TN - Đất & Người

Xuân tươi mới những buôn làng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Năm 2020, tỉnh Lâm Đồng có 73.697 hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), thu nhập bình quân người/năm đạt 32,766 triệu đồng, tăng 12,687 triệu đồng so với năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo DTTS cuối năm 2020 còn 3,58%, giảm 2% so với năm 2019. Nhiều bức tranh tươi mới về đời sống vùng đồng bào DTTS trong tỉnh đang rạo rực đón chào mùa Xuân Tân Sửu.
 

 

Đồng bào các DTTS tham gia Festival Hoa Đà Lạt


 
Lâm Đồng là tỉnh thuộc vùng Nam Tây Nguyên với dân số 1.309.875 người. Trong đó, đồng bào DTTS 73.697 hộ với 333.561 người, chiếm hơn 25,7%, với 47 dân tộc anh em sinh sống đoàn kết, bình đẳng, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển. Số liệu mới nhất, theo Quyết định số 33/2020/QĐ-TTg, ngày 12/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân định vùng đồng bào DTTS và miền núi dựa trên trình độ phát triển giai đoạn 2021 - 2025 thì hiện nay toàn tỉnh có 10/10 huyện; 78/124 xã, thị trấn (71 xã, 7 thị trấn); 478/1.376 thôn là vùng DTTS và miền núi. Có 66 xã, 468 thôn với tỷ lệ đồng bào DTTS trên 20%; trong đó, 127 thôn và 18 xã có tỷ lệ trên 80%.
 
Từ nguồn lực đầu tư lớn
 

Chúng tôi đến nhiều địa phương vùng đồng bào DTTS trong tỉnh với cảm xúc mạnh của niềm vui hạnh phúc. Thực sự sự tươi tắn toát lên từ sức sống mãnh liệt của bức tranh “nông thôn mới”. Số liệu từ Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng vào ngày 8/1/2021 cho biết, từ Chương trình 135, tổng vốn ngân sách Trung ương phân bổ thực hiện trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 là 248,603 tỷ đồng. Theo đó, đã đầu tư đường giao thông nông thôn 436 công trình, 23 công trình nước sinh hoạt, 84 công trình thiết chế văn hóa cấp thôn và xã, 1 công trình thủy lợi, 1 công trình trường học, 3 công trình san gạt mặt bằng; duy tu bảo dưỡng 50 công trình các loại (giao thông nông thôn, nhà sinh hoạt cộng đồng, nước sinh hoạt, mương thủy lợi); tổ chức đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho 1.636 lượt cán bộ cấp xã và cộng đồng thôn. Hộ nghèo đồng bào DTTS giảm từ 14,71% (10.159 hộ) năm 2016 xuống còn 5,58%, (4.109 hộ) năm 2019 và 3,58% năm 2020. Chương trình định canh định cư (Quyết định số 33/QĐ-TTg ngày 5/3/2007) và chương trình bố trí dân cư (Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012) của Thủ tướng Chính phủ đã bố trí vốn cho 6 điểm định canh tập trung, 2 điểm định canh định cư xen ghép; sắp xếp, bố trí ổn định 1.171 hộ DTTS và 4 dự án ổn định sắp xếp 4.331 hộ DTTS di cư tự do. Chính sách an sinh xã hội theo Quyết định 62/QĐ-UBND ngày 27/12/2012 của UBND tỉnh đã hỗ trợ 19.031 lượt học sinh, sinh viên với kinh phí trên 12 tỷ đồng/năm học. Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017 - 2020 theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng (Quyết định 2117/QĐ-UBND ngày 29/9/2017 của UBND tỉnh) đã được thực hiện tổng kinh phí 52 tỷ đồng để hỗ trợ đất sản xuất, nước sinh hoạt phân tán cho các hộ vùng đồng bào DTTS...
 
Đến những dấu son

 
Quả là phấn khích trước rất nhiều con số ở vùng DTTS Lâm Đồng đã đạt đến tỷ lệ 100% về số xã, gồm: có đường kiên cố đến trung tâm xã; có điện lưới quốc gia; vùng đồng bào DTTS có trường mẫu giáo, tiểu học, THCS và số trẻ em trong độ tuổi được đến trường; trạm y tế vùng DTTS đạt chuẩn quốc gia về y tế; đầu tư xây dựng nhà văn hóa xã; phủ sóng phát thanh truyền hình; trạm bưu điện và điểm bưu điện. Đó còn là số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh...
 
Nhiều mô hình thành công xuất sắc về xây dựng “nông thôn mới” gắn với phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS. (Cuối năm 2020, đã có 64/71 xã đạt 19/19 tiêu chí). Một số mô hình cụ thể như: Vận động Nhân dân tự nguyện hiến đất, đóng góp tiền, ngày công, tự cải tạo nâng cấp giao thông, đối ứng làm đường bê tông để vận chuyển hàng hóa ở xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương; ở thôn Thanh Bình, xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà. Thu gom rác thải, trồng đường hoa cỏ lạc, vệ sinh môi trường, làm hàng rào xanh, phát triển kinh tế hộ gia đình ở xã Phước Lộc, huyện Đạ Huoai. Mô hình xóa đói giảm nghèo ở xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm; mô hình tuyên truyền, vận động Nhân dân xóa bỏ những tập tục lạc hậu ở xã Quốc Oai, huyện Đạ Tẻh... Đó còn là mô hình liên kết trồng Atisô với Công ty của xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương; mô hình trồng nếp Quýt của xã An Nhơn, huyện Đạ Tẻh... Ở huyện Đạ Tẻh còn có các mô hình sản xuất tập trung như trồng cây cao su ở thôn Đạ Nhar, buôn Con Ó và trồng cây tầm vông ở thôn Tố Lan...
 
Niềm vui hôm qua động lực hôm nay
 

Rời mỗi vùng đồng bào DTTS, chúng tôi mang theo nhiều niềm vui và những câu nói chan chứa tự hào xen lẫn hạnh phúc. “Sau một nhiệm kỳ, huyện Đức Trọng đã đạt kết quả giảm nghèo nhanh, từ 1,2% năm 2015 đến nay còn 0,5%. Đồng bào DTTS trong huyện tiếp thu nhanh về kỹ thuật sản xuất nông nghiệp trong chủ trương huyện chú trọng và quan tâm thực chất và hiệu quả, cùng đó là bảo tồn và phát huy văn hóa của 20 dân tộc anh em sống trên địa bàn...”, đồng chí Nguyễn Ngọc Phúc - Bí thư Huyện ủy Đức Trọng thông tin và cho biết thêm, huyện có 33,4% đồng bào DTTS với 15.239 hộ, khoảng 63.000 người, cán đích “huyện nông thôn mới” tháng 6/2020. “Lâm Hà đã có 14/14 xã đạt nông thôn mới, chúng tôi đang tích cực phấn đấu hoàn thành hai tiêu chí còn lại để đề nghị “huyện nông thôn mới” vào tháng 10 năm 2020”, đồng chí Hoàng Thanh Hải - Bí thư Huyện ủy Lâm Hà cho biết. “Bây giờ trong này mọi thứ đều có hết rồi, đường ô tô, trường học, trạm y tế,...; cuộc sống người dân không còn đói và bệnh tật như xưa nữa”, Điểu K’Ru - Bí thư Thôn 4 kiêm Thôn đội trưởng, cán bộ y tế thôn bản, xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên chia sẻ... Những thành công ở vùng DTTS góp phần rất quan trọng để Lâm Đồng kết thúc năm 2020 có tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 3,15%, cao hơn mặt bằng chung cả nước và 13/17 chỉ tiêu về kinh tế, xã hội, môi trường và nông thôn mới đạt và vượt mức kế hoạch.
 
Nhiều bài học kinh nghiệm đưa đến thành công. Trao đổi với Trưởng ban Dân tộc tỉnh Võ Văn Hoàng, chúng tôi nêu tóm tắt mấy điểm chính. Đó là cụ thể hóa các chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước phải phù hợp với thực tiễn bằng các chương trình, đề án, kế hoạch, đồng bộ và thống nhất đến từng đối tượng và xác định rõ những yếu tố liên quan. Cấp ủy đảng, chính quyền ở cơ sở tăng cường sự quan tâm và nâng cao tinh thần trách nhiệm. Sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan và đơn vị liên quan phối kết hợp chặt chẽ trong lồng ghép chính sách. Phát huy dân chủ cơ sở, giải quyết kịp thời những bức xúc của người dân. Coi trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS; phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể...
 
Chúng tôi kết thúc bài viết này bằng đánh giá của Tỉnh ủy Lâm Đồng: “Tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS hiện có bước phát triển khá toàn diện, bộ mặt nông thôn có sự chuyển biến rõ nét. Cơ sở hạ tầng đã được đầu tư tương đối đồng bộ, trình độ sản xuất có bước phát triển. Công tác giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội được chú trọng; an sinh xã hội được đảm bảo, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm đều giảm. Tuy nhiên, vùng đồng bào DTTS vẫn còn nhiều khó khăn, kết cấu hạ tầng một số khu vực chưa đáp ứng được nhu cầu, trình độ sản xuất của đồng bào DTTS còn có những hạn chế nhất định. Tỷ lệ hộ nghèo tuy giảm nhưng chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo vẫn còn cao; đặc biệt là các khu vực vùng sâu, vùng xa”. Đây là những nhận định vĩ mô, những gợi ý trong chỉ đạo, để cả hệ thống chính trị và toàn dân trong tỉnh tiếp tục những bước đi đúng trong xây dựng và phát triển đời sống vùng đồng bào DTTS.

 

Theo MINH ĐẠO (LĐ online)

 

Có thể bạn quan tâm