Kinh tế

Giá cả thị trường

2 kịch bản mới nhất về tăng trưởng GDP trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dự báo 2 kịch bản tăng trưởng GDP năm 2021 ở mức 5,9 và 6,2% tùy khả năng khống chế dịch bệnh Covid-19 sớm hay muộn.
Mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam rất nhiều thách thức bởi dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Vũ Long
2 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2021
Tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021: Cải cách để phục hồi tăng trưởng bền vững” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức dưới sự hỗ trợ của Australia trong Chương trình Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), ngày 15.7.2021, CIEM đã đưa ra 2 kịch bản mới về tăng trưởng kinh tế năm 2021.
Theo dự báo của CIEM, ở kịch bản lạc quan nhất, Việt Nam có thể kiểm soát được dịch bệnh vào tháng 8.2021, tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn thấp hơn mục tiêu của Chính phủ đề ra là 6,5%. Tuy nhiên, nếu tăng trưởng đạt 6,2%, GDP Việt Nam sẽ vượt chỉ tiêu Quốc hội giao 0,2 điểm phần trăm.
Ở kịch bản dịch bệnh được kiểm soát vào tháng 10.2021, chậm hơn 2 tháng so với kịch bản lạc quan, tăng trưởng của Việt Nam dự báo ở mức 5,9%, thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với chỉ tiêu Quốc hội giao.
Trước đó, Ngân hàng thế giới (WB) đánh giá mức tăng trưởng GDP Việt Nam là 6,6%, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá ở mức 6,5%, đặc biệt, Ngân hàng TNHH một thành viên United Overseas Bank (UOB) lạc quan đánh giá mức tăng trưởng GDP 2021 lên đến 6,7%...
Tuy nhiên, theo CIEM, nền kinh tế Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2021 có thể tiếp tục chịu những tác động từ những bất định, rủi ro trong nội tại nền kinh tế cũng như thế giới. Trong đó, dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát làn sóng tiếp theo, làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hoá, chi phí logistics tăng tác động đến xuất nhập khẩu hàng hoá… Khả năng kiểm soát dịch bệnh tiếp tục là nhân tố ảnh hưởng mạnh mẽ tới tốc độ tăng trưởng.

CIEM dự báo 2 kịch bản tăng trưởng năm 2021. Nguồn: CIEM
Nhiều yếu tố bất lợi cản trở tăng trưởng
Theo ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp (CIEM), bối cảnh kinh tế trong 6 tháng vừa qua không hề dễ dàng hơn so với năm 2020. Trong 6 tháng đầu năm 2021, kinh tế toàn cầu phục hồi rõ nét hơn, dù chưa đồng đều giữa các nhóm nền kinh tế.
Tuy nhiên, đà phục hồi kinh tế còn nhiều bất định do rủi ro bùng phát các đợt dịch bệnh mới, diễn biến lây lan nhanh của các biến thể Covid-19 mới khiến nhiều quốc gia áp dụng trở lại các biện pháp hạn chế; chậm trễ trong phổ biến vaccine và tiêm chủng; rủi ro nợ và áp lực lạm phát…
Đợt dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư từ cuối tháng 4 với những diễn biến phức tạp, khó lường, đã gây ra những khó khăn, thách thức lớn đối với nền kinh tế.
“Đà phục hồi tăng trưởng vẫn hiện hữu; mặc dù vậy, việc hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng cả năm 2021 ở mức 6,5% là thách thức rất lớn”, ông Nguyễn Anh Dương nói.
Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, theo Viện trưởng CIEM Trần Thị Hồng Minh, cần tập trung vào 3 định hướng cuối năm 2021, gồm:
Thứ nhất, bảo đảm có sự song hành giữa chính sách kinh tế vĩ mô và cải cách kinh tế vi mô, hướng tới phục hồi xanh và phục hồi bền vững.
Thứ hai, thúc đẩy phục hồi kinh doanh và nâng cao năng lực nội tại, mức độ tự chủ của nền kinh tế gắn với thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Thứ ba, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ hướng tới kinh tế số; trang bị kỹ năng mới để cải thiện năng suất.
VŨ LONG (LĐO)
https://laodong.vn/kinh-te/2-kich-ban-moi-nhat-ve-tang-truong-gdp-trong-boi-canh-dich-benh-covid-19-930663.ldo

Có thể bạn quan tâm