Kinh tế

Giá cả thị trường

Xuất khẩu càphê Việt Nam xếp thứ 2 thế giới và nỗi thiệt thòi "xuất thô"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Càphê Việt Nam đã được xuất khẩu đến hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm 14,2% thị phần xuất khẩu càphê nhân toàn cầu, nhưng chủ yếu xuất thô.

Mỗi năm xuất khẩu càphê mang về trên 3 tỉ USD. Ảnh: Vũ Long
Mỗi năm xuất khẩu càphê mang về trên 3 tỉ USD. Ảnh: Vũ Long


Càphê - 1 trong 6 mặt hàng xuất khẩu trên 3 tỉ USD/năm

Càphê là một trong 6 mặt hàng xuất khẩu trên 3 tỉ USD/năm, sánh vai cùng với các mặt hàng giá trị cao như gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản, hạt điều, gạo, rau quả, caosu... là những mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu thuộc "tốp đầu" của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Năm 2021, mặc dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng xuất khẩu càphê của Việt Nam vẫn mang về trên 3 tỉ USD, đóng góp vào tăng trưởng chung của xuất khẩu hàng hóa Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Nam Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa), xuất khẩu càphê Việt Nam lớn thứ hai thế giới, chiếm 8,3% thị phần xuất khẩu càphê toàn cầu, chỉ đứng sau Brazil. Các thị trường xuất khẩu càphê chính của Việt Nam bao gồm: Châu Âu (EU), Mỹ, Nga, Nhật Bản, Anh. Tại thị trường EU, Việt Nam là nhà cung ứng càphê lớn thứ hai sau Brazil (22,2%), chiếm 16,1% thị phần về lượng. Đặc biệt, trong năm 2021, giá càphê thế giới tăng nhanh đã hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam thu về kim ngạch xuất khẩu rất khả quan, dù số lượng càphê xuất khẩu giảm.

 

Xuất khẩu thô khiến giá trị càphê bị giảm sút. Ảnh: Vũ Long
Xuất khẩu thô khiến giá trị càphê bị giảm sút. Ảnh: Vũ Long


Nỗi thiệt thòi của càphê chất lượng cao nhưng không được chế biến sâu

Số liệu thống kê cho thấy, mặc dù đứng thứ 2 về xuất khẩu trên thị trường thế giới, nhưng điều đáng nói là, càphê Việt Nam đang thiệt thòi vì ít được chú trọng chế biến sâu, chủ yếu xuất khẩu thô ra thế giới với giá trị gia tăng thấp. Theo Vicofa, giá cho một tấn càphê chế biến trung bình đạt gần 3.600 USD, trong khi giá càphê nhân trên sàn chỉ đạt khoảng 2.400 USD.

Các doanh nghiệp Việt Nam đã nhận thấy điều này và đang đẩy mạnh chế biến sau, thay cho cảnh xuất khẩu càphê nhân đầy thiệt thời và rủi ro do bị tính "trừ lùi". Hiện nay, càphê rang xay và hoà tan xuất khẩu đã chiếm 9,1% thị phần, tạo ra nhiều cơ hội cũng như triển vọng ngành càphê khi Việt Nam ngày càng thâm nhập sâu hơn vào thị trường quốc tế thông qua các Hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA đã ký kết. Trong đó, EU là thị trường tiêu thụ càphê nhiều nhất, chiếm 40% tổng lượng và 38% tổng kim ngạch xuất khẩu; tiếp theo là Đông Nam Á với 13%. Đặc biệt, tại thị trường Trung Quốc, càphê Việt Nam đã chiếm hơn 30% tổng lượng nhập khẩu càphê của thị trường đông dân nhất thế giới này, bao gồm cả càphê nhân, rang xay, hoà tan, uống liền…

Tuy nhiên, số lượng xuất khẩu càphê đã qua chế biến chỉ chiếm số lượng ít ỏi trong tổng số khoảng 1,5-2 triệu tấn cà phê xuất đi mỗi năm. Điều này khiến càphê Việt Nam bị thiệt thòi "kép" không chỉ về giá trị kim ngạch xuất khẩu, mà còn về thương hiệu.

Ông Nguyễn Văn Minh - Tổng Giám đốc Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe) - cho biết: "Thương hiệu càphê chế biến của Việt Nam vẫn chưa có chỗ đứng trên thị trường thế giới. Muốn phát triển ngành hàng càphê thì cần đi theo hướng chế biến. Nhưng vấn đề phát triển thương hiệu hiện nay rất khó bởi thị trường đang có quá nhiều "người khồng lồ"".

Chính vì vậy, trong 10 năm tới, Vicofa đặt mục tiêu đưa kim ngạch xuất khẩu càphê đạt 5-6 tỉ USD, tăng gấp 2 lần so với kim ngạch xuất khẩu càphê hiện nay, trong đó đẩy mạnh xuất khẩu càphê chế biến với giá trị gia tăng cao hơn.

Ông Nguyễn Ngọc Luận - Giám đốc điều hành Meet More Coffee - cho hay, ngay trong ngày đầu năm mới, doanh nghiệp của ông đã thực hiện hợp đồng xuất khẩu đi thị trường EU 2 container càphê chế biến hòa tan pha trộn với các loại nông sản khác như càphê trái nhàu, càphê bạc hà, càphê khoai môn, càphê xoài, càphê dừa, càphê đậu xanh. Tổng sản lượng lô hàng đợt này là 24 tấn, được một hệ thống siêu thị có trụ sở tại Cộng hòa Czech đặt hàng, dự kiến sẽ phân phối ở các thị trường Czech, Pháp, Đức.

Điều này cho thấy, chế biến sâu giúp càphê Việt Nam xuất khẩu bền vững và đạt giá trị cao hơn.

 

Theo Vicofa, hiện nay, cả nước có 97 cơ sở chế biến càphê nhân với tổng công suất thiết kế 1,5 triệu tấn; 160 cơ sở chế biến càphê rang xay, tổng công suất thiết kế 51,7 nghìn tấn sản phẩm/năm; 8 cơ sở sản xuất càphê hoà tan, tổng công suất thiết kế 36,5 nghìn tấn sản phẩm/năm; 11 cơ sở chế biến càphê phối trộn, tổng công suất thiết kế 139,9 nghìn tấn sản phẩm/năm.


https://laodong.vn/kinh-te/xuat-khau-caphe-viet-nam-xep-thu-2-the-gioi-va-noi-thiet-thoi-xuat-tho-991394.ldo


Theo Vũ Long (LĐO)

Có thể bạn quan tâm