Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

15.000 vườn nhãn ở ĐBSCL bị bệnh chổi rồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 
Theo Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, diện tích trồng nhãn của Nam bộ khoảng 35.000 ha, trong đó có khoảng 70% tập trung ở vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, nhiều vườn nhãn của khu vực ĐBSCL bị bệnh chổi rồng làm giảm năng suất.


Kết quả điều tra của ngành nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL cho thấy, bệnh chổi rồng hiện nay đã lây lan ra trên 15.000 vườn  nhãn. Địa phương có vườn nhãn bệnh nhiều nhất là: Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bến Tre…

Tại huyện Chợ Lách (Bến Tre), bệnh chổi rồng trên nhãn còn lây lan sang cây chôm chôm và các lọai cây có múi khác. Những kết quả nghiên cứu mới nhất của Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam đã xác định được tác nhân gây bệnh là do một loài vi khuẩn mới chưa có tên, thuộc nhóm GammaProteobacteria, sống trong mạch dẫn của cây, đặc biệt là trên các đọt non, hoa. Bệnh được lan truyền qua trung gian là nhện lông nhung, nhện rất nhỏ không nhìn thấy bằng mắt thường.

Ông Hồ Minh Trí, nhà vườn xã Phú Túc, huyện Châu Thành (tỉnh Bến Tre) cho biết, đây là loại bệnh mới, nông dân chưa có biết cách phòng trị. Còn một số người phòng trị nhưng chưa có hiệu quả.

UBND tỉnh Tiền Giang đã công bố dịch bệnh và chi gần 1 tỷ đồng để triển khai các biện pháp phòng, trị quyết liệt. Ngành nông nghiệp-phát triển nông thôn đã tổ chức trên 200 lớp tập huấn, chuyễn giao kỹ thuật xử lý bệnh chổi rồng trên nhãn cho 280 kỹ thuật viên và 10.000 lượt nhà vườn; cấp phát 15.000 tờ rơi tuyên truyền kỹ thuật phòng trị bệnh.

Cùng với đó ngành bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang còn kết hợp với công ty Hóa nông Hợp Trí (TP HCM) tổ chức thí điểm 3 mô hình trình diễn trị bệnh chổi rồng trên nhãn để sau đó nhân rộng ra tòan tỉnh.

Về nguyên tắc trị bệnh chổi rồng trên cây nhãn, kỹ sư Nguyễn Ngọc Chiểu, Giám đốc Công ty Hóa nông Hợp Trí khu vực miền Tây cho biết, thứ nhất phải cắt tỉa cành đảm bảo về mặt kỹ thuật. Thứ 2, phải tăng cường sức đề kháng cho cây bằng dinh dưỡng, về phía công ty Hợp Trí có các lọai thuốc kết hợp với phân vô cơ để bón. Khi phun thuốc trừ nhện ta phải phun sớm, thật chính xác. Khi tượt mới ra chúng ta phải phun thuốc… phun lần 3 khi nhãn vừa có trái non.

Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam cho biết, có nhiều biện pháp diệt nhện lông nhung để phòng trị bệnh chổi rồng cho cây nhãn. Điều quan trọng là nhà vườn phải áp dụng đúng các kỹ thuật mới đạt kết quả.

Tiến sĩ Hồ Văn Chiến, Giám đốc Trung tâm bảo vệ thực vật phía Nam: “Tôi nghĩ bà con phải chọn đúng thuốc trừ nhện, nếu dùng thuốc trừ sâu thì khó có hiệu quả. Điều quan trọng để đạt hiệu quả là bà con cần phun thuốc đúng kỹ thuật. Khi cắt cành thì phun 1 đợt, sau đó bón phân, tưới nước cho đọt bung ra mạnh; thấy tượt mới ra là phải phun ngay chứ  phun muộn thì vi khuẩn đã tấn công”.

Theo tính toán của ngành bảo vệ thực vật, để phòng, trị bệnh chổi rồng thì mỗi cây nhãn phải tốn hơn 60.000 đồng. Chỉ tính riêng tỉnh Tiền Giang cần đến 100 tỷ đồng để trị bệnh chổi rồng cho vườn nhãn. Do đó, để phòng trị bệnh chổi rồng cho vùng nhãn, ĐBSCL rất cần được sự hỗ trợ kinh phí từ trung ương, đồng thời các tỉnh cần huy động nhà doanh nghiệp, các nhà khoa học, các chuyên gia liên kết với nông dân đối phó với dịch bệnh chổi rồng trên cây nhãn.

Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm