(GLO)- Ngày 23-3, cả làng O Rưng (xã Ia Ko, huyện Chư Sê, Gia Lai) ngơ ngác bởi tin anh Siu Jêl-một người làm thuê đến tạm trú tại một gia đình trong làng bỗng nhiên thắt cổ tự vẫn. Chỉ 1 tuần sau, vợ anh-chị Siu Soát-cũng tự vẫn theo chồng. Ba đứa trẻ-đứa lớn nhất mới 7 tuổi-bỗng chốc lâm vào cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ…
Chúng tôi tìm về làng Sur A (xã Ia Ko) vào một ngày nắng nóng cao điểm của mùa khô Tây Nguyên. Con đường đất đỏ ngoằn ngoèo dẫn chúng tôi đến ngôi nhà của gia đình ông Siu Prum (SN 1964), nơi đang cưu mang 3 đứa trẻ. Phía trước căn nhà nhỏ xây tạm bợ, bé Siu H'Noăch (SN 2014)-đứa con thứ 2 của vợ chồng anh Jêl-chị Soát đang tha thẩn nghịch đất cát. “Từ hôm nghe tin mẹ nó tìm đường đi theo bố tụi nhỏ, gia đình mình qua làng O Rưng đón chúng về nuôi. Nhà mình chỉ có 200 gốc cà phê và mấy con bò, cuộc sống cũng khó khăn. Nhưng phong tục người Jrai mình là thế, vậy nên, nhà có rau ăn rau, có cháo ăn cháo”-ông Prum nói.
Ông Siu Prum và cháu Siu H'Noăch. Ảnh: H.L |
Hoàn cảnh của chị Soát khá nghiệt ngã. Ngay khi mới ra đời, chị Soát đã mất mẹ, bố bỏ đi lấy vợ khác. Chị chính là người được vợ chồng cựu chiến binh Ayun Hới (làng Vel, xã Ia Ko) đưa về nuôi từ khi còn đỏ hỏn. Lớn lên, chị lập gia đình với anh Siu Jêl-người cùng làng. Hai vợ chồng không có nhà cửa, ruộng rẫy. Thương hoàn cảnh của chị, một gia đình người Kinh đã thuê anh chị trông nom và chăm sóc vườn hồ tiêu tại làng O Rưng, vì thế cả gia đình dắt díu nhau qua ở luôn trong nhà rẫy của chủ vườn. Thu nhập từ tiền công làm thuê vốn không nhiều nhặn, lại nuôi 3 đứa trẻ nên cuộc sống gia đình rất chật vật. Điều này khiến anh Jêl sinh ra rượu chè, chán nản. Một ngày gần cuối tháng 3, không biết vì nguyên nhân gì, anh Jêl thắt cổ tự tử. Một tuần sau, trong một lần ra thăm mộ anh Jêl, chị Soát cũng tự vẫn ngay cạnh nhà mả của chồng… Theo phong tục của người Jrai, khi mẹ chết, con cái sẽ được đưa về cho chị/em gái của mẹ nuôi. Bởi vậy, 3 anh em: Siu A Núi (SN 2012), Siu H'Noăch và Siu Ren (SN 2016) được đưa về cho vợ chồng chị Suăk-cũng là một người con nuôi của cựu chiến binh Ayun Hới (giờ chị Suăk là con dâu của ông Prum-P.V) ở làng Sur A về nuôi từ bấy đến nay.
Khi chúng tôi đến, 2 người anh em còn lại của em H'Noăch đều không có nhà. Trong đó, đứa con lớn A Núi theo người lớn lùa bò lên rừng, đứa em trai út Siu Ren bỏ đi đâu chơi không rõ. “Hơn chục ngày đưa chúng về nuôi, ngày nào chúng cũng khóc vì nhớ cha mẹ”-ông Prum ngậm ngùi.
Cảm thương trước hoàn cảnh 3 đứa trẻ sớm mồ côi cha mẹ, chính quyền và các ban ngành, đoàn thể địa phương đã chung tay hỗ trợ một phần để các em vơi bớt thiệt thòi. “Khi đón về, cả 3 đứa không đứa nào có giấy khai sinh, không được đi học. Xã đã trích quỹ “Vì người nghèo” hỗ trợ đột xuất 500 ngàn đồng cho 3 cháu. Một số nhà hảo tâm, tổ chức thiện nguyện cũng đóng góp tiền, gạo để nuôi các cháu. Hiện tại, địa phương đang hoàn tất các hồ sơ, thủ tục cần thiết để các cháu có thể đi học và nhận các khoản hỗ trợ theo quy định của Nhà nước”-anh Rmah Ye-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ia Ko cho biết.
Hoàn cảnh đáng thương của các em hiện đang rất cần sự quan tâm, chung tay giúp đỡ từ những tấm lòng hảo tâm. Mọi sự hỗ trợ xin liên hệ bà Võ Thị Mai, cán bộ văn hóa-xã hội xã Ia Ko, huyện Chư Sê, số ĐT: 0979997156 hoặc Tòa soạn Báo Gia Lai-02A Hoàng Văn Thụ-TP. Pleiku (gặp chị Lệ Hằng-Phó Trưởng phòng Bạn đọc-Báo ảnh-Tư liệu Báo Gia Lai, số ĐT: 0943065095).
HẢI LÊ