Kinh tế

Giá cả thị trường

Xuất khẩu trên 3 tỷ USD, triển vọng sáng cho ngành cao su năm 2022

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Năm 2022, Việt Nam có khả năng hưởng lợi kép cả về sản lượng xuất đi và giá trị kim ngạch thu do thế giới vẫn khan hiếm nguồn nguyên liệu cao su, giá mủ cao su tiếp tục tăng hoặc neo ở mức cao.

Người dân huyện biên giới Bù Gia Mập, Bình Phước phấn khởi giá mủ đầu mùa cao. Ảnh: K GỬIH/TTXVN
Người dân huyện biên giới Bù Gia Mập, Bình Phước phấn khởi giá mủ đầu mùa cao. Ảnh: K GỬIH/TTXVN
Năm 2021 là một năm đầy sóng gió với ngành cao su Việt Nam. Mặc dù dịch COVID-19 đã tác động mạnh đến toàn bộ quá trình sản xuất, chế biến từ hoạt động sản xuất mủ cao su, đến chế biến gỗ cao su, nhưng ngành cao su Việt Nam đã nỗ lực khắc phục và tiếp tục tiến đến mục tiêu phát triển bền vững đề ra trong năm 2022.
Đồng lòng về đích
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm 2021, nhờ giá cao su liên tục tăng bất chấp dịch COVID-19 diễn ra khắp toàn cầu, lượng cao su Việt Nam xuất khẩu chỉ tăng 11,7% so với năm 2020 nhưng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3,24 tỷ USD, tăng 36,2% so với năm 2020.
Các chuyên gia ngành cao su đánh giá, cao su Việt Nam đã có mặt tại hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đứng thứ 3 toàn cầu về giá trị xuất khẩu. Thành công của ngành cao su Việt Nam trong năm qua đến từ việc cao su Việt Nam ngày càng thâm nhập sâu hơn vào các thị trường quan trọng.
Đại diện Hiệp hội cao su Việt Nam chia sẻ cao su luôn nằm trong nhóm những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam. Đặc biệt, nhiều sản phẩm chế biến từ ngành công nghiệp cao su như xăm lốp, găng tay, gioăng cao su… đã chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu của ngành cao su.
Đơn cử, trong năm 2021, chỉ riêng Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam đã cung ứng sản lượng mủ cao su khai thác là 402.900 tấn, đạt 106% kế hoạch, tăng hơn 30.000 tấn so với năm 2020, thu mua đạt trên 90.500 tấn, vượt 28% so với kế hoạch; tiêu thụ trên 490.000 tấn, vượt 7% so với kế hoạch.
Tập đoàn có 15 công ty thành viên đã xây dựng phương án quản lý rừng bền vững trên 200.925 ha (chiếm 69,7% tổng diện tích cao su của Tập đoàn tại Việt Nam); trong đó, 12 công ty được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế (VFCS/PEFC-FM) trên 70.030 ha cao su và được cấp chứng chỉ quốc tế PEFC-CoC cho 22 nhà máy chế biến mủ cao su.
Đây chính là sự đồng lòng phát triển, đưa ngành cao su vượt qua khó khăn do diễn biến dịch COVID-19, nhiều nhà máy phải đóng cửa, ngừng hoạt động trong thời gian dài để ứng phó với dịch bệnh.
Chính vì những biến động lớn do dịch bệnh COVID-19 này đã tác động mạnh đến nguồn nguyên liệu cao su, gỗ cao su phục vụ cho chế biến và xuất khẩu. Hiệp hội cao su Việt Nam nhận định, trong tình huống khó khăn lại chứa nhiều cơ hội cho ngành cao su Việt Nam.
Tình trạng khan hiếm nguồn nguyên liệu cao su trong năm 2021 và có thể cả ở năm 2022 sẽ khiến giá mủ cao su tiếp tục tăng hoặc neo ở mức cao, sẽ cho Việt Nam hưởng lợi kép cả về sản lượng xuất đi và giá trị kim ngạch thu về.
Nguồn cung cao su thiên nhiên toàn cầu dự kiến sẽ thiếu hụt do ảnh hưởng bởi mùa mưa kéo dài ở một số nước châu Á cuối năm 2021.

Công nhân Công ty Cao su Quảng Trị thu hoạch mủ cao su. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN
Công nhân Công ty Cao su Quảng Trị thu hoạch mủ cao su. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN
Theo Hiệp hội Các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC), triển vọng nhu cầu về cao su tự nhiên của thế giới sẽ tăng lên trong thời gian tới. Bởi việc nới lỏng các hạn chế liên quan đến đại dịch COVID-19 như mở lại biên giới quốc tế của một số quốc gia và nối lại các hoạt động kinh tế hơn đã góp phần đáng kể vào sự phục hồi nhu cầu tiêu dùng cao su trong năm 2022. Vì vậy, triển vọng ngành cao su năm 2022 sẽ vẫn rất sáng, giá bán sẽ tiếp tục giữ ở mức cao.
Phát triển bền vững
Phát triển bền vững ngành cao su Việt Nam không chỉ riêng trong hoạt động sản xuất mủ, chăm sóc vườn cây cao su. Đây là mục tiêu toàn ngành nhằm đưa các sản phẩm của ngành cao su Việt Nam đủ vị thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế cũng như tiêu chí rừng bền vững, tuân thủ các yêu cầu của nhà nhập khẩu sản phẩm cao su Việt Nam.
Ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) chia sẻ, năm 2022 tiếp tục được dự báo là một năm có nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19 có những diễn biến phức tạp.
Thêm vào đó, những thay đổi bất lợi về thời tiết, thị trường giá cả của cao su tuy có dấu hiệu tăng trở lại nhưng chưa ổn định… sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến Tập đoàn và các đơn vị thành viên trong quá trình thực hiện tất cả các nhiệm vụ.
Tuy nhiên, ngành cao su nói chung, VRG cùng các thành viên của Tập đoàn nói riêng vẫn tiếp tục kế hoạch phát triển một ngành cao su bền vững, đủ sức cạnh tranh với thị trường thế giới về sản phẩm, cũng như chăm lo cho đời sống của người lao động trong ngành cao su.
Cụ thể, mục tiêu đặt ra của VRG trong năm 2022 là doanh thu hợp nhất dự kiến 30.000 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất dự kiến 6.300 tỷ đồng.
Để có thể làm được điều này, VRG cùng các thành viên bắt tay ngay vào việc xây dựng kế hoạch, các phương án và giải pháp để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2022, đảm bảo mức tăng trưởng chung khoảng từ 5% trở lên so với năm 2021 về doanh thu, lợi nhuận, các chỉ tiêu khác.
Bên cạnh đó, ngành cao su Việt Nam tăng cường quản lý, tổ chức sản xuất, duy trì năng suất vườn cây, thí điểm chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở một số khu vực đủ điều kiện ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao...
Các doanh nghiệp cao su thành viên của VRG cũng tích cực xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường, đẩy mạnh công tác kinh doanh, phối hợp tổ chức đánh giá thị trường và dự báo triển vọng thị trường, điều hành cơ chế giá linh hoạt, phù hợp để đảm bảo công tác tiêu thụ đạt hiệu quả cao nhất.
Đồng thời, VRG nói riêng, ngành cao su Việt Nam nói chung thực hiện chứng chỉ quốc gia về quản lý rừng cao su bền vững theo kế hoạch hoạt động phát triển bền vững năm 2021, tăng cường thực hiện lộ trình tái kết nối với FSC (Hội đồng quản lý rừng bền vững), thực hiện các giải pháp phát triển bền vững để mang lại giá trị thương hiệu và giá trị kinh tế cao, ông Trần Ngọc Thuận nhấn mạnh.
Theo đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Tổng Công ty cao su Đồng Nai, trong năm 2022, cùng với VRG và các doanh nghiệp cao su khác, Tổng công ty cao su Đồng Nai tiếp tục kiên định thực hiện chiến lược phát triển đơn vị trên 3 trụ cột: kinh tế-xã hội-môi trường. Đồng thời, Tổng Công ty Cao su Đồng Nai tăng cường sử dụng cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trên vườn cây.
Xác định việc sử dụng cơ giới hóa là yếu tố then chốt, là “chìa khóa” quyết định năng suất, chất lượng vườn cây, tiết kiệm chi phí quản lý, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập cho người lao động.
Ngoài ra, Tổng công ty cao su Đồng Nai cũng phối hợp với Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Bách Khoa, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng để tuyển dụng nhân sự khoa học kỹ thuật có trình độ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của đơn vị.
Tổng công ty sẽ dịch chuyển sang phát triển về dịch vụ nông nghiệp cây cao su như cơ giới hóa, tự động hóa trên vườn cây, đặt trọng tâm phát triển công ty con trực thuộc, đảm nhận vấn đề cơ giới hóa, dịch vụ chuyên nghiệp cho cây cao su.
Hồng Nhung (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm