Với mức giá này, gạo 5% và 25% tấm xuất khẩu của nước ta tăng lần lượt 35,1% và 36,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Tương tự, gạo 5% tấm xuất khẩu của Thái Lan vọt lên ngưỡng 603 USD/tấn (tăng 62 USD); gạo 25% tấm tăng 51 USD lên mức 553 USD/tấn so với ngày 19-7 (tăng 42,2% so với cùng kỳ năm 2022).
Theo các chuyên gia, nguyên nhân thị trường gạo thế giới liên tục biến động mạnh trong thời gian gần đây là vì sau khi Ấn Độ (quốc gia chiếm 40% sản lượng gạo xuất khẩu trên thế giới) thông báo cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo tẻ, thì ngày 29-7 vừa qua, Nga thông báo tạm dừng xuất khẩu gạo từ nay đến cuối năm để hỗ trợ thị trường nội địa. Trước thông báo tạm dừng xuất khẩu gạo của Nga 1 ngày, Bộ Kinh tế Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) cũng quyết định dừng xuất khẩu gạo trong 4 tháng. Hiện cả Nga và UAE không nằm trong top 10 nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Song, việc thực hiện lệnh cấm xuất khẩu của 2 quốc gia này khiến thị trường gạo trên toàn cầu thêm chao đảo.
Còn theo kintedothi.vn, hiện các thị trường lớn như: Trung Quốc, Philippines, Indonesia... tranh mua gạo của Việt Nam. Các đối tác nhập khẩu chủ động tìm đến doanh nghiệp Việt Nam hỏi mua gạo. Họ trả giá cao hơn 10-20 USD/tấn so với thời điểm trước khi các quốc gia nói trên cấm xuất khẩu mặt hàng này.
Tính đến giữa tháng 7-2023, nước ta xuất khẩu 4,5 triệu tấn gạo, trị giá 2,39 tỷ USD (tăng trên 21% về lượng và 32% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022).
Tại thị trường trong nước, giá gạo nguyên liệu và gạo thành phẩm ngày 31-7 được duy trì ổn định, dao động từ 10,85 triệu đồng đến 12,5 triệu đồng/tấn.