Kinh tế

Giá cả thị trường

Xuất khẩu tiêu, cà phê chưa hết lo trong năm 2019

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Năm 2018, xuất khẩu cà phê, tiêu chưa đạt được so với kỳ vọng khi giá cả và kim ngạch đều giảm so với năm 2017. Nguyên nhân chủ yếu là do lượng cung vượt quá cầu.
Xuất khẩu cà phê: Chưa khởi sắc
Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), xuất khẩu cà phê tháng 11 năm 2018 ước đạt 145.000 tấn với giá trị đạt 274 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cà phê 11 tháng năm 2018 ước đạt 1,73 triệu tấn và 3,3 tỷ USD, tăng 23,4% về khối lượng và tăng 3,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Xuất khẩu cà phê cả năm 2018 dự báo đạt cao kỷ lục 1,80 triệu tấn và 3,50 tỷ USD, tăng 15% về khối lượng nhưng tương đương về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
 
Giá cà phê thời gian tới khó khởi sắc. Ảnh: I.T.
Giá cà phê xuất khẩu bình quân 10 tháng năm 2018 đạt 1.894 USD/tấn, giảm 16,7% so với cùng kỳ năm 2017. Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 10 tháng năm 2018 với thị phần lần lượt là 12,5% và 9,5%. Các thị trường có giá trị xuấṭ khẩu càphê trong 10 tháng năm 2018 tăng mạnh là: Indonesia (gấp 7 lần), Nga (tăng 69,4%), Philippin (tăng 52,2%), Thái Lan (tăng 51,6%) và Angieri (tăng 19%).
Trong tháng 11/2018, thị trường cà phê trong nước biến động giảm theo xu hướng thị trường thế giới. Giá cà phê London Robusta (hợp đồng tháng 1/2019) đã giảm 84 USD/tấn, từ 1.694 USD/tấn còn 1.610 USD/tấn. Trong nước, cà phê vối nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên giảm 700 – 900 đồng/kg với tháng trước, xuống còn 34.600 – 35.200 đ/kg.
Giá cà phê giảm do thị trường cà phê Robusta tiếp tục chịu sức ép từ hoạt động bán phòng hộ hàng vụ mới của các nước sản xuất. Bên cạnh đó, giá cà phê còn giảm do các nhà đầu cơ và các quỹ đã quay lại bán ròng trên sàn London khi áp lực nguồn cung bắt đầu có dấu hiệu gia tăng.
Dự báo, giá cà phê thời gian tới sẽ khó khởi sắc do sản lượng vụ cà phê Conilon Robusta mới năm nay của Brazil, sau khi đáp ứng đủ cho nhu cầu trong nước dự báo sẽ dư thừa khoảng 4 – 5 triệu bao cho xuất khẩu, đang chảy mạnh về sàn London để đăng ký bán đấu giá.
Xuất khẩu tiêu: Chất lượng sẽ quyết định giá
Báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho thấy, khối lượng hạt tiêu xuất khẩu tháng 11/2018 ước đạt 12.000 tấn, với giá trị đạt 38 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu hạt tiêu 11 tháng năm 2018 ước đạt 220.000 tấn và 718 triệu USD, tăng 8,9% về khối lượng nhưng giảm 32,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
 
Chất lượng sẽ là yếu tố quyết định lên giá hạt tiêu. Ảnh: I.T
Mỹ, Ấn Độ và Pakistan vẫn là 3 thị trường chính của tiêu Việt Nam trong 10 tháng năm 2018, với thị phần lần lượt là 19,6%, 8,2% và 4,3%. Thị phần của các thị trường này đều tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, do giá xuất khẩu hạt tiêu giảm liên tục nên giá trị xuất khẩu tiêu sang hầu hết các thị trường trong 10 tháng năm 2018 đều giảm so với cùng kỳ năm 2017, đặc biệt giảm mạnh nhất ở thị trường Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (giảm tới 34 triệu USD, tương đương giảm 57,7%). Theo đó, giá xuất khẩu hạt tiêu bình quân 11 tháng năm 2018 ước đạt 3.264 USD/tấn, giảm 37,9% so với cùng kỳ năm 2017.
Tại thị trường trong nước, sau 2 tháng tăng giá liên tiếp và đạt trung bình 60.000 đồng/kg tiêu đen vào cuối tháng 10/2018 do sự gia tăng tạm thời của nhu cầu xuất khẩu, đến tháng 11/2018 giá tiêu lại quay về xu hướng giảm giá. Tính đến ngày 26/11/2018, giá thu mua hạt tiêu đen dao động ở mức 55.000-57.000 đồng/kg, giảm 3.000-5.000 đồng/kg so với đầu tháng và giảm khoảng 2.000 đồng/kg so với cùng kỳ tháng trước.
Giá hạt tiêu thế giới được kỳ vọng sẽ tăng nhẹ trong thời gian tới nhờ thặng dư cung – cầu giảm. Năm 2019, dự báo sản lượng của một số nước sản xuất chính như Việt Nam và Ấn Độ đều không khả quan do ảnh hưởng từ dịch bệnh và thiên tai.
Trong dài hạn, chất lượng sẽ là yếu tố quyết định lên giá hạt tiêu, do đó cần có chính sách giúp đỡ và thúc đẩy nông dân sản xuất hạt tiêu theo hướng hữu cơ, đồng thời xây dựng và quảng bá thương hiệu tiêu của từng địa phương đến các thị trường trên thế giới.
Khánh Nguyên (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm