139.000 lao động thường xuyên qua biên giới hành nghề không có giấy phép

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

"Số này khi sang làm việc thì đảm bảo về mặt pháp lý, có hộ chiếu phổ thông nhưng lại không có giấy phép hành nghề. Chúng ta thiếu khuôn khổ pháp lý vì luật chưa quy định điều này", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.


Vấn đề chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết thất nghiệp, hệ lụy từ xuất khẩu lao động hay việc kiểm soát lao động tại các khu vực biên giới là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và xã hội (LĐ-TB-XH) Đào Ngọc Dung trong phiên họp ngày 5-6.

Giải quyết việc làm cho hơn 200.000 cử nhân đang thất nghiệp

Đề cập thực trạng chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam thấp so với mặt bằng khu vực, đại biểu Trần Thị Hằng (đoàn Bắc Ninh) chất vấn, với chức năng quản lý nhà nước, Bộ sẽ ưu tiên giáo dục nghề nghiệp như thế nào để giải quyết thực trạng này?


 

 Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn
Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn



Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết Bộ sẽ đưa giáo dục nghề nghiệp là ưu tiên hàng đầu, qua đó để góp phần chuyển dịch, nâng cao năng suất lao động. Ba vấn đề quan tâm gồm: quy hoạch lại toàn bộ mạng lưới, chuyển mạnh sang tự chủ và kết nối doanh nghiệp - nhà trường.

"Đây là chủ trương mà nhiều quốc gia đã áp dụng thành công, như Đức, Singapore, Nhật Bản... Từ năm 2018, Bộ liên kết với 15 trường và đào tạo theo đơn đặt hàng, gắn với thị trường", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay.

Người đứng đầu ngành lao động cũng cho biết sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tập trung xử lý, giải quyết việc làm cho hơn 200.000 sinh viên ra trường đang thất nghiệp; rà soát, tổ chức lại 1.954 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cùng với địa phương sắp xếp giảm 325 trường cao đẳng, 328 cơ sở giáo dục nghề nghiệp cấp huyện trên nguyên tắc tích hợp, sáp nhập.

"Những trường nào không tuyển sinh được trong ba năm qua có thể xem xét đóng cửa", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.

Thanh tra, xử lý nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn TP Đà Nẵng) đề cập tới tình trạng nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động “đem con bỏ chợ”, người lao động ở nước ngoài bỏ trốn, qua đó đặt câu hỏi về trách nhiệm và giải giáp của ngành lao động.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là chủ trương của Nhà nước, với mục tiêu một triệu thanh niên, người lao động được đi làm việc, học tập ở nước ngoài. Thống kê gần đây cho biết đang có 500.000 người Việt lao động tại nước ngoài và con số này đang tăng lên.


 

 Hiện có 500.000 người Việt lao động tại nước ngoài và con số này đang tăng lên
Hiện có 500.000 người Việt lao động tại nước ngoài và con số này đang tăng lên



Tuy nhiên Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thừa nhận số lao động ở các thị trường chất lượng cao trốn ra ngoài lao động bất hợp pháp là không nhỏ, gây nhiều hệ lụy. Ví dụ như thị trường Hàn Quốc có tới 55% lao động Việt Nam bỏ trốn, sau nhiều nỗ lực, quyết liệt từ phía nước bạn và chúng ta, con số này hiện giảm còn 35%. "Tới đây Bộ quyết tâm giảm tiếp nhưng đây là vấn đề không dễ", Tư lệnh ngành lao động nói.

Với doanh nghiệp xuất khẩu lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thừa nhận có thực tế "loạn thu phí, cò mồi, trốn trách nhiệm" từ phía doanh nghiệp xuất khẩu lao động như đại biểu nêu. "Bộ sẽ chấn chỉnh từng bước các vấn đề này", trưởng ngành Lao động khẳng định.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết thêm, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chấn chỉnh tình trạng này, xử lý nghiêm các vi phạm xảy ra và hoàn thiện khung pháp luật để ngăn chặn vi phạm. Cùng với đó, Bộ cũng đang cùng với các bộ, ngành khác thảo luận các giải pháp để ngăn ngừa vi phạm.

"Chúng tôi đã đối thoại với 282 doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, trên cơ sở đó công khai các quy trình, thủ tục, mức thu phí. Thời gian qua chúng tôi cũng đã thanh tra 51 doanh nghiệp và phát hiện 238 sai phạm, xử phạt hành chính hơn 3 tỷ đồng, đã thu hồi giấy phép hoạt động của 5 doanh nghiệp, đình chỉ tạm thời hoạt động của 25 doanh nghiệp", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin.

Lao động qua biên giới làm việc không có giấy phép hành nghề

Về tình hình lao động Việt Nam thường xuyên qua biên giới làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đưa ra thống kê ước tính có khoảng 139.000 lao động thường xuyên qua lại biên giới, các tỉnh giáp ranh, trong đó địa bàn giáp Trung Quốc là hơn 100.000 người, Thái Lan là 20.000 người, Lào là 13.000 người...


 

Có trên 100.000 lao động thường xuyên qua khu vực biên giới Việt - Trung làm việc
Có trên 100.000 lao động thường xuyên qua khu vực biên giới Việt - Trung làm việc



"Số này khi sang làm việc thì đảm bảo về mặt pháp lý, có hộ chiếu phổ thông nhưng lại không có giấy phép hành nghề. Chúng ta thiếu khuôn khổ pháp lý vì hiện luật chưa quy định điều này", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin, đồng thời cho biết Bộ đã cố gắng đàm phán với các nước để có hiệp định nhưng có nước đàm phán được, có nước chưa chấp nhận.

"Riêng phía Bắc có 7 tỉnh, Chính phủ giao chúng tôi ký biên bản ghi nhớ với các tỉnh Trung Quốc để quản lý tốt, tránh rủi ro. Việc đôi bên đã thống nhất và dự kiến tháng 7-2018 sẽ ra biên bản chính thức", trưởng ngành Lao động thông tin.

Chỉ 1,9% lao động FDI ngoài 35 tuổi bị sa thải

Trước nhiều ý kiến nói lao động sau 35 tuổi ở khu vực này có tỷ lệ bị sa thải cao, có nghiên cứu còn đưa ra tỷ lệ bị sa thải ở độ tuổi lao động này lên tới 80%, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định số liệu này không đúng. "Qua kiểm tra thực tiễn một số tỉnh chỉ có 11% lượng lao động ở độ tuổi này mất việc, trong đó có cả số xin nghỉ việc, nghỉ một lần… Tính ra thì chỉ có khoảng 1,9% số lao động ở độ tuổi ngoài 35 bị sa thải", Bộ trưởng LĐ-TB-XH thông tin.

Theo ANTD

Có thể bạn quan tâm