Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

2020 sẽ nắng nóng kỷ lục, hạn hán kéo dài

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) vừa có văn bản nhận định sớm về khả năng diễn biến phức tạp của mùa mưa, bão, lũ năm 2020, gửi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai.  
 
Hạn hán, thiếu nước tại xã An Phú Trung, H.Ba Tri, Bến Tre (tháng 3.2020). Ảnh: Ngọc Dương
Nắng nóng trên diện rộng
Báo cáo của Tổng cục Khí tượng thủy văn cho biết, trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, diện tích băng ở các cực liên tục giảm và nhiệt độ trung bình toàn cầu liên tục tăng. Theo báo cáo của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), nhiệt độ trung bình toàn cầu đạt mức cao kỷ lục trong giai đoạn 2010 - 2019 và 5 năm gần đây có nhiệt độ cao nhất trong 140 năm qua. Theo dự báo của Cơ quan Khí tượng Vương quốc Anh (Met Office), năm 2020 sẽ là một trong những năm nắng nóng kỷ lục, với nhiệt độ toàn cầu có thể tăng 1,1 độ C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp, kéo dài số năm ấm nhất liên tiếp thêm ít nhất 1 năm nữa, kèm theo đó là tính bất ổn cao của khí quyển trên quy mô toàn cầu, khu vực.
Tại Việt Nam, hầu hết các tỉnh thành đang bắt đầu bước vào giai đoạn nắng nóng kinh khủng. Bản tin cập nhật mới nhất sáng 19.4 của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết: Hiện nay, rãnh áp thấp có trục ở khoảng 25 - 28 độ vĩ Bắc nối với vùng áp thấp phía tây đang phát triển và mở rộng về phía đông.
Do ảnh hưởng rìa phía nam của rãnh áp thấp nối với vùng áp thấp phía tây nêu trên nên hôm nay, nắng nóng sẽ xuất hiện ở khu vực Tây Bắc Bắc bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế với nền nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến 35 - 37 độ. Trong thời gian 20 - 22.4, nắng nóng sẽ xảy ra trên diện rộng ở phía Tây Bắc bộ, Bắc và Trung Trung bộ với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 35 - 37 độ, có nơi trên 38 độ. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ khoảng 12 - 16 giờ. Ở các tỉnh Đông Bắc bộ từ ngày mai (20.4), cục bộ có nắng nóng với nền nhiệt độ cao nhất trong ngày khoảng 35 độ.
Hôm nay (19.4), nắng nóng mở rộng ra các tỉnh miền Tây Nam bộ với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 35 - 37 độ, có nơi trên 37 độ. Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ thông tin rõ hơn: Sau khi nền nhiệt độ tại miền Đông Nam bộ và một vài nơi ở miền Tây Nam bộ liên tiếp duy trì nhiệt độ cao nhất phổ biến ở mức 35 - 36 độ trong vài ngày qua, hôm nay, nắng nóng sẽ tiếp tục gia tăng, xảy ra trên diện rộng. Nhiệt độ cao nhất phổ biến trong đợt này khoảng 35 - 37 độ, có nơi trên 37 độ.Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ khoảng 12 - 15 giờ.
Các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh là khu vực chịu ảnh hưởng nắng nóng mạnh mẽ nhất với nền nhiệt độ cao nhất 35 - 38 độ C. TP.HCM và An Giang xếp vị trí thứ 2, nhiệt độ cao nhất 35 - 37 độ C. Đợt nắng nóng diện rộng tại Nam bộ có khả năng kéo dài đến hết 22.4, sau đó có xu hướng giảm dần từ ngày 23.4.
Mưa tới muộn, hạn hán kéo dài tới giữa tháng 5
Tổng cục Khí tượng thủy văn nhận định nhiệt độ toàn cầu tăng là dấu hiệu cho thấy khả năng thiên tai khí tượng thủy văn năm 2020 sẽ khốc liệt, phức tạp, khó lường. Ở Việt Nam, từ đầu năm 2020 đến nay, nhiều hiện tượng thời tiết, khí hậu bất thường như mưa to kèm giông lốc, mưa đá liên tục xảy ra ở các tỉnh miền Bắc vào các thời điểm rất hiếm khi xảy ra, thậm chí chưa từng xảy ra. Hạn hán, xâm nhập mặn tiếp tục diễn ra ở Nam bộ, Trung bộ.
Đơn vị này dự báo trong năm nay, mưa lớn tập trung nhiều vào giai đoạn cuối năm, ở khu vực Trung và Nam Trung bộ. Tổng lượng mưa tại khu vực Tây Bắc bộ trong tháng 6 - 9 phổ biến ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm, riêng tháng 5 và tháng 10 ở mức thấp hơn 10 - 25% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Khu vực phía Đông Bắc bộ, tổng lượng mưa các tháng 5, tháng 7, tháng 8 và tháng 10 phổ biến ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm; các tháng 6 và tháng 9 ở mức cao hơn 10 - 25%. Lượng mưa ở khu vực Trung bộ có xu hướng thấp hơn trung bình nhiều năm vào đầu mùa 20 - 40%, xấp xỉ trung bình nhiều năm vào giữa mùa và cao hơn vào cuối mùa khoảng 15 - 30%.
Đáng chú ý, mùa mưa trên khu vực Tây Nguyên, Nam bộ có khả năng đến muộn hơn so với trung bình, do vậy tình trạng ít mưa và khô hạn còn tiếp diễn cho tới nửa đầu tháng 5. Trong khoảng tháng 6 - 9, lượng mưa có xu hướng gia tăng trên khu vực và phổ biến ở mức xấp xỉ với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Đến tháng 10, tổng lượng mưa trên toàn khu vực Tây Nguyên và Nam bộ phổ biến cao hơn 15 - 30% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ và khả năng cao mùa mưa sẽ kết thúc muộn hơn.
"Trong năm 2020, ít có khả năng xuất hiện lũ sớm tại Đồng bằng Nam bộ. Đỉnh lũ năm ở đầu nguồn sông Cửu Long trên sông Tiền tại Tân Châu và sông Hậu tại Châu Đốc ở mức báo động 1 - 2, thấp hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm 0,2 - 0,4 m. Thời gian xuất hiện đỉnh lũ năm vào nửa cuối tháng 9" - Tổng cục Khí tượng thủy văn dự báo.
Hà Mai (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm