộ trong xóm, bếp lửa tượng trưng cho sự ấm no”.

Ông Đinh Byin-một trong những hộ đầu tiên di cư đến vùng đất này, đang thu hoạch bắp cho gia đình người em họ. Ảnh: Hồng Thi
Ông Đinh Byin-một trong những hộ đầu tiên di cư đến vùng đất này, đang thu hoạch bắp cho gia đình người em họ. Ảnh: Hồng Thi


Gia đình chị Đinh Thị Kle là một trong số ít hộ dân ở làng Kuk (xã Tơ Tung) chọn vùng đất này làm nơi gắn bó. “Ngày ấy theo cha mẹ rời làng cũ, anh em chúng tôi ai cũng buồn nhưng không dám phản đối. Ở đây xung quanh chỉ là nương rẫy, không có đường sá, điện thắp sáng. Nước sinh hoạt phụ thuộc vào con suối Hra bên cạnh. Nhà ở cũng chỉ là chòi rẫy tạm bợ, căng dựng bằng bạt và cây rừng. Đất đai cằn cỗi, chúng tôi phải mất nhiều ngày để nhặt đá, cải tạo mới sản xuất được. Dù còn nhiều khó khổ nhưng cha mẹ tôi vẫn tin đây là một khởi đầu mới để xua đuổi đói nghèo đang đeo bám”-chị Kle chia sẻ.

Năm 2003, chị Kle phải lòng người con trai Đinh Dyum ở làng Piơng (xã A Dơk, huyện Đak Đoa) rồi bắt về làm chồng. Được cha mẹ cho vài sào đất, đôi vợ chồng trẻ cố gắng làm ăn, phát triển kinh tế. Bốn đứa con cũng lần lượt ra đời, trở thành thế hệ đầu tiên được sinh ra tại xóm mới, mang theo nhiều kỳ vọng của cha mẹ nói riêng và cả xóm nói chung về một tương lai tốt đẹp hơn.

Vực dậy xóm nghèo

“Ra riêng” với nhiều khó khăn nên 100% hộ dân của xóm Mười Hai Bếp xuất phát điểm đều là hộ nghèo. Năm 2003, khi huyện mới Đak Pơ được thành lập trên cơ sở tách ra từ huyện An Khê cũ, xóm Mười Hai Bếp được sáp nhập vào thôn 5 (xã An Thành, huyện Đak Pơ). Để tạo điều kiện cho bà con nơi đây ổn định cuộc sống, chính quyền địa phương đã dành nhiều sự quan tâm, hỗ trợ. Ông Byin cho hay: Mỗi hộ dân được Nhà nước cấp 1.500 m2 đất thổ cư để xây dựng nhà ở; hỗ trợ thêm 20 tấm tôn để lợp và dây kẽm gai để làm hàng rào xung quanh vườn nhà. Đường sá cũng được quy hoạch sạch đẹp hơn. Ngoài ra, cán bộ cũng tích cực tuyên truyền, hướng dẫn cho chúng tôi cách trồng trọt, chăn nuôi sao cho hiệu quả. Những hộ nghèo hơn thì được hỗ trợ xây dựng nhà ở và bò giống. Con cháu được vận động đến trường học chữ. Bà con phấn khởi lắm, tự bảo ban nhau cố gắng làm ăn để sớm thoát nghèo.

Điển hình trong số đó không ai khác chính là vợ chồng Dyum-Kle. Với nỗ lực sẵn có của bản thân và sự quan tâm kịp thời của Nhà nước, đời sống gia đình họ đã từng bước được cải thiện. Từ 1 con bò giống được hỗ trợ ban đầu, vợ chồng anh Dyum đã gầy dựng được đàn bò 4 con. Tiền bán bớt bò, anh đầu tư mua thêm đất, áp dụng phương thức sản xuất cuốn chiếu, lấy ngắn nuôi dài. Anh cũng không ngừng học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế của người Kinh trong thôn để áp dụng. Nhờ đó, năm 2015, gia đình anh đã thoát nghèo, xây dựng được căn nhà khang trang trị giá 70 triệu đồng và không ngừng vươn lên trở thành hộ khá trong xóm. Đến nay, vợ chồng anh có gần 5 ha đất trồng mía, mì, lúa, bắp, đậu cô ve lùn và bạch đàn; chăn nuôi thêm bò, gà... Trừ chi phí, mỗi năm, gia đình anh thu nhập 40-50 triệu đồng.

Nhiều con em của xóm 12 Bếp hiện đang theo học tại Trường Tiểu học và THCS Kim Đồng (xã An Thành, huyện Đak Pơ). Ảnh: Hồng Thi.
Nhiều con em của xóm 12 Bếp hiện đang theo học tại Trường Tiểu học và THCS Kim Đồng (xã An Thành, huyện Đak Pơ). Ảnh: Hồng Thi



“Cả 4 đứa con của tôi đều đến trường, con gái lớn Đinh Thị Dyon đang học lớp 11 tại Trường THCS và THPT Y Đôn, 3 đứa còn lại học lớp 8, lớp 5 và mẫu giáo. Mừng là tụi nó đều nghe lời cha mẹ nên chăm chỉ học hành, thậm chí còn được khen thưởng nữa”-chị Kle nói.

Ông Nguyễn Xuân Mai-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn 5-cho biết: Xóm Mười Hai Bếp hiện có 13 hộ đồng bào Bahnar với 68 khẩu. Tất cả bà con đều làm nông nghiệp, hộ ít đất thì đi làm thuê. Với sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, vừa qua, 3 hộ đã thoát nghèo. Một số gia đình như: Đinh Dyum, Đinh Góp, Đinh Dyưng đã có sự bứt phá vươn lên trở thành hộ khá. Cả xóm có gần 30 cháu trong độ tuổi đi học đều được đến trường. Tất cả các hộ theo đạo và đều sống “tốt đời-đẹp đạo”, chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bà con cũng chung tay đóng góp ngày công cùng với địa phương để làm đường giao thông, xây dựng nông thôn mới. Về phía thôn, hễ có nguồn hỗ trợ, đặc biệt là từ các Mạnh Thường Quân, chúng tôi đều ưu tiên cho họ để động viên tinh thần, phần nào giúp họ cải thiện đời sống.

Còn nhiều trăn trở

Trên hành trình di cư để thoát nghèo ấy, những người Bahnar ở xóm Mười Hai Bếp đã phải đánh đổi nhiều thứ. Ông Byin bộc bạch rằng, khi họ rời làng cũ là xem như đã tách biệt, không thể quay về sinh hoạt chung nữa. Họ không còn mái nhà rông vững chãi chở che, cũng dần xa những lễ hội truyền thống của dân tộc. Cuộc sống mưu sinh đã khiến khung dệt vải “ngủ quên” trên gác bếp, lâu rồi cũng chẳng có chiếc gùi mới nào được đan. Lũ trẻ trong xóm vì thế cũng không còn cơ hội để tìm hiểu và biết đến văn hóa truyền thống từ chính người thân của mình.

Đáng nói, cái đói, cái nghèo vẫn đeo bám dai dẳng một số nếp nhà, ước vọng thay đổi cuộc đời mang theo khi rời làng của họ sau nhiều năm vẫn chưa trọn vẹn. Anh Đinh Đét tâm sự: “Gia đình tôi cũng được Nhà nước quan tâm hỗ trợ bò giống và xây nhà ở nhưng vẫn chưa thể thoát nghèo. Tôi có 1 ha đất nhưng nằm ở triền đồi, bạc màu nên hầu như không thể trồng được gì. Vợ chồng chủ yếu đi làm thuê để nuôi 6 đứa con, làm ngày nào biết ngày đó chứ không dư dả được đồng nào”.

Ngoài khó khăn về đất sản xuất, bà con nơi đây còn đứng trước nguy cơ thiếu nước sinh hoạt. Theo anh Dyum, cả xóm chỉ có 1 giếng nước dùng chung do Nhà nước đầu tư xây dựng nhưng đã bị đổ sập do cơn bão số 9 vừa qua. Nguồn nước ở giếng khoan của nhà thờ cạnh đó thì bị nhiễm phèn không thể sử dụng. Vì vậy, người dân trong xóm phải đi xin nước ở nơi khác về dùng.

Ông Đỗ Huy Dũng-Bí thư Đảng ủy xã An Thành-thông tin: Toàn xã có 2 thôn và 3 làng đồng bào dân tộc thiểu số. Xóm Mười Hai Bếp lại thuộc thôn trung tâm nên không được thụ hưởng các chế độ chính sách dành cho làng đặc biệt khó khăn, trừ bảo hiểm y tế. Điều này buộc địa phương phải linh động từ nhiều nguồn để hỗ trợ cho bà con phát triển kinh tế. Cùng với đó, xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con cố gắng giữ đất sản xuất, không chuyển nhượng lại hoặc cho thuê để tránh mất đất; đồng thời vận động bà con tiết kiệm chi tiêu và thay đổi nếp nghĩ, cách làm để vươn lên làm giàu chính đáng. Về phần giếng nước bị thiệt hại do bão, xã đã đề nghị huyện hỗ trợ kinh phí đầu tư khoan 1 giếng nước cho xóm trong năm 2021.

 

*
*    *


Mặt trời khuất hẳn sau đỉnh núi. Anh Dyum lùa đàn bò ngược theo con dốc hướng về phía triền đồi. Nơi ấy, chị Kle đang cùng các con nhóm bếp chuẩn bị bữa tối. Khói lam chiều lởn vởn quện trên nóc của 16 căn nhà ở xóm nhỏ lưng chừng đồi. Mùi cơm mới phảng phất khiến lòng anh ấm lạ.

 HỒNG THI

Có thể bạn quan tâm