Bạn đọc

"Xung đột" thế hệ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chênh lệch khoảng 20 tuổi là đã ở 2 thế hệ khác nhau. Sự khác biệt về tâm sinh lý thường dẫn đến thiếu đồng điệu, đôi khi khá nghiêm trọng. 
Cha con ông T. là một điển hình. Dưới mắt ông, mấy đứa con có những tư duy, hành vi, sở thích không thể chấp nhận được. Mới đây, phát hiện cô con gái đang học năm thứ 2 đại học có hình xăm nhỏ trên cánh tay, ông T. đã nổi trận lôi đình, to tiếng ầm cả xóm.
Biết chuyện, tôi chạy qua can gián. Chờ cô con gái ra khỏi nhà, tôi nói với ông: “Chuyện xăm trổ chưa nói lên điều gì về cháu đâu. Sau khi có nụ hoa ấy trên cánh tay, con bé vẫn ngoan đấy chứ”. Ông T. gay gắt: “Nhìn ngứa mắt lắm anh ạ”.
Tôi liền nhắc lại những câu chuyện liên quan đến tục xăm mình của người Việt, của những chiến binh đời Trần với 2 chữ “Sát Thát” trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông. Có thể là khập khiễng nếu đem những điều ấy so sánh với trào lưu “tattoo” thời hiện đại. Nhưng xét cho cùng, đó chỉ thuần là một cách biểu hiện cá nhân, không vi phạm thuần phong mỹ tục.
Cái “ngứa mắt” của ông T. cũng gần như là cảm giác chung khi thế hệ cha ông nhận định về con cháu mình. Đa phần người lớn thường cố chấp từ cách ăn mặc, xu hướng thẩm mỹ, ngôn từ giao tiếp của giới trẻ, nhiều khi cực đoan.
Ảnh minh họa: INTERNET
Ảnh minh họa: INTERNET
Tôi cho rằng, điều quan trọng nhất là mọi thế hệ đều có bản năng nhận thức được chân-thiện-mỹ của cuộc sống và bản chất của chân-thiện-mỹ là vĩnh viễn. Sự khác nhau nằm ở chỗ hình thức, chẳng qua vì “lịch sử nào, tư duy đó” mà thôi.
Một ông bạn khác của tôi chơi Facebook cả chục năm nay, nhăn nhó than ngôn ngữ tụi nhỏ bây giờ kỳ cục quá, chẳng ra làm sao. Ông quên rằng, nếu ngược dòng thời gian về thuở mới lớn, ông cùng chúng bạn cũng đã có nguyên một “tự điển” tiếng lóng đồ sộ. Mấy mode quần loe, quần bó, tóc tai kiểu hippy thời ấy ắt hẳn cũng đã làm ngứa mắt các cụ ở thế hệ trước đó.
Tôi đã từng chứng kiến một cậu con trai với bộ tóc highlight 3 màu giúp một bà cụ lên xe buýt và tìm chỗ cho cụ ngồi, trong khi các quý ông trung niên rất thản nhiên yên vị hoặc cách ứng xử quá tử tế của chàng thanh niên xăm trổ trong một tai nạn giao thông với 2 mẹ con bị ngã mà lỗi không thuộc về cậu ta.
Dẫn dắt như thế nào là chuyện mà các bậc phụ huynh nên suy nghĩ để chọn ra một phương pháp đúng nhất. Tôi không hề tìm cách bắt các con của mình nghe nhạc theo “gu” của bố mẹ, không thuyết phục rằng âm nhạc mình thích là hay, là tuyệt, là bất tử. Thậm chí, tôi còn cùng các cháu nghe Justin Timberlake, Christina Aguilera, BSB... Rồi tôi cũng rất ngạc nhiên khi thấy các con mình cũng say sưa với Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Paul, Richard Clayderman...
Ngày xưa, một vụ ly hôn, ngay tức khắc trở thành một scandal gia đình để bàn ra tán vào. Nhưng ngày nay, chia tay sau hôn nhân trở thành chuyện bình thường. Người lớn tuổi phê phán thế hệ sau mình là không chín chắn, là hiện sinh, xem thường hạnh phúc gia đình.
Tôi tự đặt ra câu hỏi: Có được bao nhiêu gia đình có hạnh phúc thực sự? Chính sự câu nệ phong kiến, sợ tai tiếng, sợ mất chỗ đứng, mất danh vọng và vật chất mà biết bao cặp vợ chồng chấp nhận hành hạ nhau suốt đời. Khá nhiều người trẻ bây giờ dũng cảm khi can đảm thừa nhận sai lầm và tự quyết định giải phóng bản thân.
Không biết tôi có khắt khe với thế hệ của mình không khi nói rằng: Người lớn nên cố hoàn chỉnh bản thân để thành một tấm gương trước khi tìm một sự đồng cảm với giới trẻ, trước khi phê phán. Là bởi, làm sao có kết quả khi cố gắng dạy dỗ một đứa trẻ làm người mà chính chúng ta vẫn chưa thành nhân?
NGUYỄN SƠN

Có thể bạn quan tâm