Du lịch

Hành trang lữ hành

Xu thế phát triển tất yếu của ngành du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đại dịch Covid-19 và những ảnh hưởng nặng nề với du lịch đã mang đến nhiều bài học cho ngành “công nghiệp không khói” Việt Nam trong việc cần thiết phải đẩy nhanh chuyển đổi số để tăng khả năng quản lý doanh nghiệp, tiếp cận khách hàng trong bối cảnh nhân sự hao hụt. Đây là xu thế tất yếu giúp phát triển du lịch thông minh, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế số hiệu quả.
 
Khách hàng tìm hiểu thông tin tại Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2020. Ảnh: VƯƠNG HÀ
Khách hàng tìm hiểu thông tin tại Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2020. Ảnh: VƯƠNG HÀ
Theo một nghiên cứu của Booking.com từ hơn 20.000 khách du lịch của 28 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có 500 khách Việt Nam, thì du lịch sẽ được định hình lại do tác động của Covid-19. Công nghệ sẽ đóng vai trò quan trọng trong kích cầu du lịch, xây dựng lại niềm tin của du khách, buộc các doanh nghiệp phải nhanh chóng chuyển đổi số. Đó cũng là lý do khiến Ban tổ chức Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2020 quyết định lựa chọn chủ đề hội chợ năm nay là “Chuyển đổi số để phát triển du lịch”, nhằm khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp tham gia đưa ra các sáng kiến gắn kết hoạt động du lịch với công nghệ 4.0. Trong bốn ngày diễn ra (từ ngày 18 đến 21-11), bên cạnh các sự kiện giới thiệu điểm đến, xúc tiến, kích cầu du lịch, hội thảo chuyên ngành…, hội chợ dành không gian khá lớn cho các doanh nghiệp Việt giới thiệu, trao đổi về các công cụ số để ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kinh doanh du lịch, như: thiết bị tra cứu thông tin du lịch 4.0; giải pháp quản lý khách sạn không tiếp xúc; công nghệ số hóa 3D/360 ứng dụng trong cổng thông tin du lịch… Trước đó, diễn đàn “Chuyển đổi số để phát triển du lịch Việt Nam” đã được Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức với sự tham dự của nhiều chuyên gia công nghệ và đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp du lịch. Diễn đàn trao đổi về xu thế phát triển của ngành du lịch, sự chuyển hóa của các dịch vụ du lịch khi ứng dụng công nghệ 4.0, trí tuệ nhân tạo và các công nghệ mới nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động du lịch. Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định: Chuyển đổi số chính là giải pháp quan trọng để khôi phục, phát triển lại du lịch Việt Nam theo hướng bền vững sau tác động tiêu cực của dịch Covid-19; đồng thời giúp các địa phương phát triển du lịch thông minh, tăng tính trải nghiệm cho du khách. Giám đốc Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) Lê Tuấn Anh cho rằng: Cần chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện về cơ sở hạ tầng, nền tảng công nghệ để bắt kịp xu thế của thế giới. Nếu trước đây, khách hàng phải đi tìm thông tin thì với việc ứng dụng công nghệ 4.0, thông tin sẽ tự tìm đến với khách hàng. 
Chủ tịch HG Holding Ngô Minh Đức chia sẻ: Muốn đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp du lịch Việt, các doanh nghiệp trước hết cần xây dựng được sản phẩm tốt và tử tế, đặt khách hàng làm trọng tâm, đặc biệt là xây dựng được những sản phẩm nền tảng. Bên cạnh đó, cần xây dựng cộng đồng và hệ sinh thái sản phẩm các doanh nghiệp Việt Nam. Điều quan trọng là phải biết ứng dụng công nghệ trong marketing sản phẩm thông qua phát triển nội dung trên website với các công nghệ hiện đại như VR/AR, Chatbot, AI…; sử dụng mạng xã hội để đưa thông tin và giao tiếp với khách hàng, nâng cao chất lượng trải nghiệm với các ứng dụng di động; hợp tác với các nền tảng số như YouTube, TripAdvisor… và các sàn giao dịch điện tử. Tuy nhiên, ông Đức cũng cho biết quá trình chuyển đổi số của du lịch Việt trên thực tế   gặp nhiều khó khăn do các doanh nghiệp Việt còn yếu về công nghệ dẫn đến khó cạnh tranh với các công ty công nghệ nước ngoài. Thêm nữa là chưa có các chính sách cụ thể của Nhà nước trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt phát triển thị trường và sản phẩm khi phải cạnh tranh với các công ty nước ngoài có tiềm lực mạnh. Do đó, cần có các chính sách và sự ủng hộ của Chính phủ đối với các doanh nghiệp du lịch Việt Nam, bên cạnh đó là sự ủng hộ của truyền thông để người Việt Nam sử dụng, ủng hộ các sản phẩm của Việt Nam.
Được biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công thương, Google cùng một số đối tác khác đã phát triển chương trình Bệ phóng Việt Nam Digital 4.0 nhằm cung cấp các lớp đào tạo miễn phí về kỹ năng số, kỹ năng mềm và kỹ năng kinh doanh từ cơ bản đến nâng cao. Chương trình hướng đến các doanh nghiệp nhỏ, các chủ cửa hàng, cá nhân khởi nghiệp nhằm giúp cập nhật kiến thức số, từ đó phát triển doanh nghiệp, tăng hiệu quả kinh doanh online. Phó Tổng cục trưởng Du lịch Hà Văn Siêu cho biết: Tổng cục Du lịch đang xây dựng cơ sở dữ liệu số về thị trường khách du lịch trên cơ sở liên thông về cơ sở dữ liệu cũng như sản phẩm, dịch vụ du lịch từ trung ương đến địa phương; hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp du lịch nhanh chóng thực hiện việc chuyển đổi số trong kinh doanh du lịch; đồng thời triển khai nghiên cứu xây dựng một số sản phẩm du lịch thông minh chủ lực trên cơ sở ứng dụng những công nghệ đặc trưng của cách mạng công nghiệp 4.0 như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn dạng số hóa (Big data), in-tơ-nét vạn vật (IoT)... ; và chuyển dần hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch từ môi trường truyền thống sang môi trường số, đẩy mạnh hoạt động e-marketing du lịch…
VIỆT ANH (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm