Kinh tế

Giá cả thị trường

Xuất khẩu cà phê bứt phá mạnh mẽ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cà phê tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu chủ lực với sản lượng ước đạt 198 ngàn tấn, kim ngạch 396 triệu USD, chiếm đến 77,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh trong 8 tháng năm 2022. Kết quả này cho thấy sự bứt phá mạnh mẽ của các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Gia Lai.

Tốc độ tăng trưởng cao

Nhờ tác động của các hiệp định thương mại tự do, thị trường ngày càng mở rộng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu cà phê tăng trưởng mạnh từ đầu năm đến nay. Là mặt hàng chủ lực của tỉnh nên khi xuất khẩu cà phê tăng trưởng mạnh, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh cũng đạt cao. Theo báo cáo của Sở Công thương, trong 8 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh ước đạt 510 triệu USD (đạt 72,27% kế hoạch, tăng 25,93% so với cùng kỳ năm 2021). Trong đó, cà phê tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu chủ lực với sản lượng ước đạt 198 ngàn tấn, kim ngạch 396 triệu USD (tăng 13,14% về lượng và tăng 36,55% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái).

 Đóng gói sản phẩm cà phê Lamant tại Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (TP. Pleiku). Ảnh: Đức Thụy
Đóng gói sản phẩm cà phê L'amant tại Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (TP. Pleiku). Ảnh: Đức Thụy


Gia Lai hiện có 5 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cà phê, đóng góp chủ yếu vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Sản lượng và giá trị xuất khẩu cà phê của các doanh nghiệp đều tăng trưởng khá mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, trong 7 tháng năm 2022, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp đã xuất hơn 102 ngàn tấn với kim ngạch xuất khẩu trên 202 triệu USD (tăng hơn 25% về lượng và tăng 36% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021); Công ty TNHH Thương mại và chế biến Louis Dreyfus Company Việt Nam xuất khẩu 11.077 tấn cà phê với kim ngạch 24,7 triệu USD (tăng hơn 59% về lượng và tăng hơn 70% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021)…

Bà Đào Thị Thu Nguyệt-Phó Giám đốc Sở Công thương-đánh giá: Trong tháng 8-2022, kinh tế thế giới có nhiều biến động do tình hình lạm phát đang diễn ra tại Mỹ và các quốc gia khu vực châu Âu làm cho nhu cầu tiêu dùng giảm, giá cước vận tải tăng cao nên gián đoạn chuỗi cung ứng, gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu. Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc gặp khó khăn do việc áp dụng chính sách “Zero Covid”. Do đó, giá cà phê xuất khẩu giảm 3-4% so với tháng 7-2022. Tuy nhiên, đánh giá chung trong 8 tháng thì hoạt động xuất khẩu vẫn tăng trưởng khá cao. Cà phê tiếp tục là mặt hàng dẫn đầu, chiếm hơn 77,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Đây là kết quả khá ấn tượng từ trước tới nay đối với cà phê. Những năm trước, kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt 200-300 triệu USD, nhưng mới 8 tháng năm nay đã đạt đến 396 triệu USD và dự báo tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới.

Theo bà Nguyệt, nguyên nhân thúc đẩy xuất khẩu cà phê tăng trưởng mạnh là do nguồn hàng dồi dào, giá xuất khẩu bình quân tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái, nhu cầu tiêu dùng tại một số thị trường chính như EU, Mỹ tăng. Bên cạnh đó, việc mở cửa lại thị trường trong điều kiện bình thường mới ở nước ta cũng như các quốc gia khu vực châu Âu, châu Á đã tạo thuận lợi cho việc đi lại, thông thương. Cùng với đó, tác động tích cực của các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, RCEP, UKVFTA… đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu. Đặc biệt, các ưu đãi thuế quan từ Hiệp định EVFTA đã mang lại động lực cho các doanh nghiệp xuất khẩu mở rộng thị phần tại các nước khu vực EU. Mặt khác, Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới nên khi quốc gia đứng đầu về xuất khẩu cà phê là Brazil bị giảm sản lượng đã tạo cơ hội cho xuất khẩu cà phê trong nước nói chung và Gia Lai nói riêng.

Nâng cao chất lượng cà phê xuất khẩu

Toàn tỉnh hiện có khoảng 98.395 ha cà phê, năng suất bình quân 2,94 tấn/ha, sản lượng bình quân hàng năm đạt khoảng 257.480 tấn. Trong đó, diện tích cà phê sản xuất có chứng nhận khoảng hơn 36.000 ha. Ông Nguyễn Nam Hải-Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam-cho rằng: Việc áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn 4C, Rainforest Alliance, Organic… sẽ giúp nâng cao chất lượng mặt hàng cà phê của tỉnh. Từ đó, tạo nguồn hàng xuất khẩu có sức cạnh tranh để mở rộng thâm nhập vào các thị trường khó tính.

Hiện nay, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp đang liên kết với người dân các huyện: Ia Grai, Đức Cơ, Chư Prông, Đak Đoa, Chư Sê và TP. Pleiku sản xuất khoảng 20.000 ha cà phê đạt các chứng nhận 4C, UTZ, Organic…; năng suất bình quân đạt 3,5 tấn/ha, sản lượng thu mua hàng năm khoảng 70 ngàn tấn. Ông Thái Như Hiệp-Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp-cho biết: Công ty đã mở rộng thị trường xuất khẩu ra hơn 40 nước trên thế giới, trong đó, thị trường châu Âu chiếm khoảng 60%. Dự kiến trong năm nay, sản lượng hàng xuất khẩu của Công ty có thể đạt 175 ngàn tấn với kim ngạch xuất khẩu ước khoảng 300 triệu USD. Để có nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ chế biến hàng xuất khẩu, Công ty đã liên kết với các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất cà phê chất lượng cao. Ngoài việc đã xây dựng được những vùng nguyên liệu sạch, Công ty cũng có tầm nhìn lớn về tương lai đối với ngành cà phê khi mạnh dạn đầu tư xây dựng 4 nhà máy chế biến lớn. Hiện nay, các doanh nghiệp đang cố gắng xây dựng nhà máy sử dụng công nghệ tối ưu để cho ra sản phẩm có giá trị cao, có thương hiệu phục vụ thị trường thế giới.

Gia Lai là có nền sản xuất cà phê đang chuyển dần từ trạng thái nông nghiệp cảm tính trở thành sản xuất nông nghiệp bền vững.
Gia Lai là có nền sản xuất cà phê đang chuyển dần từ trạng thái nông nghiệp cảm tính trở thành sản xuất nông nghiệp bền vững. Ảnh nguồn internet


“Lợi thế lớn nhất của Gia Lai là có nền sản xuất cà phê đang chuyển dần từ trạng thái nông nghiệp cảm tính trở thành sản xuất nông nghiệp bền vững. Trong nông nghiệp bền vững, họ đã chú trọng đến khâu chế biến, thu hoạch, giảm tổn thất sau thu hoạch để nâng cao giá trị sản phẩm. Cà phê của Gia Lai hiện được các nước trên thế giới đánh giá có chất lượng rất tốt và là một trong những sản phẩm tiềm năng để đi vào các thị trường khó tính nhất. Tỉnh cũng đang tăng tốc phát triển và mở rộng vùng nguyên liệu trọng điểm, trong đó có sự hỗ trợ của Nhà nước để liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác giữ ổn định vùng nguyên liệu sạch. Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê Robusta rất lớn nhưng giá trị chế biến sâu lại đang ở tốp dưới vì xuất khẩu vẫn là xuất khẩu thô, chưa mang lại giá trị gia tăng cao. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp xây dựng được thương hiệu cà phê chế biến sâu. Tuy nhiên, việc xây dựng và định hướng thương hiệu để đưa sản phẩm xuất khẩu ra thị trường vẫn còn ít”-ông Hiệp thông tin thêm.

Theo bà Đào Thị Thu Nguyệt, các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cà phê đang đóng góp rất lớn vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Song hiện nay, cà phê xuất khẩu phần lớn là nhân xô, sản phẩm qua chế biến sâu như cà phê rang xay, cà phê hòa tan chiếm tỷ trọng rất nhỏ. “Tỉnh đang đẩy mạnh chương trình tái canh cây cà phê; xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, đổi mới công nghệ sơ chế, bảo quản, chế biến sâu nhằm tăng giá trị cho sản phẩm. Bên cạnh đó, tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng hiệu quả công tác thông tin, dự báo về các thị trường xuất khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tối đa lợi thế mà các hiệp định thương mại tự do mang lại”-Phó Giám đốc Sở Công thương cho hay.

 

 THẢO NGUYÊN
 

 

Có thể bạn quan tâm