Kinh tế

Nông nghiệp

Xử lý bùn thải làm chất tạo mùn hữu cơ bón cho cây trồng: Hiệu quả thiết thực

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông đã thực hiện giải pháp “Ứng dụng công nghệ ủ compost sản xuất phân bón từ nguyên liệu bùn thải phát sinh từ Nhà máy chế biến mủ cao su”, giúp giảm chi phí đầu tư cho vườn cây trên 1,7 tỷ đồng/năm.

Giữa năm 2021, nhóm tác giả Võ Toàn Thắng, Phan Thanh Hà, Trần Thị Thu Thủy, Nguyễn Hoàng Tuấn, Lương Quang Hiến (Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông) đã thực hiện giải pháp “Ứng dụng công nghệ ủ compost sản xuất phân bón từ nguyên liệu bùn thải phát sinh từ Nhà máy chế biến mủ cao su”.

Giải pháp này do ông Võ Toàn Thắng-Tổng Giám đốc Công ty làm chủ nhiệm đã đạt giải ba tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ 10, năm 2020-2021 và được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen.

Ông Nguyễn Hoàng Tuấn-Trưởng Phòng Quản lý chất lượng Công ty cao su Chư Prông-thành viên giải pháp kiểm tra sản phẩm chất bùn thải ủ thành chất tạo mùn bón cho cây trồng. Ảnh: Đinh Yến

Ông Nguyễn Hoàng Tuấn-Trưởng Phòng Quản lý chất lượng Công ty cao su Chư Prông-thành viên giải pháp kiểm tra sản phẩm chất bùn thải ủ thành chất tạo mùn bón cho cây trồng. Ảnh: Đinh Yến

Ông Thắng cho hay: Sau khi tìm hiểu tại một số đơn vị trồng và sản xuất cao su ở khu vực miền Đông Nam Bộ thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, chúng tôi thấy họ ủ bùn thải này làm sản phẩm hữu cơ sinh học, bón cho cây trồng; giúp đất tơi xốp, màu mỡ, cây trồng phát triển tốt, tăng khả năng chống sâu bệnh, giảm bớt việc sử dụng thuốc trừ sâu, góp phần bảo vệ môi trường.

Từ đó, nhóm đã nghiên cứu, khảo sát và xây dựng quy trình thu mẫu, phân tích thành phần bùn thải phát sinh từ hệ thống xử lý nước và bùn trắng được tách ra sau khi sản xuất mủ latex HA cô đặc.

“Bước đầu, chúng tôi tiến hành tính tổng nguồn phát sinh bùn, gồm: bùn phát sinh từ trạm xử lý nước thải tại Nhà máy chế biến cao su và bùn trắng từ sản xuất mủ latex HA cô đặc. Chúng tôi lấy mẫu phân tích 2 loại bùn này và so sánh, chứng minh được là có hàm lượng hữu cơ cao, có các nguyên tố đa trung vi lượng phù hợp làm phân bón, làm chất cải tạo đất.

Cùng với đó, chúng tôi chọn phương pháp ủ với cách ủ đơn giản là dùng chế phẩm vi sinh Micro C-Treat cho vào với liều lượng 1 kg chế phẩm/30 m3 bùn thải. Qua thời gian ủ, theo dõi, phân tích các chỉ tiêu pH, nhiệt độ, độ ẩm, hàm lượng nitơ, photpho, magie để đánh giá, phân tích từ chất lượng ủ compost tạo thành.

Sau đó, chúng tôi đã đưa ra tỷ lệ phối trộn các thành phần bùn. Qua kiểm định chất lượng, sản phẩm đều đạt theo tiêu chuẩn quy định”-ông Võ Toàn Thắng nói thêm.

Với những ưu điểm trên, việc ủ bùn từ chất thải trong quá trình chế biến mủ của Công ty đã giảm bớt được lượng chất thải rắn phát sinh trong ngành sản xuất cao su, còn tạo ra sản phẩm hữu cơ sinh học để làm chất cải tạo đất trong việc chăm sóc cây trồng. Từ giữa năm 2021 đến nay, mỗi năm đơn vị sản xuất hơn 200 tấn bùn thải để làm chất tạo mùn bón lót cho cao su tái canh tại đơn vị.

Ông Dương Ngọc Luân-Giám đốc Nông trường Thống Nhất (Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông) cho hay: “Năm 2021, Nông trường trồng 10 ha cao su tái canh đã sử dụng trên 27 tấn chất bùn thải được ủ thành sản phẩm hữu cơ sinh học bón lót cho cây trồng thay thế phân vi sinh.

Sau 3 năm, đơn vị thấy cây cao su sinh trưởng phát triển tốt tương tự các diện tích khác bón phân vi sinh trồng cùng thời điểm. Đây là tín hiệu vui, bởi chất tạo mùn này không chỉ làm đất tơi xốp mà còn góp phần bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển nông nghiệp xanh".

Vườn cây kiến thiết cơ bản của Nông trường Thống Nhất dùng chất mùn thải hữu cơ bón lót, phát triển tốt. Ảnh: Lương Hiến

Vườn cây kiến thiết cơ bản của Nông trường Thống Nhất dùng chất mùn thải hữu cơ bón lót, phát triển tốt. Ảnh: Lương Hiến

Cũng theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông, từ hiệu quả của việc ủ chất bùn thải tạo thành sản phẩm sinh học hữu cơ làm chất tạo mùn bón cho cây trồng tại Nông trường Thống Nhất, đến nay, Công ty đã sử dụng đại trà trên tất cả diện tích trồng tái canh của đơn vị.

Tuy nhiên, hiện Công ty có trên 9.000 ha cao su, trong đó có hơn 5.000 ha cao su kinh doanh, còn lại là cao su kiến thiết cơ bản. Những diện tích cao su kinh doanh, hàng năm, Công ty bón thúc bằng phân NPK hoặc phân đơn (đạm-lân-kali) 2 lần/năm, còn cao su kiến thiết cơ bản ngoài bón phân đơn, trung bình mỗi năm đơn vị còn bón 1.000 tấn phân vi sinh để cải tạo đất. Cùng với đó, mỗi năm đơn vị còn tái canh hơn 300 ha cao su, cần khoảng 830 tấn phân vi sinh để cải tạo đất.

Trong khi đó, việc ủ chất bùn thải làm sản phẩm sinh học, chất tạo mùn cho đất thay thế phân vi sinh để bón lót cho cây trồng, đơn vị mới sản xuất được hơn 200 tấn chất tạo mùn từ bùn thải/năm, chưa đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng.

“Vì vậy, với tính hiệu quả của giải pháp, đơn vị đang có hướng mở rộng quy mô ủ bùn thải làm sản phẩm vi sinh hữu cơ phục vụ cho việc trồng tái canh cao su. Chất tạo mùn này hoàn toàn có thể bón thay thế cho phân vi sinh.

Ngoài ra, còn giúp tiết giảm khá lớn chi phí xử lý bùn thải, bảo vệ môi trường. Đồng thời, giúp giảm được chi phí phân bón sử dụng cho vườn cây cao su. Bình quân mỗi năm đơn vị dùng chất tạo mùn này bón lót cho hơn 300 ha cao su tái canh, giúp giảm chi phí đầu tư cho vườn cây trên 1,7 tỷ đồng. Còn theo tính toán khi nâng cấp giải pháp để sản xuất phân bón phục vụ kinh doanh thì mỗi năm thu lợi hơn 2,5 tỷ đồng”-ông Võ Toàn Thắng nhấn mạnh.

Tại Công văn số 2010/SNNPTNT-TTBVTV, ngày 25-6-2021 về tham gia ý kiến lập đề án sử dụng bùn thải trong quá trình sản xuất mủ và xử lý nước thải làm chất tạo mùn cho đất, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa đã thống nhất: Bùn thải phát sinh từ sản xuất cao su của Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông không phải là chất thải nguy hại và là loại bùn giàu hàm lượng hữu cơ, có thể làm chất cải tạo đất cho vườn tái canh cao su. Do đó, việc Công ty xin lập đề án sử dụng bùn thải trong quá trình sản xuất mủ cao su và xử lý nước thải làm chất tạo mùn cho đất, cải tạo đất, góp phần bảo vệ môi trường là phù hợp với chủ trương, định hướng phát triển của ngành.

Có thể bạn quan tâm