Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

14 năm “Quà của phố”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- “Quà của phố” là tên tuyển tập văn thơ về Pleiku, một cuốn sách được làm công phu, kỹ càng và in đẹp nhất cho tới thời điểm ấy (năm 2009) và có thể cả bây giờ, ở Gia Lai.

Tôi vừa ngồi nhẩn nha đọc lại và nhớ về thời điểm ra đời của nó. Hồi ấy, anh Nguyễn Hồng Hà làm Chủ tịch UBND TP. Pleiku có đặt vấn đề, năm 2009 là năm Pleiku tròn 80 tuổi, nên có một sản phẩm văn hóa của thành phố để giới thiệu với khách, nhất là khách đến Pleiku. Chả lẽ cứ hồ tiêu, cà phê, măng... mãi, mà những thứ ấy, thực ra, nó cũng không phải của Pleiku làm ra. Vậy nên, ý tưởng một tập sách tập hợp những tác phẩm văn, thơ hay nhất cho tới thời điểm ấy ra đời. Theo đó, UBND TP. Pleiku chỉ đạo thực hiện, nhóm làm sách do tôi chủ biên.

Có mấy việc thú vị mà sau 14 năm nhắc lại vẫn rất vui. Một là, lần đầu tiên, bài “Còn chút gì để nhớ” của nhà thơ Vũ Hữu Định được xuất bản công khai. Trước đấy, cả bài thơ và bài hát do nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc đã được rất nhiều người biết nhưng để xuất hiện công khai, chính thống thì chưa. Cũng bởi, muốn công khai thì phải xin phép, nhất là những tác phẩm âm nhạc xuất bản trước 1975 ở phía Nam.

Trong lời nói đầu cuốn sách do Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Hồng Hà đứng tên có đoạn: “Có lẽ, trong chúng ta không ai không thuộc hoặc biết bài thơ “Còn chút gì để nhớ” của nhà thơ Vũ Hữu Định được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc. Hình ảnh Pleiku hiện ra vô cùng quyến rũ, dễ thương, bí ẩn, nên thơ và gần gũi. Nhiều người biết đến Pleiku từ những lời hát đau đáu đắm say này. Biết rồi yêu, rồi đến, rồi trở thành cư dân ở đây, hoặc không thì cũng đi qua để rồi “còn một chút gì để nhớ...”.

Bìa tuyển tập thơ văn Pleiku “Quà của phố”. Ảnh: V.C.H

Bìa tuyển tập thơ văn Pleiku “Quà của phố”. Ảnh: V.C.H

Hai là, tôi đã viết một thư mời rất... thống thiết gửi bạn văn cả nước mời góp bài, bởi biết, Pleiku từ xưa đã có rất nhiều văn nhân nghệ sĩ nổi tiếng ghé thăm, từng có nhiều câu lạc bộ, nhóm văn nghệ, có những cuộc gặp gỡ bạn văn từ Sài Gòn lên dù ngày xưa ấy đi lại rất khó khăn. Không ngờ, thư được các báo hưởng ứng, nhiều báo đăng tin, thế là bạn văn khắp nơi gửi tác phẩm của mình hoặc của những người mình biết, những tác phẩm mình thuộc... về ban biên soạn. Tất nhiên, người biên soạn phải đối chiếu, so sánh để có tác phẩm chính xác nhất.

Thế nên, giờ ngồi đọc lại, tôi gặp những gương mặt văn nghệ vẫn còn như nóng ấm bên mình như: Vũ Hữu Định, Nguyễn Hàn Chung, Nguyễn Thái Dương, Nhất Lâm, Mai Liễu, Nguyễn Bắc Sơn, Phạm Phú Sương, Nguyễn Trọng Tạo, Đỗ Ngọc Thạch, Đào Hữu Thức, Kim Tuấn, Vân Long, Ngô Minh, Tôn Phong... cùng những Nguyễn Thị Anh Đào, Nguyễn Thúy Quỳnh, Phạm Đương, Nguyễn Ngọc Hưng, Nguyễn Tham Thiện Kế, Inrasara, Đào Phong Lan, Nguyễn Thanh Mừng, Huỳnh Dũng Nhân, Hồng Thanh Quang, Thanh Quế, Lê Minh Quốc... (thơ) cùng những Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Xuân Hoàng, Đào Hữu Thức, Minh Tứ, Đỗ Kim Cuông, Nguyễn Hiệp, Phan Đức Nam, Nguyễn Mỹ Nữ... (văn). Nhiều người đã mất, nhiều người sáng tác từ trước 1975, nhiều người đang ở nước ngoài... đều được xuất hiện trang trọng trong tập sách này.

Nhiều trùng phùng được... phát lộ. Ví dụ, sách ra thì anh Nguyễn Xuân Hoàng, một cây bút tài hoa xứ Huế đột ngột xuất hiện tại Pleiku. Thì ra, chả phải bây giờ anh mới đặt chân lần đầu, mà lâu rồi, trước đó, anh từng rất duyên nợ với đất này. Thảo nào mà anh viết về Pleiku hay và máu thịt thế. Và sau chuyến xuất hiện đột ngột ấy về lại Huế thì anh mất, cũng rất đột ngột. Hay anh Đào Hữu Thức, một tác giả sinh sống ở Đà Lạt. Sau khi sách ra, anh Thức tới Pleiku và khi ấy mới biết, anh đã ở Pleiku từ thời mới hình thành Trường nữ trung học Plei Me, vợ chồng anh là cựu học sinh Pleiku từ trước 1975.

Cũng như thế là thầy Thích Giác Tâm. Ngày ấy, nhóm biên soạn tìm được bài thơ “Pleiku và lữ khách” đầy chất Pleiku, đủ tiêu chuẩn đưa vào sách, nhưng không biết tác giả là ai. Thôi thì, cứ đưa vào rồi tính sau. Sách ra, một sư thầy tới tìm và thì ra tác giả là sư trụ trì chùa Bửu Minh, một ngôi chùa giờ rất nổi tiếng vì nhiều nhẽ và tất nhiên cũng có lý do là có sư trụ trì rất hay làm thơ, yêu khách văn và có Facebook mang tên ngôi chùa ấy.

Cái tên sách cũng là một ngẫu nhiên. Hoàn thành bản thảo nhưng vẫn chưa tìm ra tên sách, nó phải thơ một tí, nhưng lại phải gắn với nội dung và mục đích sách ra. Nó cụ thể nhưng phải bao quát... Cuối cùng, tên bài thơ của Vũ Thu Huế (Báo Gia Lai) được reo lên, nó đầy đủ tiêu chí yêu cầu, là “Quà của phố”.

Ngày đó mà sách in bằng giấy couche bóng, bìa cứng có áo rất đẹp là một sự kiện. Bìa 4 còn in bức ảnh mấy cô nữ sinh Pleiku trước 1975, áo dài trắng đi trên đường Hoàng Diệu, giờ là Hùng Vương, hồi ấy còn những cây cổ thụ rất to. Ngay cái khổ sách cũng là sự sáng tạo và rất hợp với một cuốn sách đẹp, khổ 22x20 cm, để trong kệ hay tủ hơi khó nhưng cầm cuốn sách thì rất sang.

Cũng sự kiện nữa là sách được khai trương dàn máy in offset hiện đại của Công ty In Gia Lai (nay là Công ty cổ phần In-Đầu tư phát triển giáo dục Gia Lai). Trước đấy, loại sách như này phải mang đi TP. Hồ Chí Minh in. Tôi nhớ sau này, mỗi khi có khách, cần tặng, phải có chữ ký của Chủ tịch UBND thành phố mới được xuất. Khi đó chỉ in có 630 cuốn, chắc do kinh phí eo hẹp. Giờ có cuốn này làm quà cho khách Pleiku vẫn rất sang và giá trị.

Có thể bạn quan tâm