Đô thị

Ý nghĩa từ các công trình đầu tư hạ tầng cho vùng khó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ nhiều nguồn lực, các công trình hạ tầng cho vùng khó như giao thông, điện, nước… đã hoàn thành,đưa vào sử dụng góp phần tạo sức bật phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

1. Những ngày đầu năm 2024, 2 trạm biến áp cấp điện lưới Quốc gia cho hơn 50 hộ đồng bào dân tộc Bahnar tại 2 làng Tpé (xã Chơ Long) và thôn 3 (xã Kông Yang) thuộc huyện Kông Chro đã hoàn thành và đưa vào hoạt động. Ông Đinh Pao-già làng làng Tpé cho biết, ngày xưa, làng đã có lưới điện kéo về tận nhà. Tuy nhiên, do người trong làng ngày càng đông lên, nhiều thanh niên lập gia đình, tách hộ nên những hộ mới, ở xa trung tâm làng, muốn kéo điện về nhà phải có đường dây rất dài. Vì vậy, điện vừa yếu vừa mất an toàn. “Trước khi trạm biến áp được xây dựng, điện ở đây chỉ có thể thắp được bóng đèn 20W, không thể dùng cho ti vi, máy quạt hay máy bơm. Từ khi đặt trạm biến áp, điện lưới mạnh nên bà con trong làng thuận lợi trong sinh hoạt và sản xuất, con cháu cũng được học hành dưới ánh sáng của điện”-ông Đinh Pao cho hay.

Hàng năm, ngành điện Gia Lai luôn dành nguồn kinh phí đáng kể để đầu tư, hoàn thiện lưới điện nông thôn. Ảnh: Hà Duy
Hàng năm, ngành điện Gia Lai luôn dành nguồn kinh phí đáng kể để đầu tư, hoàn thiện lưới điện nông thôn. Ảnh: Hà Duy

Được biết, 2 trạm biến áp cấp điện lưới Quốc gia cho làng Tpé và thôn 3 nằm trong kế hoạch đầu tư nâng cấp, cải tạo lưới điện trên địa bàn huyện Kông Chro năm 2023. Theo đó, trong năm, Điện lực Kông Chro đã đóng điện công trình hoàn thiện lưới điện trung-hạ áp với khối lượng xây dựng mới, cải tạo 2,7 km đường dây hạ áp; 3,39 km đường dây trung áp, xây dựng mới 2 trạm biến áp với tổng công suất 150 kVA; nâng dung lượng 2 máy biến áp với tổng công suất 410 kVA. Tổng mức đầu tư các công trình này là hơn 10 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Công Thành-Phó Giám đốc Điện lực Kông Chro cho biết: “Việc đầu tư, hoàn thiện lưới điện nông thôn là nhiệm vụ mà chúng tôi luôn nỗ lực thực hiện, không chỉ nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm nguy cơ mất an toàn đường dây sau công tơ của khách hàng mà chúng tôi mong qua đó sẽ góp phần cùng với địa phương tạo điều kiện để giúp bà con yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế, ổn định đời sống, không còn đói nghèo. Niềm vui của bà con chính là động lực để chúng tôi tiếp tục cố gắng".

2. Cũng trong những ngày đầu năm 2024, Dự án Đường giao thông kết nối các xã Ia Mlah, Phú Cần và thị trấn Phú Túc với chiều dài 8,383 km với tổng vốn đầu tư 90 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương do UBND huyện Krông Pa làm chủ đầu tư cũng đã kịp thời về đích sớm hơn 10 tháng so với kế hoạch đề ra. Công trình được thiết kế với quy mô cấp IV miền núi, kết cấu mặt đường bê tông, nền đường rộng 7,5 m, mặt đường rộng 5,5 m.Ông Hồ Văn Thảo-Chủ tịch UBND huyện Krông Pa cho biết: “Khu vực có tuyến đường đi qua phần lớn đất sản xuất của người dân rộng cả ngàn héc ta. Vì vậy, tuyến đường rất có ý nghĩa khi giúp giảm chi phí sản xuất, đi lại của người dân. Vì vậy, khi tuyến đường hoàn thành, người dân ai cũng rất phấn khởi".

Thi công đường hành lang kinh tế phía Đông, kết nối các huyện Đak Đoa, Chư Păh và TP. Pleiku. Ảnh: Hà Duy
Thi công đường hành lang kinh tế phía Đông, kết nối các huyện Đak Đoa, Chư Păh và TP. Pleiku. Ảnh: Hà Duy

Trước đó không lâu, Dự án Đường liên huyện Chư Sê-Chư Pưh-Chư Prông với chiều dài 32,75 km, tổng vốn đầu tư 320 tỷ đồng cũng đã về đích, kết nối với đường liên huyện Chư Păh-Ia Grai-Chư Prông-Đức Cơ tạo thành tuyến giao thông khép kín với tổng chiều dài hơn 150 km. Anh Lê Văn Tính-lái xe cho một doanh nghiệp chuyên thu mua nông sản chia sẻ: “Tôi hay đi thu mua nông sản các huyện Ia Grai, Đức Cơ, Chư Prông, Chư Sê, Chư Pưh. Hồi xưa muốn di chuyển thì đi vòng, khá xa. Nhưng nay có các tuyến đường liên huyện đã giảm rất nhiều về chi phí vận chuyển. Giao thông thuận lợi, người nông dân không lo bị ép giá”.

3. Nếu trước kia, cứ đến mùa khô là người dân xã Đất Bằng (huyện Krông Pa) phải chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt, thì đến thời điểm này, 100% hộ dân thuộc 4 buôn Ia Rnho, Ia Rpua, Ia Prong, Ma Giai trên địa bàn xã đã được sử dụng nước sạch sinh hoạt. Tại buôn Ma Giai, với tổng kinh phí đầu tư 4 tỷ đồng từ nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, công trình nước sạch đưa về tận nhà phục vụ đời sống của 182 hộ với 715 nhân khẩu nơi đây. Chị La O H’Ngich bày tỏ: “Ngày trước, khi chưa có hệ thống nước sạch, mùa khô, tôi phải ra giữa lòng suối đào hố để lấy nước, nước uống thì phải mua. Giờ có nước rồi, bà con chúng tôi vui lắm. Tiền nước phải trả cũng không nhiều, chỉ 10 ngàn đồng mỗi khối nước,chủ yếu dùng để trả tiền điện bơm nước và chi phí bảo dưỡng công trình nếu có hư hỏng”.

Bên cạnh nguồn vốn của Nhà nước, qua sự kết nối, vận động của chính quyền các địa phương, nhiều cá nhân, tổ chức cũng chung tay đưa nước sạch về làng cho người dân. Cho đến nay, người dân làng Xom Pốt (xã Ia Pia, huyện Chư Prông) vẫn biết ơn công trình giếng nước tình thương do Công ty cổ phần Hưng Thịnh Land và nhóm từ thiện Hoa Hướng Dương (tỉnh Bình Dương) xây dựng với kinh phí tài trợ 120 triệu đồng (cộng thêm 70 triệu đồng người dân trong làng và UBND xã góp thêm). Nhờ vậy mà hơn 50 hộ dân của làng đã không còn cảnh thiếu nước, phải đi thật xa ra suối để tắm rửa và gùi nước sinh hoạt về nhà mỗi khi mùa khô đến. Chị Siu Am-một người dân trong làng cho hay: “Khi có nước sạch đầy đủ để sử dụng, không còn gì vui hơn. Mỗi tháng người dân chúng tôi chỉ tốn khoảng 50.000 đồng-100.000 đồng/tháng thôi”.

Chị Siu Am rất vui mừng khi đã có nước sạch về tận nhà. Ảnh: Hà Duy
Chị Siu Am rất vui mừng khi đã có nước sạch về tận nhà. Ảnh: Hà Duy

Với mục tiêu kéo gần khoảng cách giữa các vùng trong tỉnh, những công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng đã góp phần quan trọng trong cải thiện đời sống; phát triển kinh tế của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới. Ông Kpă Đô-Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết, bình quân mỗi năm, hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh giảm trên 4,21%. Hiện nay, số xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông hóa chiếm 99,43%; số hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh chiếm 97,7%; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp chiếm 99,99% và 97,8% thôn, làng có nhà sinh hoạt cộng đồng...

Có thể bạn quan tâm