(GLO)- Tháng Chạp, những vạt rẫy của bà con người Bahnar ở xã Krong (huyện Kbang, Gia Lai) cũng vào mùa ngơi nghỉ. Lúa rẫy đã được tuốt gọn, bắp đã được bẻ, chỉ còn từng vạt đậu cô ve lùn đang đương vụ chín… Trong nhà, rượu ghè đã ủ sẵn chỉ đợi ngày xuân.
Tết của bà con người Bahnar ở Krong thường đến sớm hơn một chút so với người Kinh. Tết thường không được định ngày, chỉ thống nhất khi việc thu hoạch của dân làng hoàn tất, còn gọi là cúng đóng cửa kho.
Rượu xuân đã sẵn
Tết này, nhà chị Đinh Thị Xuyên-Trưởng thôn Vir (xã Krong) đã ủ sẵn 4 ghè rượu: 2 ghè rượu gạo và 2 ghè rượu bắp. Rượu được ủ trong ghè tầm chục ngày, mở hé lớp lá chuối bọc kín miệng đã thấy tỏa ra mùi thơm phức đặc trưng của gạo, của bắp lên men. “Một ghè rượu to và ngon nhất sẽ được dành để Tết đưa ra nhà rông”-chị Xuyên khoe.
Năm nay, bà con nông dân gặp khó khăn do thời tiết khô hạn. Tuy vậy, đã thành phong tục, những gì ngon nhất của mùa vụ đều được lựa chọn giữ lại, dành dùng trong những ngày Tết. Đã thành lệ, Tết nào cũng vậy, mỗi hộ dân làng Vir đều “đóng quỹ” Tết là 1 ghè rượu cần. 94 hộ trong làng là 94 ghè rượu. Nếu gia đình nào năm ấy làm ăn khấm khá, muốn đóng góp nhiều hơn thì sẽ góp thêm con gà, con heo… Tất cả sẽ được đưa về nhà rông để cả làng vui năm mới.
Thu hoạch bo bo, chuẩn bị rượu Xuân ở Krong. Ảnh: Lê Hòa |
Theo người Bahnar ở Krong, rượu cần ngon nhất được ủ từ hạt bo bo. Vì vậy, hầu như gia đình nào cũng giữ thói quen trồng bo bo để ủ rượu Tết. Từ tháng 5, tháng 6 hàng năm, bà con xuống giống bo bo. Sau 6 tháng, bo bo cho thu hoạch. Khi những cơn gió heo may chớm thổi qua những sườn đồi đem theo cái khô ráp của thời tiết cũng là lúc bo bo đến mùa thu hoạch. Khi ấy, bà con sẽ thu hái những chùm bo bo nặng trĩu, phơi nắng cho đến khi khô giòn và đem về giã cho bật vỏ, nấu lên ủ rượu.
Hôm ấy, gia đình chị Đinh Thị Tan (làng Kta) lên rẫy thu hoạch bo bo. Trong khu vườn rẫy nằm lưng chừng đồi, chị chọn bãi đất thấp trũng nhất để trồng bo bo. “Năm nay khô hạn nên bo bo chín muộn. Mình sẽ phải làm nhanh để kịp có rượu ghè bo bo đóng góp vào Tết chung ở làng”-chị Tan chia sẻ. Trong niềm vui chung của làng vào vụ thu hoạch, Trưởng thôn Vir tâm sự: “Tết là dịp vui nhất để cả làng đoàn tụ, sum họp cùng nghe già làng và những người lớn tuổi kể chuyện để thắt chặt hơn mối quan hệ đoàn kết, gắn bó của cộng đồng. Bởi vậy, dù đi đâu về đâu, Tết mùa là dịp để mỗi người con làng Vir trở về nơi chôn nhau cắt rốn. Họ chia sẻ với nhau những vui buồn và cùng mong ước một năm mới mùa màng bội thu, sức khỏe tràn đầy”.
Và những ước mong
Xã Krong có 10 làng với khoảng 1.340 hộ, phần lớn là người dân tộc Bahnar. Năm 2019, toàn xã gieo trồng được hơn 1.450 ha cây trồng các loại. Tuy nhiên, do điều kiện thời tiết không thuận lợi nên sản lượng lương thực quy thóc chỉ đạt 6.684 tấn (đạt 72,17% kế hoạch). “Do đặc thù điều kiện sản xuất, bà con Bahnar ở Krong thường đón Tết sớm hơn Tết Nguyên đán của người Kinh chừng một tuần. Bà con gọi đó là Tết mùa hay cúng đóng cửa kho. Những năm gần đây, chính quyền địa phương đã tích cực vận động, tuyên truyền người dân ăn Tết chung để hòa niềm vui đón Tết cùng cả nước”-ông Đỗ Công Trúc-Chủ tịch UBND xã Krong-chia sẻ.
Làm đường giao thông nông thôn ở xã Krong (huyện Kbang). Ảnh: L.H |
Năm 2019, xã Krong có 132 hộ thoát nghèo, giảm 10,57%. Bên cạnh đó, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đã đạt 26 triệu đồng, tăng 62,15% so với năm 2018. “Hiện nay, mặc dù đối mặt với không ít khó khăn song bà con các làng đang rất phấn khởi, chuẩn bị đón một mùa Tết đang đến gần hơn với mọi nhà. Lễ Tết của các làng luôn có đại diện chính quyền địa phương về dự. Đây cũng là dịp để chúng tôi lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, thông tin tới bà con những chủ trương mới để nỗ lực trong năm tiếp theo”-ông Trúc cho biết thêm.
Trong năm qua, được sự hỗ trợ từ nhiều nguồn lực khác nhau, xã đã chung tay xóa nhà tạm cho 13 hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã với tổng kinh phí 673 triệu đồng; hỗ trợ xây dựng 1 căn nhà cho gia đình chính sách. Đến nay, trên địa bàn xã không còn đối tượng thương binh, bệnh binh, gia đình có công với cách mạng thuộc hộ nghèo và khó khăn về nhà ở. Đặc biệt, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Chương trình giảm nghèo khu vực Tây Nguyên, Chương trình 135… đã góp phần đem đến sự đổi thay lớn trong diện mạo những ngôi làng vùng căn cứ Krong. Ông Đinh Pring-già làng Vir-phấn khởi nói: “Mỗi một năm qua đi, chúng tôi lại vui mừng nhìn thấy làng mình thay đổi tích cực hơn, từ con đường làng, nhà sinh hoạt cộng đồng đến nơi học tập cho các cháu, trạm y tế chữa bệnh cho người dân… Có được điều đó là nhờ sự quan tâm, hỗ trợ từ các cấp chính quyền. Bởi vậy, tôi luôn động viên bà con trong làng chăm lo làm ăn phát triển kinh tế, nuôi dạy con cái, chung tay xây dựng quê hương Krong ngày một giàu mạnh, xứng đáng là cái nôi cách mạng của tỉnh”.
Hiện nay, xã Krong còn 194 hộ nghèo, chiếm 14,39% và 270 hộ cận nghèo, chiếm 20,03%. “Nhiệm vụ trọng tâm trong năm tới là tập trung các nguồn lực, giải pháp để giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã xuống mức 7% theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Hy vọng rằng, với ý chí, sự nỗ lực của người dân vùng cách mạng, xã sẽ thực hiện thắng lợi mục tiêu cùng huyện nhà hoàn thành xây dựng nông thôn mới vào năm 2020”-Chủ tịch UBND xã Krong nhấn mạnh.
LÊ HÒA