Xử lý dân sống ở rừng thông dọc QL19 cần giải pháp hợp tình,hợp lý

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hơn 30 hộ dân sinh sống tại khu vực rừng thông dọc quốc lộ 19 thuộc xã Đak Ta Ley (huyện Mang Yang, Gia Lai) đang rất lo lắng vì không biết có được ở lại đây hay phải chuyển đi nơi khác. Trong khi đó, cơ quan chức năng cho biết sẽ phối hợp giải quyết hợp tình, hợp lý đối với từng trường hợp.
Hệ lụy qua nhiều năm
Ông Võ Trí Ba (thôn Nhơn Tân, xã Đak Ta Ley) cho biết, ông rời huyện Phù Cát (tỉnh Bình Định) lên khu vực rừng thông này sinh sống từ năm 1991. Ban đầu, ông ở nhờ nhà người quen. Đến năm 1995, ông mua lại một căn nhà ở đây và đưa vợ con lên sống cùng. Căn nhà nhỏ vách gỗ mà người bán để lại được gia đình ông giữ nguyên sử dụng. Năm 2006, khi con trai chuẩn bị lấy vợ, ông mới xây thêm phòng bằng tường gạch phía sau. Tổng diện tích nhà mà gia đình ông hiện đang sử dụng khoảng 170 m2, chưa kể phần lấn chiếm để làm lều tạm, giăng võng bán nước giải khát phục vụ khách đi đường.
Điều ông Ba băn khoăn là năm 2001, cũng tại vị trí đất này, gia đình ông được chính quyền huyện Mang Yang cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) với diện tích đất ở nông thôn 135 m2. Có sổ đỏ, gia đình ông yên tâm buôn bán và sinh sống ổn định trong thời gian dài. Tuy nhiên, đến năm 2011, chính quyền huyện Mang Yang thông báo thu hồi sổ đỏ đã cấp với lý do cấp chồng trên đất rừng thông, khiến gia đình ông sống trong tâm trạng thấp thỏm từ đó đến nay. “Khi mới lên đây, tôi và những gia đình khác cứ nghĩ chỉ ở tạm để làm ăn. Khi được chính quyền cấp đất, chúng tôi mới nghĩ đến việc định cư lâu dài. Gia đình tôi đã sinh sống ổn định gần 30 năm nên mong muốn Nhà nước xem xét tạo điều kiện được tiếp tục ở lại đây và công nhận nguồn gốc đất hợp pháp; nếu trường hợp quy hoạch theo hướng di dời người dân đi nơi khác thì phải xem xét hỗ trợ thỏa đáng từ nơi ở đến việc làm để đảm bảo thu nhập như hiện nay”-ông Ba nêu nguyên vọng.
Lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường cùng Ban Quản lý rừng phòng hộ Mang Yang kiểm tra tình hình thực tế diện tích sử dụng của các hộ dân sinh sống tại khu vực rừng thông. Ảnh: M.N
Cũng như ông Ba, ông Dương Ngọc Hùng (quê huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) đã có 30 năm sống ở khu vực rừng thông xã Đak Ta Ley. Ông Hùng cho biết, sau khi bị thu hồi sổ đỏ, gia đình ông luôn sống trong cảnh bất an. “Giờ chính quyền địa phương không tiếp tục cho ở thì gia đình tôi không biết đi đâu, về đâu. Nếu can thiệp, xử lý ngay từ ban đầu thì người dân không có cơ sở pháp lý gì ở lâu dài đến vậy, giờ nếu di dời thì rất khó. Bởi hộ ở lâu nhất cũng trên 30 năm, thấp nhất cũng hơn 15 năm. Đây toàn là những hộ khó khăn, chỉ sống dựa vào việc mua bán, nếu bố trí nơi ở khác thì cũng không có tiền để xây nhà. Cũng phải nói thêm, nhờ những hộ dân ở đây mà rừng thông được giữ, không có trường hợp ken cây. Các hộ đều ra sức bảo vệ, giữ bóng mát cho khách làm nơi dừng chân”-ông Hùng chia sẻ.
Trong khi đó, ông Phạm Văn Trường-chủ doanh nghiệp tư nhân xăng dầu Thảo Dương mong muốn các cơ quan chức năng tạo điều kiện để ông và những hộ dân nơi đây được an cư. Theo ông Trường, gần 30 năm nay, người dân không được mua bán đất hoặc xây nhà ở kiên cố, không có giấy tờ thế chấp vay vốn đầu tư, trong khi một số hộ ở khu vực rừng thông bên kia đường thì lại được cấp sổ đỏ. Ông Trường cho biết: “Mong chính quyền sớm giải quyết dứt điểm, cấp đất ổn định lâu dài chứ kéo dài tình trạng này suốt đời vẫn bị xem là vi phạm. Nếu quyết định giải tỏa thì phải bố trí nơi ở mới, đền bù thỏa đáng, đồng thời giải quyết công bằng, không có việc người đi, người ở”.
Sẽ phối hợp giải quyết hợp tình, hợp lý
Tháng 2-2019, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang và Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cùng lãnh đạo các sở, ngành đã có chuyến thị sát tại các địa phương để chỉ đạo triển khai công tác quản lý, bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng trên địa bàn. Tại khu vực rừng thông dọc quốc lộ 19 qua địa bàn huyện Mang Yang-nơi có nhiều hộ dân sinh sống, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang yêu cầu UBND huyện Mang Yang, đơn vị chủ rừng có biện pháp xử lý các trường hợp làm nhà tạm, xây dựng một số công trình trái phép trên đất lâm nghiệp và đất rừng.

Theo báo cáo của UBND xã Đak Ta Ley, từ trước năm 2006, khu vực rừng thông xã này đã có 36 hộ dân sinh sống. Các hộ này bắt đầu đến ở từ trước năm 1991, chủ yếu mưu sinh bằng nghề mở quán ăn, nước giải khát dọc theo tuyến quốc lộ 19. Trong đó, có 11 hộ được cấp sổ đỏ từ năm 2001, 15 hộ có giấy viết tay của UBND xã Hà Ra cũ xác nhận và 10 hộ không có giấy tờ. Hiện khu vực này còn 31 hộ (giảm 5 hộ so với năm 2011) có nhà ở tạm bợ, lều bán đồ ăn, nước giải khát. Hàng năm, chính quyền xã phối hợp với Ban Quản lý Rừng phòng hộ Mang Yang tiến hành lập bản cam kết bảo vệ rừng, không lấn chiếm, cơi nới, không ken cây và đảm bảo vệ sinh môi trường khu vực sinh sống. Từ năm 2011 đến nay, chính quyền xã đã nhiều lần ra thông báo, tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ dân tháo dỡ công trình trong khu vực rừng thông nhưng việc di dời gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nên không thể thực hiện.
Ông Nguyễn Văn Hùng-Trưởng ban Quản lý Rừng phòng hộ Mang Yang-cho rằng, đây là vấn đề do lịch sử để lại. Hầu hết các hộ này đều có thời gian sinh sống ở đây trên 25 năm nên xét về lý và tình rất khó xử lý. “Những năm qua, chúng tôi luôn chủ động phối hợp với địa phương đề ra phương án quản lý, cụ thể là tổ chức đo đếm từng diện tích, chụp ảnh hiện trạng xung quanh nơi ở của các hộ có bao nhiêu cây thông, đồng thời lập bản cam kết bảo vệ với các hộ để quy trách nhiệm. Do đó, các hộ đã tham gia bảo vệ rừng cây giữ bóng mát phục vụ mua bán. Hiện tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành vào cuộc. Chúng tôi sẽ tích cực phối hợp xem xét từng trường hợp cụ thể, sao cho hài hòa giữa tình và lý để tham mưu xử lý, đưa ra phương án tối ưu nhất”-ông Hùng cho hay.
Còn theo ông Võ Lê Xuân Thiện-Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mang Yang: Trong số những hộ dân này có nhiều hộ được cấp sổ đỏ năm 2001, đến năm 2011 mới bị thu hồi do cấp chồng lấn đất rừng thông. Thời điểm này, 31 hộ nói trên không hộ nào được cấp sổ đỏ. “Tại các buổi tiếp xúc cử tri, những hộ dân đều đề đạt nguyện vọng được ở lại sinh sống. Do vậy, chúng tôi sẽ phối hợp với các ban, ngành có đề xuất cụ thể từng trường hợp để xử lý sao cho hợp tình, hợp lý, tránh trường hợp xử lý hộ này nhưng lại bỏ sót hộ khác”-ông Thiện khẳng định.
 MINH NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm