Kinh tế

Giá cả thị trường

Xuất khẩu trái cây: Đi tìm "chân trời mới"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Xuất khẩu rau quả 8 tháng năm 2019 ghi nhận sự sụt giảm đáng kể về kim ngạch, mà nguyên nhân có thể nhìn thấy rất rõ là do thị trường Trung Quốc thay đổi các chính sách kiếm soát nhập khẩu. Sự phụ thuộc vào một thị trường đã cho thấy những hệ lụy khó lường.
Chuối, măng cụt lên ngôi
Trong khi xuất khẩu 2 chủng loại quả lớn nhất là thanh long và sầu riêng giảm thì xuất khẩu măng cụt và chuối tăng mạnh. Trong 7 tháng năm 2019, thanh long là chủng loại quả chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng, đạt 728,6 triệu USD, giảm 1% so với 7 tháng đầu năm 2018. Quả thanh long chủ yếu được xuất khẩu tới thị trường Trung Quốc, đạt 668 triệu USD, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2018.
Chuối là chủng loại quả có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao nhất trong 7 tháng đầu năm 2019, tăng 70,1% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 108,89 triệu USD. Xuất khẩu chuối tăng nhờ xuất khẩu sang Trung Quốc  tăng 74,2% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 100,7 triệu USD.
 
Chế biến xoài, dừa xiêm xuất khẩu ở Công ty Long Uyên (Tiền Giang).  Ảnh: T.L
Trong 7 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu sản phẩm rau quả chế biến tăng trưởng khả quan nhờ xuất khẩu nước ép chanh leo tăng mạnh, tăng 187,5% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 42,9 triệu USD.
Xuất khẩu giảm khiến giá nhiều loại trái cây giảm sâu, trong đó giảm nhiều nhất là dưa hấu, dừa xiêm và thanh long. Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), trong tháng 8, tại tỉnh Tiền Giang ghi nhận có 3 loại trái cây bị rớt giá nặng nề là dưa hấu, dừa xiêm và thanh long.
Tìm kiếm thị trường mới

Trong bối cảnh thị trường Trung Quốc ngày càng khắt khe, việc bị phụ thuộc đã cho thấy nhiều rủi ro. Vì vậy, việc tìm kiếm, mở rộng các thị trường mới là vô cùng cần thiết lúc này.


Ông Nguyễn Quý Dương - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) cho hay, từ tháng 5/2018, phía Trung Quốc bắt đầu phát đi thông tin về việc siết chặt quy định, yêu cầu với trái cây Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc. Theo đó, phía Trung Quốc yêu cầu sản phẩm để truy xuất nguồn gốc phải được cấp mã số vùng trồng và cấp mã số cơ sở đóng gói.
Hiện nay, với trái cây xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, các yêu cầu về cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói, phía Trung Quốc cho phép Việt Nam tự làm, tự đánh giá, tự cấp mã số. Trung Quốc chỉ thông qua mã số chứ chưa tiến hành kiểm tra hay làm bất cứ động thái gì khác.
Dù vậy, điểm mấu chốt theo ông Dương đánh giá, khả năng cao phía Trung Quốc sẽ dần nâng yêu cầu lên kèm theo các tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể, thậm chí sang kiểm tra thực tế. Nếu làm không đúng như yêu cầu, tiêu chuẩn thì phía Trung Quốc sẽ cho dừng lại các mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói không đạt.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản dự báo, xuất khẩu hàng rau quả những tháng cuối năm sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn như kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang gây tâm lý lo ngại cho hoạt động thương mại và đầu tư.
Tình hình xuất khẩu rau quả Việt Nam
Tháng 8/2019 xuất khẩu rau quả đạt 240 triệu USD, giảm 33,3 so với cùng kỳ 2018.
Tính chung trong 8 tháng qua, xuất khẩu rau quả ước đạt 2,52 tỷ USD, giảm 6,0% so với cùng kỳ năm 2018.

Ngoài ra, nhiều thị trường tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường khắt khe như Ủy ban châu Âu siết chặt mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với nông sản nhập khẩu, nhiều thị trường ban hành quy định về truy xuất nguồn gốc, chứng nhận kiểm dịch thực phẩm, quy trình đóng gói và vận chuyển… cũng sẽ là những yếu tố gây thêm bất lợi cho xuất khẩu trái cây của Việt Nam.

Theo đánh giá, hiện nhập khẩu các loại quả mã HS 081090 (quả me tươi, táo hạt điều, mít, vải, mận, hồng xiêm, lạc tiên, khế, thanh long) của Úc đang tăng đáng kể, tạo cơ hội cho trái cây Việt Nam. Thống kê cho thấy, trong tháng 5/2019, nhập khẩu quả mã HS 081090 của Úc đạt 391.000USD, tăng 101,5% so với cùng kỳ năm 2018. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 5/2019, nhập khẩu quả mã HS 081090 của Úc đạt 1,9 triệu USD, tăng 11,3% so với cùng kỳ.

Trong 5 tháng đầu năm 2019, Việt Nam là thị trường cung cấp chủng loại quả mã HS 081090 chủ yếu cho Úc với thị phần chiếm 41% trong tổng nhập khẩu của Úc, đạt 796.000USD, tăng 38,4% so với cùng kỳ năm 2018. Thị phần chủng loại quả mã HS 081090 Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Úc tăng thêm 8,2 điểm phần trăm trong 5 tháng đầu năm 2019.
Trong nhóm quả mã HS 081090, Việt Nam mới được cấp phép xuất khẩu quả vải và quả thanh long vào thị trường Úc. Úc là một trong những nước có các quy định về kiểm dịch khắt khe nhất trên thế giới. Như vậy, với tốc độ tăng trưởng mạnh trong nhập khẩu đối với chủng loại quả vải và quả thanh long, cho thấy Việt Nam đã đáp ứng được những quy định nghiêm ngặt để nhập khẩu được hai loại quả này vào Úc.  năm 2018.
Khánh Nguyên (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm