Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

100 tỷ đồng bảo vệ môi trường ở Thừa Thiên-Huế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khảo sát khu vực quanh phá Tam Giang, xã Hương Phong.
Khảo sát khu vực quanh phá Tam Giang, xã Hương Phong.
Năm nay, tỉnh Thừa Thiên- Huế thực hiện chương trình trọng điểm về bảo vệ môi trường với tổng vốn đầu tư 100 tỷ đồng; trong đó vốn huy động từ các doanh nghiệp 70 tỷ đồng, còn lại là vốn từ ngân sách Nhà nước.

Thừa Thiên-Huế là địa phương xác định đúng yêu cầu kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và lợi ích đời sống cộng đồng. Tỉnh đã tăng cường công tác giáo dục và triển khai có kết quả hoạt động bảo tồn thiên nhiên, nhằm phục hồi và bảo vệ các hệ sinh thái đặc thù của địa phương; ngăn ngừa, chạn chế thấp nhất mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường trên địa bàn.
Tỉnh cũng tập trung xây dựng các công trình thu gom xử lý chất thải sinh hoạt tại các trung tâm huyện lỵ thuộc các huyện Quảng Điền, Phú Vang và Nam Đông; hoàn thiện bộ máy quản lý và hoạt động thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt tại các huyện Phong Điền, Hương Trà và A Lưới.
Đồng thời, tỉnh đã nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm giảm thiểu mức độ thiệt hại, đảm bảo phát triển bền vững trong bối cảnh bị tác động bởi biến đổi khí hậu toàn cầu; đẩy nhanh các dự án trồng mới và phục hồi rừng ngập mặn vùng ven bờ..., trong đó có các dự án xây dựng bảo tàng thiên nhiên khu vực miền Trung và khu bảo tồn đất ngập nước cửa sông Ô Lâu.
Tại huyện Phú Vang, tỉnh đã thành lập khu bảo vệ thủy sản Cồn Chìm ở xã Vinh Phú thuộc hệ đầm phá Tam Giang- Cầu Hai, có diện tích 23,6ha. Đây là khu bảo tồn nguồn lợi thủy sản đầu tiên trên địa bàn tỉnh được thành lập nhằm mục tiêu xây dựng thí điểm khu bảo vệ thủy sản dựa vào cộng đồng, cũng như bảo vệ các bãi giống, bãi đẻ, nguồn lợi thủy sản tự nhiên trên đầm phá. Khu bảo vệ thực hiện cấm hoàn toàn các hoạt động kinh tế làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản tự nhiên và môi trường thủy sinh.
Các hoạt động khác như giao thông thủy được phép qua lại nhưng không được dừng tàu thuyền lại trong khu bảo vệ; hoạt động du lịch sinh thái được phép khi có sự tham gia và giám sát của cộng đồng ngư dân địa phương...
Ngoài Cồn Chìm, các khu vực khác như Lăng Cô ở huyện Phú Lộc; đầm Sam, Chuồn thuộc huyện Phú Vang... cũng đang được xúc tiến để thành lập các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Hiện, trên địa bàn tỉnh cũng đã đầu tư, xử lý và đưa được các cơ sở như Chợ Đông Ba, Công ty Cổ phần Dệt May Huế ra khỏi danh sách gây ô nhiễm môi trường theo Quyết định 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Một số cơ sở khác như làng nghề sản xuất vôi hàu Lăng Cô ở huyện Phú Lộc; đúc đồng xã Thủy Xuân và phường Phường Đúc thuộc thành phố Huế; sản xuất gạch ngói đất sét nung xã Hương Vinh, xã Hương Toàn ở huyện Hương Trà đang thực hiện theo lộ trình các phương án xử lý chất thải, chuyển đổi ngành nghề để có thể khắc phục trong thời gian sớm nhất tình trạng gây ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) hỗ trợ dự án Quản lý tổng hợp các hoạt động đầm phá (IMOLA), với tổng kinh phí hơn một triệu USD.
Đại diện FAO cũng khuyến cáo địa phương cần tiếp tục phát triển các hình thức nuôi trồng thủy sản trên đầm phá Tam Giang dưới các hình thức thân thiện với môi trường.
Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm