Nếu không có niềm tin, những phiên toà xét xử kín sẽ bị coi là bảo vệ cho bị cáo có quyền chức cao chứ không phải là bênh vực cho người yếu thế.
Yêu cầu đầu tiên của pháp luật và thực thi pháp luật là phải bình đẳng, giữa tất cả những công dân với nhau, không quan trọng địa vị và xuất thân.
Chính vì thế, nếu như cùng một quy định hoặc giữa các vụ việc giống nhau, mà nếu sự áp dụng pháp luật lại khác nhau, thì cộng đồng có quyền nghi ngờ về tính bình đẳng của hệ thống pháp luật.
Vụ việc TAND quận 4, TP.HCM thông báo sẽ tiến hành xét xử kín vụ án dâm ô với người dưới 16 tuổi mà ông Nguyễn Hữu Linh là bị cáo cũng là một dịp để cộng đồng đặt câu hỏi về sự bình đẳng đó.
“Xử kín” vốn dĩ là một biện pháp đã có từ lâu trong Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS). Theo đó, công chúng lẫn báo giới sẽ không được phép tiếp cận phiên xét xử; chỉ có những người tham gia và tiến hành tố tụng được quyền tham gia.
Ngoài ra, “xử kín” không có nghĩa là mọi thứ đều diễn ra phía sau cánh cửa đóng kín và không chịu sự giám sát của cộng đồng, truyền thông. BLTTHS quy định rất rõ rằng tất cả các vụ án xét xử kín thì đều phải tuyên án công khai.
“Xử kín” không có nghĩa là mọi thứ đều diễn ra phía sau cánh cửa đóng kín và không chịu sự giám sát của cộng đồng, truyền thông. |
Tất nhiên, ngay cả khi bản án được tuyên công khai thì cũng không phải là không có những bất lợi cho việc giám sát.
Trong các vụ án xét xử kín, toà chỉ được tuyên công khai phần quyết định, còn những phần khác của bản án như tóm tắt vụ án, và quan trọng nhất là phần lập luận của toà, thì sẽ không được phép tuyên công khai.
Điều này trên thực tế cũng khiến cho việc giám sát khó khăn hơn vì cộng đồng sẽ chỉ biết đến kết quả của vụ án chứ không nắm rõ được diễn biến, đặc biệt là những chứng cứ và lập luận của toà để đạt được kết quả đó.
Tuy nhiên, việc “xử kín” được đưa ra là nhằm phục vụ những mục đích rất rõ ràng. Theo BLTTHS Việt Nam, “xử kín” được tiến hành khi toà án xét thấy “cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự”.
Từ năm 2017, ngành toà án đã có chủ trương xét xử kín các vụ án mà người dưới 16 tuổi là nạn nhân của tội phạm liên quan đến tình dục nhằm đảm bảo bí mật danh tính cho nạn nhân và tránh cho nạn nhân khỏi những bàn tán không cần thiết từ phía công luận.
Cụ thể hoá hơn thì TAND Tối cao đã có thông tư áp dụng từ tháng 12/2018. Theo đó, trong một số trường hợp rất cụ thể - khi bị hại là người dưới 18 tuổi; là nạn nhân của các tội phạm tình dục; và bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý hoặc cần sự hỗ trợ về điều kiện sống, học tập do không có môi trường gia đình lành mạnh như những người dưới 18 tuổi khác - thì bắt buộc TAND phải tiến hành xử kín.
Tất nhiên, các trường hợp khác, chẳng hạn như vụ Nguyễn Hữu Linh, việc xử kín không đương nhiên tiến hành, mà phải dựa trên nhận định của toà án hoặc yêu cầu của đương sự (và trên thực tế thì việc xử kín được áp dụng theo yêu cầu từ đại diện hợp pháp của người bị hại).
Nhìn về khía cạnh xu hướng thì có thể thấy rằng công chúng nên dần làm quen với việc một vụ án ấu dâm sẽ được xử sau cánh cửa đóng kín.
Đúng là toà án đã không cân nhắc kỹ khi không xử kín những vụ án ấu dâm trước đây, chẳng hạn như vụ án của Nguyễn Khắc Thuỷ ở Vũng Tàu hay của Cao Mạnh Hùng ở Hà Nội. Tuy nhiên, những vụ án gần đây đều đang có xu hướng xét xử kín, ví dụ như vụ án giao cấu với người dưới 16 tuổi ở Thái Bình.
Việc xét xử kín có thể xem là bước tiếp theo của việc bảo vệ nạn nhân. |
Chúng ta cần nhớ rằng danh tính lẫn hình ảnh của nạn nhân trong vụ án ông Nguyễn Hữu Linh đã được bảo vệ tương đối tốt trong suốt thời gian vụ án được điều tra. Do đó, việc xét xử kín có thể xem là bước tiếp theo của việc bảo vệ nạn nhân.
Tuy nhiên, vì sao một quy định với mục đích tốt như vậy lại vấp phải nhiều sự nghi kỵ từ cộng đồng?
Có thể thấy, rất nhiều người đang lo ngại rằng việc không đưa ông Linh ra xét xử công khai (hay thậm chí là xử lưu động) là một sự thất vọng và là một nguy cơ vụ án không được xét xử đúng người, đúng pháp luật. Thực tế thì đây là lo ngại có cơ sở và đó là lý do mà không phải khi nào thì xét xử kín cũng được ủng hộ.
Các cơ quan nhân quyền Liên Hợp Quốc chưa bao giờ khuyến khích việc xét xử kín và không nhiều quốc gia trên thế giới mở rộng việc xét xử kín ra đến các vụ án có liên quan đến ấu dâm. Một lập luận phổ biến để giải thích điều này là nếu cần bảo vệ danh tính nạn nhân thì có nhiều hơn duy nhất một cách là xử kín.
Chẳng hạn như Anh hoặc Hong Kong đã áp dụng việc thẩm vấn nạn nhân qua camera. Theo đó chỉ có thẩm phán được phép nhìn thấy mặt nạn nhân, còn những khán giả tham gia phiên toà thì không.
Tuy nhiên, cách thức này cũng đòi hỏi cơ sở vật chất và tập huấn kỹ lưỡng mà có lẽ ngành tư pháp Việt Nam chưa đáp ứng được.
Nếu không có niềm tin, những phiên toà xét xử kín sẽ bị coi là bảo vệ cho bị cáo có quyền chức cao chứ không phải là bênh vực cho người yếu thế. |
Xét xử các vụ án mà người tham gia tố tụng (cho dù là bị cáo hay nạn nhân) là người dưới 16 tuổi là một việc làm cần cân nhắc cẩn thận.
Những phiên toà như thế này không chỉ mang mục đích trừng phạt kẻ làm sai, răn đe tội phạm tiềm năng, hay thậm chí là xoa dịu dư luận xã hội, mà còn phải đặt quyền lợi của nạn nhân lên trước nhất.
Đôi lúc, trong các vụ án, yếu tố nhân thân của bị cáo được người ta quan tâm, cân nhắc nhiều hơn là yếu tố nhân thân và tương lai của nạn nhân.
Xét xử kín trong vụ án Nguyễn Hữu Linh, trong bối cảnh hiện nay, là một cách mà toà án bảo vệ người bị hại khỏi những tổn thương tâm lý sau này, cũng như sự tò mò không cần thiết của công chúng.
Và ngành tư pháp cũng nên xem đây là cơ hội để củng cố niềm tin của công chúng vào sự anh minh của toà án. Vì nếu không có niềm tin, những phiên toà xét xử kín sẽ bị coi là bảo vệ cho bị cáo có quyền chức cao chứ không phải là bênh vực cho người yếu thế.
Lê Nguyễn Duy Hậu-Luật sư (zing)