Kinh tế

Nông nghiệp

Xuân An phát triển nghề nuôi cá lồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tận dụng mặt nước lòng hồ thủy điện An Khê, một số hộ dân xã Xuân An (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) phát triển nghề nuôi cá lồng. Mô hình này không chỉ mang lại thu nhập cao cho người nuôi mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. 
Thu nhập cao
Cách đây 8 năm, gia đình ông Nguyễn Văn Thơm (thôn An Xuân 3) tham gia mô hình nuôi cá diêu hồng trong lồng ở lòng hồ thủy điện An Khê do Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai. Nhận thấy mô hình đem lại hiệu quả cao, ông đã đầu tư làm 10 lồng nuôi cá. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm nên việc nuôi cá gặp nhiều khó khăn, thậm chí có lúc lỗ vốn.
Không nản lòng, ông Thơm chuyên tâm tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm nuôi cá lồng ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Trong quá trình nuôi, ông tăng diện tích lồng bè từ 25 m2 lên 50 m2/lồng đối với cá trưởng thành nhằm tạo không gian rộng để đàn cá bơi lội thoải mái, khỏe mạnh, mau lớn; đồng thời hạn chế dịch bệnh. Đến nay, ông Thơm đã nhân rộng mô hình nuôi cá lên 100 lồng, cung ứng ra thị trường khoảng 500 tấn cá thương phẩm mỗi năm. “Với giá bán 36-40 ngàn đồng/kg, gia đình tôi thu về 700-800 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí”-ông Thơm phấn khởi nói.
Nghề nuôi cá lồng ở thị xã An Khê mang lại thu nhập cao và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Ảnh: Ngọc Minh
Nghề nuôi cá lồng ở xã Xuân An (thị xã An Khê) mang lại thu nhập cao và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Ảnh: Ngọc Minh

Cũng gắn bó với nghề nuôi cá lồng từ năm 2013, ông Nguyễn Văn Mến (thôn An Xuân 3) hiện có 30 lồng cá. Nghề nuôi cá mang lại cho gia đình ông nguồn thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm. “Nghề này tuy vất vả, vốn đầu tư nhiều nhưng hiệu quả kinh tế cao. Từ lúc nuôi cá bột đến khi xuất bán khoảng 6 tháng, nhiều con cá diêu hồng đạt trọng lượng hơn 2 kg. Cá nuôi trong lòng hồ cho thịt thơm ngon nên được thị trường ưa chuộng”-ông Mến chia sẻ.

Theo ông Mến, nhằm giúp đỡ các hộ nuôi cá, hàng năm, UBND xã Xuân An phối hợp với ngành chức năng tổ chức lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật và tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sinh thái. Từ đó, các hộ dần thay đổi phương thức nuôi theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hồ thủy điện An Khê có diện tích lớn, nguồn nước dồi dào, rất phù hợp với nghề nuôi cá lồng. Hiện nay, người dân chủ yếu nuôi cá diêu hồng. Loài cá này thích nghi với môi trường nước ở đây. “Từ hơn 30 lồng nuôi ban đầu, đến nay, người dân đã nhân rộng lên hơn 200 lồng. Thương lái vào tận các lồng bè mua cá chở đi tiêu thụ tại các chợ huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh”-ông Mến cho biết.
Tạo việc làm cho lao động địa phương
Xã Xuân An hiện có 9 hộ nuôi cá lồng. Nghề nuôi cá lồng đã tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Anh Nguyễn Xuân Vũ (thôn Xuân An 1) chia sẻ: Tôi làm cho ông Thơm đã 6 năm. Cả 6 người làm quanh năm không hết việc. Chúng tôi chỉ làm 2 giờ/ngày, thời gian còn lại lo việc đồng áng. Tùy theo công việc mà mức tiền công dao động từ 200 ngàn đồng đến 300 ngàn đồng/người/ngày.
Cá điêu hồng thích nghi với môi trường nước ở lòng hồ thủy điện An Khê nên mau lớn, đạt trọng lượng và chất lượng được thị trường ưa chuộng. Ảnh Ngọc Minh
Cá diêu hồng thích nghi với môi trường nước ở lòng hồ thủy điện An Khê nên mau lớn, thịt thơm ngon, được thị trường ưa chuộng. Ảnh Ngọc Minh

Còn ông Nguyễn Văn Tuấn (thôn Xuân An 3) thì bộc bạch: Gia đình tôi đông con, thu nhập phụ thuộc vào hơn 2 ha mía. Trước đây, ai kêu gì tôi làm nấy, lúc đi phụ hồ, khi bốc mía, nhổ mì. Tuy nhiên, công việc lúc có, lúc không. “Sau khi xin vào làm cho hộ nuôi cá lồng, tôi có công việc ổn định, lại không đòi hỏi nhiều thời gian. Hàng ngày, tôi cho cá ăn 2 lần rồi đi một vòng kiểm tra lồng bè, xong việc có thể tranh thủ tăng gia sản xuất, giúp vợ con chăm sóc cây trồng, vật nuôi”-ông Tuấn nói.

Trao đổi với P.V, ông Hồ Hữu Mạnh-Chủ tịch UBND xã Xuân An-cho biết: “Để giúp người dân duy trì và phát triển nghề nuôi cá lồng, những năm tới, xã tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức lớp tập huấn, bổ sung các kiến thức, kỹ thuật cho người dân. Bên cạnh đó, xã khuyến khích người dân đưa giống cá mới phù hợp vào nuôi; nuôi cá theo hướng an toàn sinh học để hạn chế dịch bệnh, giảm thiểu rủi ro, bảo vệ môi trường”.
NGỌC MINH

Có thể bạn quan tâm