Phóng sự - Ký sự

Xóm nghề đồng hương tại TP.HCM: Xóm vé số 'xứ Nẫu' giữa trung tâm Q.1 phồn hoa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sâu hun hút trong con hẻm 214 Nguyễn Trãi (Q.1, TP.HCM) là những căn nhà lụp xụp xen lẫn giữa những ngôi nhà cao tầng. Đây là xóm trọ của gần 300 mảnh đời quê Phú Yên mưu sinh bằng nghề bán vé số.

Theo chân những người chú, người bà, người chị bán vé số dọc ngang phố xá, tôi mới thấm thía nỗi nhọc nhằn, vất vả và cả những hiểm nguy của họ trong cuộc hành trình mưu sinh.

Đến hẻm 214 Nguyễn Trãi vào một buổi chiều mưa ngày 8.10, ghé vào một căn nhà tối bưng, hầm hập và bí bách. Chúng tôi gặp nhiều người khuyết tật, người già… cùng chung sống ở đây. Hỏi ra mới biết, họ cùng quê Phú Yên, cùng bán vé số và cùng chung một giọng nói đặc trưng của người dân “xứ Nẫu”.

Xóm vé số "xứ Nẫu" ở Q.1
Xóm vé số "xứ Nẫu" ở Q.1

"Xóm vé số cứu cuộc đời tôi"

Thấy người lạ đến thăm, ông Ngô Như Thạch (61 tuổi, quê H.Tây Hòa, Phú Yên) mất một tay, một chân lê người nặng nhọc, thân thiện mời chúng tôi vào nhà. Chia sẻ về lịch sử hình thành xóm vé số, ông Thạch kể, gần 30 năm trước, ông Sáu Chỉnh là dân Phú Yên vào TP.HCM mở đại lý bán vé số lập nghiệp ở hẻm này. Thấy công việc làm ăn tốt nên về quê dẫn hàng xóm, người già và người khuyết tật vào lấy vé số bán.

Người này truyền tai người kia, người đi trước dẫn dắt người đi sau vào TP.HCM cùng chung sống, làm việc. Dần dần, số lượng ngày càng đông rồi hình thành xóm đồng hương Phú Yên giữa trung tâm Q.1 phồn hoa. Ông nói ngày xưa hẻm này rất nhiều đại lý bán vé số, nhưng hiện tại còn 4 đại lý.

Ông Thạch gắn bó với "xóm vé số" 21 năm
Ông Thạch gắn bó với "xóm vé số" 21 năm

Chỉ vào mỏm cụt chân và tay, ông Thạch nói ông gắn bó với nghề bán vé số từ năm 2004. Lúc trước ở quê ông làm thợ điện, bất hạnh giáng xuống đầu khi không may ông bị tai nạn nên phải cắt đi một chân và một tay. Ở nhà cả tháng trời, tưởng chừng cuộc đời đã đi vào ngõ cụt khi không biết làm gì để nuôi con.

Người cháu thấy vậy rủ ông Thạch vào TP.HCM bán vé số kiếm tiền, ông đi luôn. Còn vợ ông bán vé số ở Long An.

Ông Thạch nói, 21 năm sống ở xóm đồng hương Phú Yên, ông chứng kiến từng tốp người đến rồi đi, cũng có người gắn bó hơn chục năm. Ông thường đi bán vòng quanh Q.4, Q.1, Q.3 và Q.Tân Bình; bán từ 19 giờ đến 23 giờ, rồi 4 giờ sáng hôm sau bán tiếp đến khi nào hết mới về. Mỗi tờ vé số ông lãi 1.000 đồng, ngày nào bán chạy ông kiếm 300.000 đồng.

Phòng trọ của ông Thạch và gần 20 đồng hương đang ở được đại lý vé số thuê cho. Bước vào phòng, chúng tôi cảm nhận ngôi nhà nồng mùi ẩm thấp. Phòng rộng khoảng 25 m2 (1 trệt, 1 lầu) và chia ra nhiều ngăn, mỗi ngăn rộng chừng 4 m2 cho mỗi người. Nhà vệ sinh, nhà tắm dùng chung.

Ông Thạch soạn vé số để bắt đầu đi bán
Ông Thạch soạn vé số để bắt đầu đi bán

Trong ngăn phòng của ông Thạch, tường nhà loang lổ, áo quần treo ngổn ngang. Tâm sự với chúng tôi chừng 30 phút, ông Thạch tranh thủ sạc pin cho xe lăn điện, cẩn thận xếp vé số ngay ngắn, lấy dây thun buộc thành từng cọc.

Thấy trong túi ông Thạch còn có mớ thuốc Tây. Thấy lạ, chúng tôi hỏi ông có bệnh gì lại mang thuốc theo vậy? Ông trả lời: “Tôi lớn tuổi, nhiều bệnh lại hay bị cảm và đau nhức. Nên mang theo thuốc lỡ có vấn đề gì thì kịp thời xử lý".

Hỏi về chuyện con cái, ánh mắt ông Thạch ánh lên niềm vui. Ông tự hào khoe mình có 4 người con đều được học đại học, cao đẳng, riêng đứa út vừa mới tốt nghiệp ra trường. Nghe ông kể, tôi thấy mừng cho ông. Mừng vì những khổ cực của ông được đền đáp xứng đáng.

Mỗi tờ vé số, ông Thạch lãi được 1.000 đồng, ngày nào bán chạy thì ông kiếm được khoảng 300.000 đồng
Mỗi tờ vé số, ông Thạch lãi được 1.000 đồng, ngày nào bán chạy thì ông kiếm được khoảng 300.000 đồng

“Không có vé số này thì không cứu được gia đình tôi đâu, chắc chắn luôn. Ngày tôi bị tai nạn, con đầu mới học lớp 10, đứa nhỏ nhất mới học mẫu giáo, không biết làm gì để lo cho con”, ông Thạch trầm ngâm môt lúc rồi bật cười. Chúng tôi nghe trong tiếng cười ấy có những niềm đau. Bởi vậy, cực mấy ông cũng chịu, chỉ cần đời con cái được ăn học đàng hoàng, thành người.

Tâm sự đủ thứ chuyện, chúng tôi chưa nghe ông than vãn hay ước điều gì cho riêng mình. Tất cả chỉ vì con…

Ông Thạch vừa dứt lời, một người phụ nữ tuổi trung niên cầm vé số trên tay, chậm rãi chống gậy đi từng bước. Được biết, 18 giờ là thời gian chị đi bán vé số. Thấy vậy, ông Thạch sốt sắng kể: “Chị này cũng nuôi 2 đứa con học đại học cả đó. Xóm vé số này tuy nghèo, nhưng con cái đều được đi học đầy đủ".

Một căn nhà trọ của một đại lý vé số Phú Yên khác nằm trong hẻm 214 Nguyễn Trãi
Một căn nhà trọ của một đại lý vé số Phú Yên khác nằm trong hẻm 214 Nguyễn Trãi

Nương tựa nhau để sống

Ở chung phòng trọ với ông Thạch là ông Nguyễn Văn Nghĩa (70 tuổi). Ông Nghĩa đã gắn bó với nghề bán vé số gần 6 năm.

Vợ chồng ông có 4 người con và đều đã lập gia đình. Một phần vì không muốn làm gánh nặng cho con, một phần vì tình nghĩa đồng hương nên ông không muốn bỏ nghề. Ông Nghĩa kể, mỗi năm ông bán vé số khoảng 4 tháng rồi lại về quê nghỉ ngơi.

Ông Thạch và ông Nghĩa kể những câu chuyện đáng nhớ khi đi bán vé số
Ông Thạch và ông Nghĩa kể những câu chuyện đáng nhớ khi đi bán vé số

Ông Nghĩa nói, mọi người ở xóm vé số Phú Yên luôn yêu thương, đùm bọc nhau. Dù vui hay buồn, họ luôn sẵn lòng chia sẻ giúp đỡ và xem nhau như một gia đình. Những lúc đông đủ, họ ngồi chung uống trà, tâm sự. Chuyện gia đình, con cái, hôm nay bán vé số như nào… là được quan tâm hơn cả.

“Đi bán vé số, ai được khách “bo” tiền đều mua đồ ăn về cùng nhau nấu cho vui. Chúng tôi ở chung một nhà, người tàn tật thiếu cái tay, cái chân thì bù trừ hỗ trợ cho nhau, nương tựa nhau mà sống”, ông Nghĩa cười hiền.

Những ngày rảo bước cùng những người bán vé số, chúng tôi cảm nhận được cuộc mưu sinh của họ thật gian nan. Họ phải rong ruổi khắp phố phường, bất kể nắng mưa. Mỗi đồng tiền kiếm được đều thấm đẫm mồ hôi và nước mắt. Vậy mà, chỉ một phút sơ sẩy có thể rơi vào cảnh túng thiếu.

“Ở đây nhiều anh em bị lừa tiền, tráo vé số mất trắng vài triệu đồng. Nhịn ăn uống mấy ngày trời, bán từ 2 - 3 ngày mới đủ tiền trả nợ cho đại lý”, ông Nghĩa buồn rầu kể.

Căn nhà nhỏ với khoảng 20 người sinh sống cùng làm nghề bán vé số
Căn nhà nhỏ với khoảng 20 người sinh sống cùng làm nghề bán vé số

Chúng tôi hỏi: “Ở chung với nhau đông, lâu như vậy thì có hay xích mích nhau không?”. Ông Nghĩa nhìn ông Thạch cười như nắc nẻ: “Ai mà chẳng có xích mích, nhưng anh em giải quyết nhanh gọn lắm, không để bụng đâu, giận nhau không quá một ngày".

Để đề phòng chuyện trộm cắp ở xóm vé số, mọi người đưa ra quy định đặc biệt: “Quê mình vô đây người nào cũng thật thà, lo làm ăn. Ai mà gian dối thì cũng không ai muốn cho ở chung, sẽ bị đuổi ngay”, ông Nghĩa nói với giọng nghiêm nghị.

Chia sẻ về kỷ niệm nhớ nhất suốt hơn 20 năm sống ở xóm vé số. Ông Thạch cho hay đó là thời điểm dịch Covid-19, chỉ còn ông và 1 đồng hương ở lại TP.HCM. “Lúc đó tôi như đứng giữa lằn sinh tử. Phòng này còn 2 người thôi, người bạn đó cũng cụt tay, chân giống tôi và đều mắc Covid-19. Hai anh em cũng động viên nhau, phụ nhau nấu ăn, nương tựa nhau vượt qua thời gian khó khăn", ông Thạch nhớ lại.

Trời đổ bóng tối đậm đặc dần, những hàng mưa hối hả xiên ngang những ánh đèn màu bạc. Những người dân Phú Yên ở xóm vé số lại chia nhau tỏa ra các con đường với hy vọng hôm nay sẽ bán hết xấp vé số trên tay...

Theo Uyển Nhi - Du Yên (TNO)

Có thể bạn quan tâm