Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Xứng đáng với Xu Man

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những ngày cuối thu, chầm chậm đi qua những cung đường Phố núi Pleiku (tỉnh Gia Lai) cảm nhận chút lạnh khẽ khàng, dừng chân thưởng lãm những tác phẩm mỹ thuật bên đường Anh Hùng Núp, bắt gặp một cao nguyên đa sắc. Cảm giác như được sở hữu, được chạm vào vẻ đẹp của vùng đất, của mùa thu cao nguyên hay cả chiều dài thăm thẳm của văn hóa bản địa qua những mùa lễ hội trong những tác phẩm.



Triển lãm mỹ thuật toàn tỉnh tổ chức định kỳ 2 năm một lần là dịp để giới thiệu thành quả sáng tác của các họa sĩ với công chúng yêu nghệ thuật. Theo đánh giá của họa sĩ Lê Hùng-Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tại Gia Lai: “Qua các lần tổ chức, dấu ấn cá nhân riêng biệt và phong cách sáng tạo của đội ngũ họa sĩ tỉnh nhà bộc lộ khá rõ. Sinh thời, họa sĩ Xu Man nói rằng, ông là một con sói cô độc ở đất này. Nhưng nay, thế hệ trẻ đã có sự kế thừa và đưa phong trào mỹ thuật ngày một phát triển xứng tầm. Đó là những họa sĩ tài năng, được học hành bài bản và có tinh thần lao động nghiêm túc, xứng đáng nối tiếp thành tựu thế hệ đi trước để lại. Minh chứng cho điều này là những tác phẩm giới thiệu tại Triển lãm mỹ thuật Gia Lai-Kon Tum vừa diễn ra. Đây là triển lãm có nhiều tác phẩm chất lượng nhất từ trước tới nay”.

 Tác phẩm “Chân dung Anh hùng Núp” của nhà điêu khắc Nguyễn Vinh. Ảnh: Hoàng Ngọc
Tác phẩm “Chân dung Anh hùng Núp” của nhà điêu khắc Nguyễn Vinh. Ảnh: Hoàng Ngọc


Một số tác phẩm trưng bày tại đây từng đạt giải cao tại Triển lãm mỹ thuật khu vực miền Trung-Tây Nguyên lần thứ 25 diễn ra vào tháng 8 vừa qua như: “Phòng dịch vùng cao” (giải A, Nguyễn Văn Chung), “Nắm đấm sắt” (giải C, Nguyễn Vinh). Bên cạnh đó là những tác phẩm giàu giá trị nghệ thuật khác như: “Rừng khóc” (chất liệu tổng hợp, Lê Hùng), “Chiều Tây Nguyên”(sơn mài, Hồ Thị Xuân Thu), “Đại ngàn linh ẩn” (acrylic, Nguyễn Thị Tú Quyên), “Bên đường” (khắc gỗ tổng hợp, Võ Văn Tiếng), “Lễ pơ thi” (sơn dầu, Trần Quang Lực)…

Dịp này, nhà điêu khắc trẻ Nguyễn Vinh ra mắt công chúng yêu nghệ thuật tác phẩm hoàn thành trước ngày diễn ra triển lãm, đó là “Chân dung Anh hùng Núp” (chất liệu composite). Cùng với nhiều tác phẩm đã đạt giải, mang đậm dấu ấn cá nhân, Nguyễn Vinh khiến người trong giới cũng bất ngờ trước tinh thần lao động nghệ thuật bền bỉ, đầy sáng tạo của anh.

Họa sĩ Mai Quý Ngọc khẳng định dấu ấn riêng qua hàng loạt giải thưởng mỹ thuật trong những năm gần đây, song mỗi lần tham gia các sân chơi này, anh cho rằng mình học hỏi được rất nhiều điều. Chia sẻ về triển lãm vừa diễn ra, họa sĩ Mai Quý Ngọc không giấu được niềm vui trước tinh thần lao động nghệ thuật của những người trong giới: “Đẹp, đa dạng chất liệu, nhiều phong cách, bút pháp phong phú, kỹ thuật đa dạng… là ấn tượng của tôi khi thưởng thức tác phẩm của đồng nghiệp. Các họa sĩ phát hiện nhiều đề tài trong cuộc sống, sinh hoạt đời thường cũng như vẻ đẹp vùng đất tươi đẹp, tạo nên một phòng tranh đậm sắc màu Tây Nguyên. Tiếp nối thành công, chúng tôi càng trân trọng tài năng, đóng góp của những họa sĩ gắn bó cả cuộc đời mình cho phong trào mỹ thuật địa phương. Họ là niềm tự hào, là tấm gương để chúng tôi học tập, rèn luyện cho ra đời những tác phẩm mới, thể hiện cá tính sáng tạo của mình”.

 

Phong trào mỹ thuật Gia Lai ngày càng lớn mạnh và đến gần với công chúng yêu nghệ thuật. Ảnh: Hoàng Ngọc
Phong trào mỹ thuật Gia Lai ngày càng lớn mạnh và đến gần với công chúng yêu nghệ thuật. Ảnh: Hoàng Ngọc

Họa sĩ Mai Quý Ngọc cho biết thêm, những thể nghiệm mới mẻ, cách sử dụng chất liệu để thể hiện nội dung, ý đồ nghệ thuật của các họa sĩ giúp anh đúc kết được nhiều kinh nghiệm. Anh cho hay: “Nếu chất liệu tổng hợp được các nghệ sĩ sử dụng nhiều cho thấy sự điêu luyện tay nghề, tạo nên sự mới lạ và nâng cao hiệu ứng tác phẩm thì sơn dầu là chất liệu đẹp và sang trọng giúp ta cảm nhận sự khỏe khoắn, khúc chiết về màu sắc, ánh sáng, cảm xúc của nghệ sĩ. Bên cạnh đó, chất liệu acrylic được giới mỹ thuật ưa thích trong quá trình sáng tác vì độ trong, sáng cũng như nét đẹp riêng lôi cuốn mạnh mẽ người thưởng lãm. Trong khi đó, sơn mài là chất liệu truyền thống, đòi hỏi cao về kỹ thuật để tạo nên những mảng màu tinh tế, đường nét hư ảo, quyến rũ. Đây là chất liệu đã làm nên tên tuổi của nữ họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu và tại triển lãm lần này, có thêm sự xuất hiện của một số tác giả trẻ như: Châu Thị Ái Vân với tác phẩm “Mừng lúa mới”, “Chiều bình yên”; Châu Bảo Yến với tác phẩm “Hoa ly”.

Họa sĩ Lê Hùng cho rằng: “Họa sĩ Xu Man không còn là con sói cô độc. Ngọn lửa đam mê và những sáng tạo nghệ thuật giàu giá trị của ông đã truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ hôm nay. Sự phát triển cả về đội ngũ lẫn chất lượng nghệ thuật minh chứng qua các giải thưởng ở sân chơi mỹ thuật khu vực và toàn quốc qua các năm đã nói lên điều đó”. Kỳ vọng vào đội ngũ sáng tác trẻ, họa sĩ Lê Hùng chia sẻ: “Điều đáng mừng là thế hệ kế tiếp như: Mai Quý Ngọc, Nguyễn Văn Chung, Lê Nguyễn Thảo My, Nguyễn Vinh… được sinh ra và lớn lên ở vùng đất này, đây là quê hương, máu thịt nên họ nắm bắt và thể hiện thuận lợi, tạo ra nhiều tác phẩm thành công, ghi đậm dấu ấn. Trong quá trình trải nghiệm, rèn luyện tay nghề, lối tư duy sáng tạo, đội ngũ sáng tác trẻ đã nhìn Tây Nguyên với cảm hứng lạc quan, hiện đại và giàu bản sắc. Qua các lần xét tặng giải thưởng, Hội đồng nghệ thuật Trung ương dành sự công nhận mỹ thuật Gia Lai có phát triển mạnh trong khu vực và cả nước”.

 HOÀNG NGỌC

Có thể bạn quan tâm