Kinh tế

Giá cả thị trường

Xuất khẩu của Gia Lai lạc quan về đích

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong 9 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai ước tính 545 triệu USD, đạt hơn 82% kế hoạch, tăng hơn 21% so với cùng kỳ năm 2021. Giá trị xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực như cà phê, trái cây tiếp tục được nâng lên. Đây là tín hiệu lạc quan để kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt mục tiêu 660 triệu USD theo kế hoạch.
Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực tăng trưởng mạnh
Theo thông tin từ Sở Công thương, tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh trong 9 tháng năm 2022 ước tính 545 triệu USD, đạt 82,58% kế hoạch, tăng 21,11% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, giá trị xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực như cà phê, hồ tiêu, trái cây có mức tăng khá mạnh. Riêng mặt hàng cà phê đã chiếm gần 75% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh với sản lượng đạt 203 ngàn tấn, tương ứng kim ngạch 406 triệu USD (tăng 7,4% về lượng và 30% về giá trị). Nguyên nhân xuất khẩu cà phê tăng mạnh là bởi Brazil-quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới-bị giảm sản lượng. Điều này đã tạo cơ hội cho xuất khẩu cà phê trong nước nói chung và Gia Lai nói riêng tăng lên. Bên cạnh đó, giá trị xuất khẩu cà phê tăng mạnh còn là do giá xuất khẩu bình quân tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đóng gói sản phẩm cà phê tại Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, TP. Pleiku. Ảnh: Hà Duy
Đóng gói sản phẩm cà phê tại Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, TP. Pleiku. Ảnh: Hà Duy
Ông Nguyễn Văn Thành-Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hoa Trang-cho biết: “Mỗi năm, Công ty xuất khẩu khoảng 50-60 ngàn tấn cà phê nhân vào thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật, Thái Lan, Singapore… Chỉ riêng trong 8 tháng năm 2022, sản lượng cà phê xuất khẩu đạt khoảng 50 ngàn tấn, tương ứng kim ngạch trên 85 triệu USD. Nhu cầu nhập khẩu và tiêu dùng cà phê tại thị trường các nước phương Tây rất lớn. Nhờ đó, sản lượng hàng xuất khẩu tiếp tục duy trì ổn định và có mức tăng trưởng. Dự kiến năm 2022, sản lượng hàng xuất khẩu của Công ty sẽ đạt mục tiêu đề ra”.
Bên cạnh cà phê, trái cây cũng là mặt hàng xuất khẩu có sự bứt phá mạnh mẽ từ đầu năm đến nay. Ông Đinh Văn Tĩnh-Phó Giám đốc DOVECO Gia Lai-cho hay: Sản phẩm xuất khẩu chính của Công ty là chanh dây, dứa, xoài, chuối… với thị trường chủ yếu là Đức, Hà Lan, Bỉ, Italia, Tây Ban Nha, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Úc. Trong đó, thị trường EU chiếm gần một nửa. Bên cạnh những thuận lợi về duy trì ưu thế tại các thị trường lớn, Công ty cũng gặp một số khó khăn nhất định do chi phí vận tải biển tăng rất cao, tình trạng tắc nghẽn xảy ra ở các cảng tại một số nước nhập khẩu. Tuy nhiên, Công ty vẫn đặt mục tiêu sản lượng hàng xuất khẩu năm 2022 đạt khoảng 50 ngàn tấn với kim ngạch tương ứng khoảng 95-110 triệu USD.
Chanh dây là một trong những mặt hàng xuất khẩu rất có tiềm năng . Ảnh: Vũ Thảo
Chanh dây là một trong những mặt hàng xuất khẩu rất có tiềm năng của Gia Lai. Ảnh: Vũ Thảo
Là doanh nghiệp mới tham gia hoạt động xuất khẩu chuối già lùn Nam Mỹ từ cuối năm 2020 đến nay, Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn đã có được thị trường ở các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Ông Lê Hoàng Linh-Giám đốc Dự án chuối công nghệ cao thuộc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn-cho hay: Năm 2021, vùng chuối nguyên liệu của Công ty mới chỉ khai thác được một nửa nên kim ngạch xuất khẩu ở mức 5 triệu USD. Năm nay, Công ty phấn đấu xuất khẩu khoảng 22 ngàn tấn, tương đương kim ngạch đạt khoảng 15 triệu USD. Trong 9 tháng qua, Công ty đã xuất khẩu được khoảng 15 ngàn tấn chuối với kim ngạch đạt hơn 10 triệu USD. “Hiện nay, Công ty có 400 ha chuối già lùn Nam Mỹ trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP tại huyện Đak Đoa. Để phát triển thị trường cũng như tăng sản lượng hàng xuất khẩu, Công ty đặt mục tiêu mở rộng diện tích chuối lên 1.000 ha, bình quân mỗi năm tăng khoảng 200 ha”-ông Linh thông tin. 
Hướng đến mục tiêu 660 triệu USD
Bà Đào Thị Thu Nguyệt-Phó Giám đốc Sở Công thương-cho biết: Mặc dù kinh tế trong nước và thế giới tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng những tháng đầu năm nay, nhu cầu tiêu dùng của thị trường thế giới tăng, cộng với việc mở cửa lại thị trường trong điều kiện bình thường mới ở nhiều quốc gia khu vực châu Âu, châu Á đã tạo thuận lợi cho việc đi lại, thông thương. Giá xuất khẩu bình quân một số mặt hàng nông sản chủ lực tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt, giá xuất khẩu cà phê tăng khoảng 20% đã tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Ngoài ra, tác động tích cực của các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, RCEP, UKVFTA... là những yếu tố thúc đẩy hoạt động xuất khẩu.
Công nhân Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đóng gói chuối để xuất khẩu. Ảnh: C.T.V
Công nhân Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đóng gói chuối để xuất khẩu. Ảnh: C.T.V
Hiện trên địa bàn tỉnh có gần 40 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, trong đó có 3 nhà xuất khẩu uy tín năm 2020 do Bộ Công thương bình chọn gồm: Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hoa Trang và Công ty cổ phần Chè Biển Hồ. Mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh gồm: cà phê, cao su, mì lát, trái cây, hồ tiêu, sản phẩm gỗ… Hầu hết các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu đều có nhà máy, cơ sở chế biến quy mô công nghiệp với sự đầu tư đổi mới công nghệ, chú trọng áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất, chế biến. Nhờ đó, các sản phẩm xuất khẩu của tỉnh đã có mặt trên thị trường gần 50 quốc gia. Đặc biệt, một số ngành hàng đã đáp ứng yêu cầu chất lượng đối với thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Nhật Bản… Bên cạnh các mặt hàng xuất khẩu truyền thống thì trái cây là mặt hàng xuất khẩu mới nổi lên trong 2 năm nay với những tiềm năng có thể bứt phá. Hiện nay, Gia Lai đã có nhiều nhà máy chế biến rau quả với quy mô lớn. Một số doanh nghiệp đã ký hợp đồng thu mua thông qua hợp tác xã với các sản phẩm chủ yếu nằm trong chuỗi giá trị gồm chanh dây, chuối tiêu hồng, chuối già Nam Mỹ, dứa, xoài, mít, thanh long… Trong đó, các sản phẩm chủ lực xuất khẩu sang thị trường EU gồm chanh dây, dứa, xoài đông lạnh, chuối đang ngày càng tăng về sản lượng và kim ngạch.
Nhận định tình hình trong 3 tháng còn lại của năm 2022, bà Đào Thị Thu Nguyệt cho rằng, kinh tế thế giới tiếp tục chịu ảnh hưởng từ tình hình lạm phát đang diễn ra tại Hoa Kỳ và các quốc gia khu vực châu Âu khiến nhu cầu tiêu dùng giảm, giá cước vận tải tăng cao làm gián đoạn chuỗi cung ứng, gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu. Bên cạnh đó, việc áp dụng chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc làm hạn chế xuất khẩu nông sản của Việt Nam.  “Với mục tiêu đề ra thì trong 3 tháng cuối năm, kim ngạch xuất khẩu phấn đấu đạt thêm 115 triệu USD nữa là về đích. Theo đó, trung bình mỗi tháng, kim ngạch xuất khẩu phải đạt gần 40 triệu USD. Qua nắm bắt tình hình của các doanh nghiệp cho thấy, hiện nay, với việc mở cửa nhiều thị trường mới, cộng với các hợp đồng đã ký kết giữa doanh nghiệp xuất khẩu với những nhà nhập khẩu nước ngoài ngay từ đầu năm thì khả năng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt mốc 660 triệu USD là hoàn toàn có thể thực hiện được”-Phó Giám đốc Sở Công thương cho hay.
VŨ THẢO
 

Có thể bạn quan tâm