Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Y Tư: Nghệ sĩ đa tài

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Y Tư-người con dân tộc Bahnar ở làng Roh (xã Đông, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) là một nghệ sĩ múa chuyên nghiệp. Không chỉ thế, ông còn chế tạo được nhiều loại nhạc cụ dân tộc và nặng lòng với dân ca Bahnar, Jrai.
Chúng tôi đến thăm nghệ sĩ Y Tư đúng lúc ông đang chỉnh âm cho chiếc đàn goong ngay trước thềm nhà. Trong suốt quá trình công tác và cống hiến cho nền nghệ thuật tỉnh nhà, nghệ sĩ Y Tư đã đi nhiều nơi, biểu diễn nhiều loại hình múa. Bên cạnh đó, ông còn có khả năng đặc biệt nữa là tự chế tác ra nhiều loại nhạc cụ như đàn goong, k’ní, t’rưng, chuông gió… hoàn toàn thủ công mà không sử dụng bất kỳ loại máy móc hiện đại nào.
Nghệ sĩ Y Tư biết chơi nhạc cụ dân tộc từ năm 7 tuổi và từ đó từng chiếc đàn bằng tre, nứa, rồi thanh âm trầm bổng, réo rắt cứ nhịp nhàng theo ông đến bây giờ. Dụng cụ chính để ông chế tác chỉ là 1 chiếc rựa và chất liệu là các loại tre, nứa, lồ ô hay những quả bầu khô do tự ông về các thôn, làng để tìm hay đặt mua lại của bà con người dân tộc bản địa.
Khi tìm được nguyên liệu vừa ý, ông thực hiện sơ chế, cắt gọt, phơi khô, xử lý mối mọt… Sau đó, ông mới bắt đầu tiến hành công đoạn chế tác, chỉnh âm cho nhạc cụ. Đây là phần khó nhất trong việc hoàn thiện các loại nhạc cụ sao cho tạo nên thứ âm thanh trong trẻo, chuẩn và hấp dẫn nhất. Khoảng sân nhỏ phía sau nhà là nơi ông đặt các dụng cụ, nguyên vật liệu để chế tác.
Nghệ sĩ Y Tư. Ảnh: Đức Thụy
Nghệ sĩ Y Tư. Ảnh: Đức Thụy
Nghệ sĩ Y Tư chia sẻ: “Để hoàn thiện 1 chiếc đàn goong khi đã chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu thì phải mất gần 2 tuần. Đây là nhạc cụ tôi chế tác thường xuyên nhất bởi ngoài biểu diễn, trưng bày hay thỏa chí đam mê, nếu có khách đặt mua tôi sẽ làm theo yêu cầu, có khi nhận làm cho khách ở TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội. Điều đặc biệt nhất của đàn goong là khi âm thanh được tấu lên, người nghe có cảm giác như đang đắm chìm trong không gian thanh âm của cả một dàn chiêng đang trình tấu. Nói cách khác, cây đàn goong được xem như làm nhiệm vụ thay cho cả một dàn chiêng”.
Mỗi khi chạm từng nét đục, khắc trên những thanh lồ ô để căn chỉnh âm thanh được đặt trên thân chiếc đàn goong, nghệ sĩ Y Tư tỉ mỉ, trau chuốt trong từng nét vẽ. Những họa tiết được ông thường xuyên sử dụng là mô phỏng hình ảnh vầng trăng khuyết, khung dệt, quả bầu hay vẽ những họa tiết, hoa văn đặc trưng của đồng bào dân tộc bản địa.
Ông cho biết, ngày trước sợi dây dùng để gảy đàn được tận dụng từ dây điện thoại hay dây xích xe đạp chứ không có dây đàn như ngày nay. Vì vậy, nghệ sĩ phải tận dụng mọi thứ có thể sử dụng được trong cuộc sống để tạo nên những loại nhạc cụ phục vụ trong đời sống sinh hoạt tinh thần cũng như trong các lễ hội thường niên của buôn làng.
Khi nói về tình yêu cùng sự nhiệt huyết của người bạn lớn tuổi, người đồng nghiệp chân thành đối với âm nhạc dân tộc, anh Nguyễn Khắc Phú-Trưởng đoàn nghệ thuật (Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San) chia sẻ: “Khi còn công tác, anh Y Tư đã là một nghệ sĩ tài năng. Bên cạnh chuyên môn múa, anh dành nhiều thời gian để sưu tầm những bài dân ca cổ, đặc biệt là dân ca Bahnar. Anh còn sáng tác những tác phẩm múa dựa trên những nền tảng của âm nhạc dân gian. Có thể nói, anh đã cống hiến cả cuộc đời mình cho nghệ thuật tỉnh nhà”.
VÕ THANH THẢO

Có thể bạn quan tâm